Sunday, March 15, 2015

Để viết blog hiệu quả

Tôi viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm của tôi về việc viết blog. Cách đây không lâu, có người nói rằng tôi thường hay viết blog, và viết cũng khá tốt, và người ta hỏi tôi về phương pháp làm sao viết hiệu quả, vì người ta cũng cố gắng viết nhưng hầu hết là không publish ra được. Người ta hỏi tôi chỉ bởi vì tôi đã viết khá nhiều blog và cũng đã viết khá nhiều bài.

Gần đây thì có một vài người đặt vấn đề này lại với tôi. Tôi nghĩ tôi có thể chia sẻ trên blog của mình để những người khác nữa có thể tìm hiểu và tham khảo cách tiếp cận của tôi. Đôi khi giúp ích cho một ai đó.


0. Trước khi bắt đầu

Khái niệm viết blog mà tôi đề cập xuyên suốt bài này là để chỉ những bài viết cá nhân dùng để chia sẻ kinh nghiệm hoặc trải nghiệm cá nhân, không phải các bài viết để quảng bá hoặc tin tức hoặc các nghiên khảo, nghiên cứu, luận văn này kia. Tất nhiên, mọi người có thể sử dụng những kinh nghiệm viết bài của tôi để cải thiện mọi loại bài viết, nhưng tôi không khẳng định nó có áp dụng được.

Và, những kinh nghiệm này là kinh nghiệm cá nhân của tôi, theo cách nhìn nhận của tôi và theo văn phong của tôi mà thôi.

1. Hãy biết bạn cần gì

Hoặc là bạn đã từng cần gì.

Khi bạn cần một thông tin gì đó, bạn sẽ lùng sục về nó trên internet. Câu chuyện là: Sẽ có rất nhiều người có nhu cầu giống như bạn, và họ cũng sẽ lùng sục giống như bạn đã làm.

Vậy, thay vì nhức óc tìm một đề tài hoặc một kinh nghiệm thú vị của bạn, bạn hãy bắt đầu bằng những kinh nghiệm mà bạn rút ra sau mỗi lần "lùng sục" ấy. Việc này sẽ giúp cho bạn hiểu thấu đáo vấn đề hơn, và giúp cho rất nhiều người khác nhanh chóng tìm lấy thông tin họ cần.

2. Đừng quá lo lắng về người đọc sẽ nghĩ gì

Thực tế là sẽ chẳng có nhiều người đọc đâu. Hoặc giả họ có đọc, họ cũng không nghĩ gì nhiều.

Đôi lúc, khi bạn viết, bạn nghĩ rằng đây là một đề tài nghiên cứu thú vị của mình, và người đọc sẽ lấy làm ngạc nhiên khi bạn trình bày thông tin như vậy. Nếu bạn có suy nghĩ và viết vì mục đích như vậy, tôi cho là khá tốt. Vì khi đó bạn thật sự nghiêm túc với bài viết và các suy nghĩ của mình, nhưng nếu điều đó khiến cho bạn phải trau chuốt câu chữ, ý và lời thì tôi nghĩ bạn đã đi quá xa.

Bây giờ, bạn đóng vai trò người đọc xem nào. Bạn cần gì nào? À, cái mà chúng ta cần mỗi lần đọc bài người khác là: lướt nhanh qua, nắm các ý chính, và hết. Người đọc của bạn cũng sẽ như vậy. Họ sẽ đọc một lượt, nắm các ý chính và họ sẽ không đọc lại lần nào nữa. Điều phũ phàng hơn là, 80% người đọc sẽ quên mất ý chính đó vào ngày hôm sau.

Bạn, nếu đã viết bài thì hãy quan tâm tới người đọc, cung cấp cho họ thông tin mà họ cần, nhưng đừng quá lo lắng về người đọc.

3. Hãy thoải mái viết theo cách nghĩ của mình

Không có một bài văn mẫu nào, không có cách viết blog chuẩn nào, cũng không có ai ràng buộc bạn phải viết về đề tài bạn không thích.

Đó là blog của bạn.

Khác với các bài văn thời đi học, chúng ta phải viết có các ý chính thế này thế kia, rồi phải bao gồm mở bài - thân bài - kết bài này nọ. Hãy dành cho blog của bạn một không gian riêng, độc lập, và là nơi bạn trải lòng mình ra, chia sẻ những hiểu biết của mình. Hết.

Đôi khi, blog chỉ gồm vài dòng, nhưng nó lại có ý nghĩa lưu lại một khoảng khắc trong cuộc đời của bạn, và nó đã trở thành một bài blog có ý nghĩa với bạn rồi.

Rất nhiều người nghĩ: Họ viết bài là để PR cho bản thân. Xin thưa rằng, sẽ chẳng ai quan tâm đến bạn là ai trên blog, người ta chỉ quan tâm đến blog của bạn vì ở đó có vài thông tin gì đó mà họ cần. Những người quan tâm đến bạn chỉ là những người bạn ngoài đời của bạn, họ quen biết bạn, và họ biết bạn có viết bài này bài nọ. Nhưng họ lại không thật sự quan tâm đến bạn đã viết cái gì. Vậy có lợi ích PR gì ở đây không? Hoàn toàn không. Người đã biết bạn thì họ không quan tâm bạn viết cái giống gì, còn người không biết bạn thì họ chả cần biết bạn là ai.

4. Viết liền, kẻo quên

Ý tưởng hoặc kinh nghiệm chỉ đến trong một thời gian ngắn, nếu bạn không viết liền, ắt sẽ quên.

Đôi khi, nó còn liên quan tới cảm xúc. Bạn có ý tưởng, nhưng ngày hôm sau nó sẽ nhạt dần, đến nỗi bạn sẽ không còn tâm trí đâu mà viết tiếp nữa.

Tuy nhiên, thường là bạn không có thời gian để ngay lúc có ý tưởng là có thể viết ngay. Vậy nên cứ note các ý chính lại, để khi nào có thời gian thì khai triển nó ra. Nhưng điều cốt yếu là phải bắt đầu ngay khi có thời gian, bạn để qua ngày hôm sau là mọi thứ nhạt dần ngay. Phải là một ý bạn rất tâm đắc bạn mới có thể viết vào ngày hôm sau, còn không thì bạn sẽ nản khi viết.

5. Đừng chú tâm tới SEO này nọ

Việc này thật ra cũng tốt thôi, nó sẽ giúp cho người khác có cơ hội tìm thấy bài viết của bạn dễ dàng hơn. Nhưng đừng quá chú tâm vào nó, mất nhiều thời gian, mà đôi khi lại phản tác dụng.

Điều bạn cần quan tâm nhiều nhất là: Duy trì lượng bài viết của mình thường xuyên, và nâng cao khả năng viết bài của mình.

Có 2 hướng để nâng cao: 1- Viết rõ ràng và dễ hiểu hơn, 2- Rút ngắn thời gian từ ý tưởng thành bài viết hoàn chỉnh.

Nếu bạn viết tốt, người ta sẽ tìm đến bạn, và nếu bạn luôn cung cấp cho người ta thông tin có ích, người ta sẽ để ý hơn trang web của bạn. Còn nếu bạn viết chưa tốt, thì dù cho bạn có cò kéo thế nào cũng không xong, đôi khi còn bị mấy cái search engine đánh giá thấp.

Hãy viết blog trên các công cụ nổi tiếng như Wordpress, Blogger, Drupal,... Và yên tâm rằng các công cụ này có sẵn các hình thức SEO mặc định rồi, nó quá đủ cho nhu cầu của bạn.

Một phút dành cho quảng cáo

1 comment:

  1. Bài viết rất hữu ích. Thanks bạn đã chia sẻ :)

    ReplyDelete

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *