Saturday, November 4, 2017

Bàn về luật pháp với blockchain

Nói về luật pháp với blockchain thì có 3 cuộc thảo luận gần đây của giới chuyên môn. Đầu tiên là hầu hết các chính phủ đều "lo sợ" trước blockchain, nhất là bitcoin. Thứ 2 là tranh cãi về chuyện chính phủ làm sao để "luật hoá" blockchain, tức là đưa blockchain vào con đường có kiểm soát và mang lại lợi ích cho quốc gia. Thứ 3 là một cuộc tranh luận mới, nhưng không kém phần kịch tính và kích thích, đó là dùng blockchain như là một công cụ để minh bạch hoá chuyện thực thi luật pháp, thậm chí là đưa luật pháp thành một blockchain luôn.

Chúng tôi cũng theo trào lưu này, đã có buổi thảo luận mở về vấn đề này. Nội dung bài viết là tóm tắt lại nội dung đã thảo luận. Coordinator: Nguyễn Kim Kha, contributors: Huỳnh Đức Toàn, Nguyễn Minh Kha, Nguyễn Anh Tấn.


Mở đầu


Đến với blockchain nói chung, hay bitcoin nói riêng thì thường có mấy giới: holder (mua rồi giữ một thời gian dài), trader (mua - bán liên tục), investor (đầu tư ICO hoặc tương tự), miner (đào các coin),... Chúng tôi có người thuộc các nhóm trên có người không phải, nhưng lần này gặp nhau hoàn toàn không thảo luận các vấn đề đó, mà chỉ tập trung vào vấn đề luật pháp.

Nội dung thảo luận là để trả lời 3 câu hỏi chính:
  1. Các chính phủ tại sao nên lo sợ gì và không nên lo sợ gì đối với blockchain?
  2. Liệu các chính phủ sẽ cần phải luật hoá như thế nào thì hiệu quả cho việc quản lý đối với blockchain?
  3. Liệu blockchain có thể được dùng như một công cụ luật pháp?

Cũng xin phép được thông báo là ngoài thảo luận này, chúng tôi cùng muốn có một vài buổi thảo luận khác trong tương lai gần. Nếu mọi người thực sự muốn tham gia, chúng tôi rất welcome.

Sau đây là note lại các vấn đề trong buổi thảo luận vừa qua.

Các chính phủ tại sao nên lo sợ gì và không nên lo sợ gì đối với blockchain?


Nói về smart contract (SC), nó cho phép tạo ra các hợp đồng, các tổ chức trên các hợp đồng đó, thậm chí là tạo ra cả một "chính phủ", nhưng hoàn toàn ẩn danh (anonymous). Vì anonymous nên bản chất là vô chính phủ, gần như không ai can thiệp được.

Và vì các tổ chức này có thể sử dụng blockchain như một tiền tệ, nên các "chính phủ" này có một sức ảnh hưởng nhất định đối với một cộng đồng người. Cho nên đó là một hình thức thách thức quyền lực của các chính phủ trên thế giới.

Đó là khi ta coi ảnh hưởng của blockchain như là một "chính phủ anonymous", còn ảnh hưởng thật sự thì thế nào? Một ví dụ điển hình là mới đây LHQ thực hiện "cấm vận" đối với ngành xuất khẩu than đá của Triều Tiên, ngay lập tức, xuất hiện nguồn tin nói rằng Triều Tiên sẽ dùng toàn bộ than đá không xuất khẩu được đó để tạo ra điện và đào bitcoin hay các coin tương tự. Việc này có thể giúp chính quyền Triều Tiên có nguồn tiêu thụ than đá, và vẫn mang lại một lượng ngoại tệ thông qua việc bán bitcoin ở các sàn nước ngoài... Tất nhiên, câu chuyện thật có thể dài hơn như vậy, nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là: Ảnh hưởng của các thiết chế chính trị như LHQ lên Triều Tiên đã bị ảnh hưởng blockchain làm cho lu mờ.

Có thể nói chính nhận thức của những người phi chính trị (ở đây là dân chúng nói chung) về blockchain đã mang cho blockchain một cơ hội tuyệt vời để đối trọng với hệ thống chính trị hiện nay, vốn đã hình thành và hoàn thiện cả ngàn năm qua. Đồng thời cũng trao cơ hội cho các quốc gia nhỏ bé có một công cụ để "làm giá" trước các gã khổng lồ.

Một số chính phủ có dấu hiệu thuận theo blockchain để tìm kiếm cơ hội phát triển (hoặc kiểm soát tốt hơn) đất nước mình. Tuy nhiên, không phải là nhiều, bởi phần lớn chính phủ không muốn điều này. Có thể đưa ra vài nguyên nhân ở đây:

  • Liên quan đến tiền tệ, chính phủ không thể kiểm soát được việc phát hành tiền tệ. Một chính phủ mà không kiểm soát được tiền tệ quốc gia, thì có thể nói quốc gia đó không còn thuộc quyền quản lý của chính phủ đó nữa, mà chịu sự chi phối của những người sở hữu lượng lớn tiền tệ quốc gia. Nói một cách đơn giản, trong hệ thống tiền tệ hiện tại, nếu có một cá nhân/tổ chức nào đó kiểm soát phần lớn lượng tiền, thì chính phủ chỉ cần phát hành cho chính mình một lượng lớn hơn. Việc này không thể xảy ra với blockchain hiện tại, nhất là bitcoin.
  • Thuế là nguồn thu nhập lớn nhất của chính phủ bên cạnh việc tự phát hành tiền. Với đặc tính ẩn danh, blockchain trao cơ hội vàng cho những kẻ trốn thuế, rửa tiền, và chuyển tiền lậu xuyên biên giới. Tất nhiên, dù không có blockchain thì việc đó vẫn sẽ xảy ra, nhưng blockchain cứ như là dụ dỗ người ta, vì với nó, người ta cực kỳ dễ dàng làm điều đó hơn bao giờ hết. Cứ như là trước kia chỉ có người có tiền mới mua smartphone, còn giờ thì nó rẻ và dễ mua, nên ai cũng có cho mình một cái.
  • Tiếp theo là các hình thức tội phạm như ponzi đa cấp, lừa đảo, buôn bán trái phép,... nhờ có blockchain mà tiếp tục nở rộ. Tất nhiên, đó là vấn đề kinh tế vi mô, tầm mức không ảnh hưởng trực tiếp đến quốc gia. Nhưng ai biết được ảnh hưởng của nó một khi nó tràn lan và hệ thống cảnh sát của chính phủ hoàn toàn tuyệt vọng trong việc bảo vệ người dân? Sẽ là cả một cuộc khủng hoảng kinh hoàng về đời sống của người dân. Và đó chính là điều các chính phủ không mong muốn.
  • Với cả những chính trị gia suy nghĩ tích cực nhất, thì họ cũng gặp một vấn đề khác: Blockchain quá mới để tiếp cận. Bitcoin chỉ ra đời chưa tới 10 năm, còn những thứ như smart contract thì chưa tới 5 năm. Quá ngắn để các chính trị gia già cỗi hiểu được cơ chế vận hành và luật hoá nó.

Có một ví dụ thú vị liên quan đến chuyện này, ví dụ nổi tiếng về hành vi của loài khỉ.

Đại khái là nhốt 5 con khỉ vào lồng, có cái thang và treo trái chuối. Cứ con nào leo lên thang là bị đánh cho rớt xuống. Rồi sau đó không con khỉ nào dám leo lên nữa, người ta mới lấy 1 con khỉ ra và đưa con mới vào. Con mới vào thì lập tức trèo lên thang, nhưng ngay lập tức nó bị mấy con khỉ khác kéo xuống. Và cứ như vậy người ta thay hết con này đến con khác. Cuối cùng thì cả 5 con vốn bị đánh lúc đầu đều đã bị thay ra, 5 con còn lại không hề biết được tại sao nó không được leo lên thang để lấy chuối.

Các chính trị gia của chúng ta đôi khi cũng như vậy. Khi một người có tư tưởng táo bạo gia nhập, người này cũng sẽ bị kéo về cho ngang level với những người trước giờ ở đó. Và... game over...

Vậy, có lý do gì để các chính phủ không nên lo sợ blockchain không? Chúng tôi vẫn chưa đưa ra ý kiến nào. Đành để ngỏ vấn đề ở đây, hi vọng có người khác tìm ra và cho ý kiến.

Liệu các chính phủ sẽ cần phải luật hoá như thế nào thì hiệu quả cho việc quản lý đối với blockchain?


Với tình trạng phát triển blockchain hiện tại, các chính phủ gần như không có cách nào hiệu quả để quản lý nó, nếu không dùng đến chế tài cuối cùng là cắt điện/internet/phạt tiền hoặc nặng hơn là bỏ tù và tử hình những người sử dụng, tức coi blockchain như một thứ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Mà dùng đến các chế tài đó thì việc này thật sự sẽ khiến người ta nghi ngờ về động cơ của chính phủ.

Nếu muốn kiểm soát vì lợi ích của quốc dân, chính phủ có thể tìm cách để loại đi đặc tính ẩn danh trên blockchain, sau đó có thể kiểm soát được số lượng giao dịch tối đa của người dân. Phương pháp này mới nói nghe thì có vẻ không hợp lý, vì blockchain vốn được làm ra để bảo vệ tính ẩn danh của người tham gia mà. Tuy nhiên, có một phương pháp như sau:

  • Tạo ra một hệ thống để quản lý định danh và địa chỉ wallet. Tức một người phải đăng ký một địa chỉ với chính phủ, và chính phủ sẽ quan sát địa chỉ này, đảm bảo không có phát sinh một giao dịch đến một địa chỉ khác ngoài những địa chỉ đã được đăng ký. Nói nôm na là chỉ được chuyển tiền qua lại giữa các valid wallet với nhau mà thôi.
  • Việc chuyển tiền cho địa chỉ "ngoài mạng lưới" được xem giống như việc chuyển tiền lậu ra nước ngoài, và khi đó cảnh sát sẽ vào cuộc.
  • Tất nhiên, ngoài chính phủ ra thì không ai biết địa chỉ nào thật sự là của ai, nhưng chính phủ sẽ cung cấp một cơ chế để xác nhận một địa chỉ có valid hay không (valid ở đây là có đăng ký với chính phủ).

Nhìn kỹ lại thì đây chưa hẳn là một giải pháp hoàn hảo. Bởi việc xây dựng một hệ thống như vậy sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên lại không chắc chắn rằng sẽ thành công trong việc quản lý dòng tiền trong dân chúng. Bất kể có dùng chế tài gì đi nữa, thì người ta vẫn sẽ có cách để vượt qua, và đôi khi người dân sẽ vô tư như thế này: 

Giả sử 1 địa chỉ "trong mạng lưới" nhận được một số tiền từ một địa chỉ khác "ngoài mạng lưới", tất cả những gì người ta cần là nói rằng "ai đó chuyển nhầm cho tôi". Và rồi người đó sẽ phải đóng thuế trên số tiền "trên trời rơi xuống" đó. Cũng OK thôi. Nhưng rồi ngày nào anh ta cũng có người "chuyển nhầm" như thế... Đây là một hình thức rửa tiền không có gì tuyệt vời hơn. Và không ai có bằng chứng để cáo buộc anh ta.

Một vấn đề khác khi hợp pháp hoá các blockchain hiện có, đó là: Nếu một người đã sở hữu bitcoin (hoặc bất cứ đồng cryptocurrency nào), trước khi nó được hợp pháp hoá thì thế nào? Nếu chấp nhận luôn, thì sẽ có rất nhiều người mua các key cũ có số bitcoin lớn, để sau đó báo với chính phủ rằng "tôi đã sở hữu trước, vì thế tiền của tôi là hợp pháp". Việc làm này là nhất thời, sau một thời gian sẽ không áp dụng được nữa, nhưng nó giáng một đòn rất mạnh vào nỗ lực hợp pháp hoá bitcoin, khi nó sẽ kéo tình hình kinh tế đi xuống ít nhất là vài năm.

Có thể nhận thấy, chỉ có một lối thoát là "xào bài chia lại", tức chính phủ phát hành cryptocurrency bên cạnh tiền tệ hiện tại. Ví dụ, chính phủ VN có thể phát hành eVND (chỉ là giả sử thôi nhé) với đặc tính như sau:

  • Là blockchain
  • Chỉ do một địa chỉ duy nhất phát hành, và ai cũng biết địa chỉ đó là của chính phủ. Việc này sẽ khiến chính phủ phải minh bạch về lượng tiền mới phát hành. Và nếu việc phát hành tiền mới là hợp lý, người dân sẽ tin vào đồng tiền của chính phủ hơn so với hiện nay.
  • Giống như đoạn trên có nói, chính phủ sẽ quản lý định danh của mỗi địa chỉ.
  • Chính phủ sẽ chấp nhận cơ chế đổi tiền 1-1, giữa tiền thông thường và cryptocurrency. Như vậy sẽ không gây xáo trộn quá lớn trong xã hội. Việc này cũng tương tự như các thẻ ngân hàng, khi bạn "nạp" một lượng tiền vào ngân hàng thì tương ứng sẽ có chừng đó tiền trong thẻ của bạn để giao dịch, khi bạn muốn tiền giấy, bạn có thể rút ra.

Điểm lợi của eVND chính là việc giảm thiểu sự gian lận của các ngân hàng trong chuyện khai báo sổ cái (ledger) cho chính phủ. Hiện tại, sổ cái của ngân hàng có chút khác biệt với sổ cái mà ngân hàng trình cho chính phủ kiểm soát, việc này mang lại cái lợi về thuế cho ngân hàng nhưng lại khiến chính phủ không thật sự kiểm soát được ngân hàng nữa. Nhưng với blockchain, mọi giao dịch đều được công khai, và sổ cái của ngân hàng lại là thứ không thật sự cần thiết nữa.

Điểm lợi thứ 2 là việc người dân thật sự biết được chính phủ phát hành bao nhiêu tiền mới mỗi năm, và phát hành cho ai, để làm gì. Trong một chính quyền minh bạch mức độ cao như thế, niềm tin của người dân sẽ tăng lên, và như vậy giá trị đồng tiền sẽ được giữ vững, bằng việc người dân ghim giữ đồng tiền của mình hơn là bán nó đi để mua vàng và ngoại tệ giống như hiện tại.

Tuy nhiên, việc chống gian lận chỉ chống được ở cấp độ vĩ mô, tức đảm bảo chính phủ không gian lận khi âm thầm phát hành lượng tiền nhiều hơn so với con số thông báo, ở cấp độ vi mô, việc này không giúp ích được quá nhiều. Ví dụ như có thể nảy sinh tiêu cực khi xác nhận danh tính của một địa chỉ wallet mới. Viên chức làm việc này "vì lý do gì đó" mà xác thực sai hoặc đánh dấu vào người đã chết, và nhờ đó mà có nhiều địa chỉ wallet trở thành "vùng đen". Việc này có thể xảy ra, nhưng rất dễ kiểm soát, bởi nếu phát hiện ra địa chỉ wallet "gian dối" trong giao dịch, thì có thể truy ra người sở hữu wallet là ai, và viên chức nào là người đã xác thực để truy cứu trách nhiệm.

Điểm yếu cốt lõi nhất đó chính là chính phủ có thật sự muốn minh bạch hay không?

Ở các nước đang phát triển, khi phát hành thêm tiền chính phủ có xu hướng phát hành nhiều hơn cần thiết, nhưng với mục đích có thể xem là tốt đẹp như sau:

  1. In lượng tiền nhiều hơn cần thiết, và đưa cho các ngân hàng đầu tư.
  2. Trong trường hợp lý tưởng, ngân hàng đầu tư có lời 1%, sau đó trả lại tiền đã mượn của chính phủ. Nhưng việc này sẽ tạo đà để đất nước phát triển.
  3. Sau đó chính phủ sẽ tiêu huỷ số tiền dư đã in, vẫn đảm bảo số lượng tiền lưu thông đúng.

Trong kịch bản lý tưởng, số tiền lời 1% sẽ nhiều hơn khi có số vốn lớn hơn (do tiền in dư). Và do đó, doanh nghiệp nhận số đầu tư lớn hơn để đẩy vốn lưu thông nhanh và nhiều hơn, ngân hàng có tiền lãi đầu tư lớn hơn, và chính phủ vẫn đảm bảo số tiền lưu thông là đúng mức an toàn nếu xét chung cuộc.

Tuy nhiên, nếu kịch bản lý tưởng không xảy ra thì tiêu tùng nền kinh tế. Tức là 1 trong 4 điều này xảy ra:
  • Đồng tiền bị lạm phát phi mã,
  • Doanh nghiệp không có lãi,
  • Ngân hàng nhận tiền từ nhà nước nhưng không đầu tư hoặc đầu tư sai,
  • Và chính phủ nhận lại tiền dư nhưng không muốn huỷ tiền.

Quay lại vấn đề, nếu việc phát hành tiền được minh bạch 100% với blockchain, chính phủ không thể chơi trò này nữa, và như thế là tự tước đi cơ hội tạo đà phát triển thần tốc, chỉ có thể phát triển nhẹ nhàng, và nhìn các nước lớn phát triển càng lúc càng nhanh (do các nước lớn có khối tư bản khổng lồ để đầu tư và kích thích tăng trưởng). Bởi bất cứ khi nào phát hiện chính phủ phát hành nhiều tiền, người dân ngay lập tức nhả tiền ra và mua vàng hoặc ngoại tệ, khi đó đồng tiền sẽ mất giá càng lúc càng nhanh chóng, và sau đó để tiếp tục tạo đà phát triển thì chính phủ lại càng phải phát hành thêm tiền,...

Thông tin ngoài lề, Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu để tạo ra đồng tiền cryptocurrency của mình. Và đấy là 2 nền kinh tế "không phải dạng vừa". Đồng thời, TQ cũng đã cấm bitcoin và tất cả các blockchain khác hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Liệu blockchain có thể được dùng như một công cụ luật pháp?


Giải thích kỹ hơn về câu hỏi thảo luận này, đó là liệu người ta có thể tạo một blockchain mới và có sẵn các smart contract trên đó để thực thi luật pháp hay không? Nếu có thì cần phải giải quyết những vấn đề trong xã hội như thế nào?

Thứ nhất là luật bầu cử, có 2 loại bầu: bầu một người nào đó đại diện làm một việc gì đó, và bầu thông qua một chính sách nào đó. Ví dụ bầu các nghị sĩ, và nghị sĩ sẽ bầu để thông qua các đề xuất của chính phủ.

Vấn đề này quá dễ thực hiện với blockchain, nếu không nói là rất nhiều blockchain đã làm tốt chuyện này. Về cơ bản thì gồm 2 việc: đảm bảo là đúng cử tri, và đến đúng thời điểm thì mọi cử tri đều bầu được. Kết quả những cuộc bầu cử thế này sẽ hoàn toàn minh bạch.

Thứ 2 là các luật về hành chính và dân sự, mà cụ thể ở đây là các luật có hình phạt liên quan đến tiền hoặc là nhắc nhở cảnh cáo, nói chính xác hơn là không liên quan đến án tù giam. Nếu liên quan đến tiền thì nên là cryptocurrency thì sẽ tốt hơn và mang tính cơ động hơn (vui lòng xem lại phần nói về eVND).

Lấy một ví dụ về luật xử phạt hành chính vi phạm giao thông, khi phát hiện vi phạm thì một hàm trong smart contract được thực thi để trừ tiền người vi phạm ngay lập tức. Phát hiện vi phạm có thể do một anh cảnh sát hoặc một hệ thống sensor tự động. Tất nhiên, người vi phạm có thể kháng cáo, và nếu anh ta đúng thì anh ta sẽ được refund. Khá đơn giản và tự động.

Việc kháng cáo, dĩ nhiên là phải thông qua một bồi thẩm đoàn ở Toà án, để đảm bảo công bằng. Như vậy sẽ cần một hệ thống bầu chọn riêng, dành cho bồi thẩm đoàn, để sau khi họ quyết định rồi, họ chỉ cần submit quyết định đó lên blockchain là cái smart contract về xử phạt hành chính kia được thực thi và refund lại. Nói cách khác, ở đây blockchain đóng vai trò là công cụ để bồi thẩm đoàn thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn, không hẳn là thứ thay thế được bồi thẩm đoàn.

Thứ 3 là các luật hình sự và quân sự, vốn rất khắt khe và hình phạt nặng nề, từ án treo, cải tạo, tù giam đến tử hình. Rất tiếc là không có cách nào hiệu quả hơn, và chúng ta tiếp tục dùng blockchain như một công cụ lưu dữ liệu mà thôi. Tức là việc phán xử sẽ phải thông qua bồi thẩm đoàn (giống với vụ refund ở trên), và quyết định là của bồi thẩm đoàn, khi thực thi thì sẽ được cơ quan thi hành án thực thi luôn, blockchain chỉ dùng để đánh dấu rằng người này đã bị giam, hoặc thực hiện các việc như thu tiền cryptocurrency.

Tuy nhiên, việc đưa blockchain vào luật pháp có mặt trái của nó. Đó chính là các ngoại lệ (exception). Lấy một ví dụ: Nửa đêm, đường trống, không có xe nào hết, mà gặp đèn đỏ, nếu vượt đèn đỏ luôn thì đúng là vi phạm luật và phải xử để công bằng (đúng lý), nhưng cái sai này có thể châm chước được (phải hợp tình). Hệ thống máy tính thì rất khó "thông cảm" được.

Một lo ngại khác, đó chính là việc vẫn còn có quan ngại một số hacker có thể tìm ra cách thức để can thiệp vào cách vận hành của blockchain, khiến việc thực thi bị rối loạn hoặc sai sót. Đó vẫn chỉ là "lo ngại", vì về nguyên tắc thì không thể xảy ra điều đó. Tuy nhiên, chỉ cần có người lo ngại thôi là đã đủ, vì bản chất người dân phải tin rằng "luật pháp bảo vệ lẽ công bằng", nếu họ không tin tuyệt đối vào điều đó thì ắt sẽ có biến, và vì vậy rất khó ổn định về mặt chính trị. 

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *