Thursday, October 14, 2021

Bàn về kinh tế VN hậu Covid 2021

Tôi vừa đọc bài đánh giá về VN trên FT.com. Có mấy dòng suy nghĩ.

Tóm tắt: rất nhiều công ty nước ngoài từ Ikea và Walmart đến Nike hay Adidas đều gặp vấn đề khi khôi phục sản xuất vì nhân công thiếu hụt nặng, nhất là ở cụm kinh tế TPHCM. Nhiều công ty bắt đầu rút chi nhánh của mình khỏi VN.

Ngắn hạn, có thể chỉ là thiếu hụt việc làm, còn dài hạn thì VN có thể bị rơi ra ngoài khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn được VN vun đắp hơn 25 năm qua.

Đoạn sau là quan điểm cá nhân:

Năm 2020, khi đại dịch bắt đầu, VN chống dịch thành công với hành động phong tỏa mạnh, trong khi những nước như Úc để số ca nhiễm leo thang mà vẫn để nền kinh tế hoạt động.

Năm 2021, VN tiếp tục hành động phong tỏa cực mạnh với chủng Delta bằng các biện pháp đóng cửa sản xuất và chậm cứu trợ người lao động nghèo. Và giờ là lúc VN quyết định mở cửa kinh tế để "sống chung với Covid" thì tác động sâu rộng của hành động ngăn sông cấm chợ trước đó vẫn còn tác động quá mạnh. Nếu VN không chọn đúng con đường tiếp theo, rất có thể tác động sẽ còn lớn hơn nữa.

Tôi nghĩ VN nên nhân cơ hội người lao động đã về quê mà tạo ra các chính sách khuyến khích kinh doanh ở các tỉnh, đừng dồn hết vào các thành phố lớn nữa. Thế giới đã thay đổi, giờ là lúc ứng dụng công nghệ vào ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin, và cũng là lúc giết giới BĐS. Chỉ khi nào dòng tiền tháo chạy khỏi BĐS và đổ ngược vào khoa học kỹ thuật đồng thời là giáo dục thì mới giúp VN thay đổi bộ mặt.

Vấn đề nông nghiệp tại VN có lẽ là cho nhen nhúm, kiểu "người cày có ruộng" khiến đất nông nghiệp bị chia nhỏ, cần phải tập trung vào một vài doanh nghiệp công nghệ để tạo ra nông sản chất lượng và đồng đều hơn.

Còn vấn đề công nghệ thông tin thì đơn giản hơn nữa: ưu đãi về thuế, giảm số lượng giấy tờ và giấy phép, đồng thời bỏ luật an ninh mạng đi. Cái luật ANM này khiến nhiều startup bỏ VN mà ra nước ngoài đăng ký head office lắm rồi.

Nói vậy thôi, chứ tiếng nói của mình nhỏ, thường nói những điều này đều rơi vào hư không. 😅

Friday, October 8, 2021

Tất cả những ai đã tiêm vaccine ở VN đều có thể bị lộ thông tin cá nhân

 Tổng cộng khoảng 25 triệu người bị lộ thông tin, do hệ thống Sổ sức khỏe điện tử có lỗ hổng bảo mật. Lỗ hổng nãy tồn tại từ khá lâu, nên không chắc có bị hacker nào khai thác chưa. Thực ra thì chẳng ai có thể kiểm tra được chuyện này cả, cho nên tôi viết lại cảnh báo này mang tính "cảnh báo sớm" (precaution) mà thôi.

Cảnh báo này gồm 2 phần:

1. Kẻ xấu có thể lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản. Hãy cẩn thận khi có số điện thoại lạ gọi điện, nói rằng họ là người thân của bạn hoặc ngân hàng để chiếm đoạt tài sản, dù cho họ có nói đúng thông tin cá nhân của bạn. Muốn giao dịch, hãy gặp mặt trực tiếp, hoặc video call.

2. Kẻ xấu có thể sử dụng thông tin cá nhân của bạn đăng ký tài khoản hoặc làm chuyện phi pháp khiến bạn bị oan. Phần này không có giải pháp triệt để, chỉ có thể giảm thiểu bằng việc ghi lại những thứ mình đã đăng ký, và tìm luật sư giỏi nếu có người kiện hoặc bắt bạn vì hoạt động phi pháp mà bạn không biết.

Lưu ý: tất cả những ai tiêm vaccine ở VN đều bị lộ thông tin, bao gồm những người không sử dụng internet. Thông tin có thể gồm: tên, ngày sinh, nơi sinh, số điện thoại, số CMND, số BHYT, số BHXH, địa chỉ thường trú và tạm trú, địa chỉ nơi làm việc và tên công ty, thông tin sổ hộ khẩu như cha mẹ và anh chị em, và nhiều thông tin khác. Hầu hết thông tin này đều không thay đổi cả đời, nên rủi ro đã lộ thì sẽ bị lộ cả đời, nên mọi người hãy cẩn thận thì vẫn hơn.

Cuối cùng, lỗ hổng đã được sửa. Điều đó có nghĩa là những ai tiêm vaccine mũi thứ nhất từ nay về sau sẽ không bị lộ do lỗ hổng này nữa. (Còn có lỗ hổng khác nữa không thì còn quá sớm để tiên đoán). Nhưng cũng có thể bạn may mắn là thông tin của bạn chưa được nhập vào hệ thống mặc dù bạn đã tiêm mũi 1 từ lâu, khi đó thông tin của bạn chưa bị lộ.

Monday, August 9, 2021

"Làm việc với ... kiểu gì cũng lên chức đã là truyền thống"

Bài này nói về một sự kiện một công ty an ninh mạng hàng đầu của một nước bị hack. Câu trên là của vị Tổng giám đốc công ty đó, khi chat với ban lãnh đạo khi đề cập đến những người được thăng chức trong chính quyền nào đó.

Bài này chỉ tổng hợp thông tin, không dùng để đoán bất cứ điều gì.

Câu chuyện xoay quanh việc mã nguồn phần mềm an ninh của công ty kia bị đem đi rao bán ở đây. Tóm gọn lại như sau:

  1. Một hacker nào đó đăng bán mã nguồn và một số dữ liệu của công ty kia bao gồm cả dữ liệu của cơ quan tình báo của chính quyền nước kia.
  2. Công ty đó khẳng định mã nguồn do nhân viên đã nghỉ việc đánh cắp, nên dữ liệu đã cũ và không ảnh hưởng đến khách hàng hiện tại.
  3. Hacker kia cung cấp thêm lịch sử chat gần đây của ban tổng giám đốc để chứng minh mình đã hack thành công vào tài khoản super admin. Link bổ sung.

Có thể nhận thấy động cơ của hacker kia rất đơn giản: Bán lấy tiền. Cung cấp thêm thông tin chat cũng để khẳng định họ có quyền kiểm soát vào thời điểm đang diễn ra (không phải dữ liệu cũ), tức là gián tiếp khẳng định mã nguồn mà họ có là rất giá trị, tất nhiên không ngoài mục đích kiếm tiền.

Hành động ngoài lề của công ty kia là đang liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý pháp luật, và vẫn chưa thấy hành động gì để bảo vệ khách hàng hiện tại của mình, ngoại trừ khẳng định suông rằng "Không có chuyện bị lộ thông tin".

Update 11/8/2021: Công ty kia tiếp tục khẳng định chuyện này là nội bộ, và để chứng minh điều đó, hacker tiếp tục tải ảnh chụp trình chat với tên người đăng nhập là "Ngô Tuấn Anh" (đúng là nhân viên công ty). Chưa rõ phía công ty sẽ xử lý nhân viên này thế nào. Ảnh chụp cũng xuất hiện Jira board và terminal command có dấu hiệu của công ty kia.

Update 11/8/2021: Trong diễn biến không biết có liên quan hay không, công ty kia tổ chức bán máy thở phi lợi nhuận. Thông tin được truyền thông đăng tải mạnh mẽ.

Update 14/8/2021: Giờ thì hacker tự nhận mình chính là chủ tịch công ty, bằng việc đăng hình chụp chứng tỏ đang login vào tài khoản của giám đốc.

Update 14/8/2021: Vị chủ tịch công ty lên tiếng trên mạng xã hội: "An ninh mạng THỰC CHIẾN mới mạnh".

Update 15/8/2021: Hacker đăng tải video tấn công SQL Injection, source code của VPN, và video xâm nhập vào mạng lưới nội bộ. Hacker cũng khẳng định BKAV đã tắt server để tránh việc hack trên live stream.

Update 22/08/2021: Hacker có nhắc lại sự kiện BKAV bị hack năm 2012, trong đó kẻ tấn công dù không gây hại cho BKAV nhưng vẫn bị ngồi tù 8 tháng, còn người thông báo cho BKAV biết thì được nhận thưởng 3,5 triệu đồng.

Update 22/08/2021: Một người nào đó thông báo có thể hacker không thật sự có được dữ liệu, bằng việc cung cấp bằng chứng email qua lại giữa người đó và hacker.

Update 25/08/2021: Trang diễn đàn nước ngoài nọ đã không còn truy cập được. Tôi sẽ cập nhật bằng link archive.

Tái bút: Tôi chỉ tổng hợp thông tin, không đưa ra dự đoán cũng không chọn bên trong tranh chấp và không được lợi vì việc này.

Tuesday, April 13, 2021

Giải thích ngắn gọn về DeFi

DeFi viết tắt của Decentralized Finance, có thể dịch thành dịch vụ tài chính phi tập trung. Dịch vụ tài chính thường được đa số hiểu là những gì liên quan đến mua bán cổ phiếu, trao đổi tín dụng, vay mượn. Còn phi tập trung ngày nay được hiểu là liên quan đến tiền mã hóa (cryptocurrency). Hình thức phi tập trung (decentralized) là một cuộc cách mạng, không nó không cần một bên uy tín đứng ra bảo lãnh giao dịch, thông thường đó là sàn giao dịch, do vậy nó mang lại sự tự chủ cho các bên liên quan đến hoạt động tài chính mà thôi.

Bài này không đi sâu vào giải thích cái lợi và hại của Decentralized và Centralized, mà chỉ tập trung vào các hình thức tài chính được xây dựng trên hệ phi tập trung, cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến giá crypto tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Trading

Nói sơ về cái này trước khi bắt đầu. Trading là hoạt động mua bán một cái gì đó, trong crypto trading, cái này thường là các token hay cryptocurrency như Bitcoin, Ethereum,... Hoạt động trading do các sàn nắm giữ, và họ cần có sổ lệnh (order book).

Một người muốn mua, họ sẽ tìm một lệnh bán của một người khác trong sổ lệnh, và khớp lệnh, tức chuyển tiền và token từ người này sang người kia. Giao dịch diễn ra như vậy sẽ có phí giao dịch, và sàn sẽ thu phí giao dịch đó để hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động trading này phần lớn là dạng centralized, thuộc quyền quản lý của các sàn như Binance, Coinbase, KuCoin,... Khi đó người dùng phụ thuộc vào sàn, nếu sàn bị hack hoặc sàn ôm tiền bỏ trốn thì người dùng sẽ mất tiền luôn.

Swap

Cái này là thứ đầu tiên trong chuỗi liên quan đến DeFi. Swap, nghĩa là đổi chác, cũng gần giống như việc mua bán, nhưng lại dựa vào hệ thống phi tập trung. Nổi tiếng nhất có lẽ là UniSwap.

Người ta có thể đổi bất cứ token nào để lấy một token khác, chỉ cần có người chấp nhận. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết phải dùng USD để mua ETH hay BTC, mà có thể dùng BTC để đổi lấy ETH.

Mặc khác, ví dụ một người đang giữ USDT (một loại token có giá trị tương đương với USD) dùng nó để đổi lấy ETH. Có thể nói người đó đã mua ETH bằng USDT, và giao dịch swap này cũng giống y hệt như trade, khác biệt duy nhất có lẽ là không có sự xuất hiện của người bán và sổ lệnh. Chính vì không cần sự xuất hiện của người bán mà hoạt động này diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lấy đâu ra số ETH để người ta đổi?

Liquidity pool

Để giải quyết bài toán lấy đâu ra ETH ở trên, người ta mới lập ra các kho lưu giữ gọi là liquidity pool.

Hiểu đơn giản, có những người tin vào giá trị của ETH về dài hạn cũng như sự ổn định của USDT, họ sẽ tạo ra một liquidity pool giữa 2 token này, cho phép bất cứ ai đổi qua lại giữa chúng. Họ làm vậy là để ăn phí giao dịch swap. Do đó, giúp họ gia tăng số USDT và ETH trong tương lai.

Cần lưu ý là các liquidity pool thường được giữ ở mức cân bằng. Tức là giả sử giá ETH là 1000 USDT, thì trong pool số lượng USDT sẽ gấp 1000 lần ETH (giả sử 1000 ETH và 1 triệu USD), giúp pool ở thế cân bằng, tạo điều kiện cho mọi người swap khi muốn.

Nếu bị mất cân bằng, ví dụ 1 triệu USDT nhưng có tới 1100 ETH, nghĩa là tỷ lệ swap là 1.1 ETH ăn 1000 USDT. Khi đó sẽ có một ai đó bỏ vào 50 nghìn USDT để đổi lấy 55 ETH, người đó đem ra ngoài đổi lấy 55 nghìn USDT theo giá thị trường, tức là đã làm lời 5000 USDT. Ngược lại, số còn lại trong pool sẽ là 1.050.000 USDT và 1045 ETH, một tỷ lệ khá là tương đương với giá thị trường. (Nếu có người cho rằng nó không tương đương thì họ sẽ swap tiếp để khiến nó tương đương).

Đó là lý do khiến liquidity pool thường là dạng cân bằng động. Cân bằng này có thể rất dễ phá hủy, nhưng nếu có sự mất cân bằng lớn, quá trình điều chỉnh sẽ diễn ra.

Liquidity provider

Dành riêng một phần để nói về những người muốn cung cấp liquidity, tức là những người đưa token vào pool cho người khác swap.

Tại sao họ lại cung cấp liquidity? Như đã nói ở trên, họ làm vậy để thu lợi từ phí giao dịch. Khác với các sàn giao dịch tập trung truyền thống, chính sàn là nơi thu lợi nhiều nhất từ giao dịch mua bán của người trade, volume giao dịch mỗi ngày của các sàn rất lớn lên đến hàng trăm tỷ USD và chỉ cần sàn lấy phí 0.1% cũng đã thu về hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Trong hệ thống phi tập trung, phần lớn phí giao dịch rơi vào tay những người cung cấp liquidity.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của họ chính là impermanent loss. Nói đơn giản, khi giá ETH xuống so với USDT, các nhà cung cấp liquidity sẽ nhận nhiều ETH hơn là USDT, và vì giá ETH thấp nên giá trị ước tính của họ dựa trên USDT sẽ bị giảm, mà giảm còn nhanh hơn số lượng phí giao dịch thu được. Trong chiều ngược lại, nếu giá ETH tăng, các liquidity provider sẽ nhận nhiều USDT và ít ETH hơn, do đó giá trị ước lượng "nếu họ không tham gia cung cấp liquidity" sẽ cao hơn giá trị hiện tại của họ. Nói nôm na, giá lên thì giàu chậm, giá xuống thì cũng nghèo từ từ. Nhưng, nếu giá cứ dao động lên xuống liên tục, tiền phí giao dịch sẽ tăng đáng kể trong khi giá trị của ETH gần như không đổi so với USDT, kịch bản này khiến họ giàu nhanh hơn giới trader (hoặc là swapper).

Yield farming

Tới phần thú vị rồi đây! Hiện nay, có rất nhiều bên làm liquidity pool, và lợi nhuận từng bên có thể khác nhau, tùy từng thời điểm. Có lúc bên này lợi nhuận đến 300% trong khi bên khác có 10% trong cùng một cặp liquidity. Và thế là câu chuyện về các bên buôn lậu bắt đầu ("buôn lậu" là từ mình nói, chứ ngoài kia người ta gọi mĩ miều là "yield farming" tức là "cày lợi tức"). Nổi tiếng nhất chắc là Yearn.finance.

Việc "cày lợi tức" này khá đơn giản: Khi một liquidity pool nào đó có lợi tức quá cao so với một pool khác, những "nông dân" (farmer) sẽ rút bớt liquidity từ bên ít lợi chuyển sang bên lợi nhiều hơn, và ngay lập tức ăn khoảng chênh lệch lãi suất.

Muốn làm được điều đó, các farmer phải có sẵn liquidity ở cả 2 bên. Nếu một người tự làm thì cũng okay, nhưng lưu lượng sẽ không nhiều và không tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng nếu có một pool do các farmer liên kết lại với nhau, farmer này có liquidity bên pool này, farmer khác lại có liquidity bên pool khác, giờ họ liên kết lại trong một chương trình tự động, để khi có chênh lệch thì liquidity sẽ từ bên này chuyển qua bên kia. Lợi nhuận từ việc farming chung tất nhiên sẽ chia đều.

Việc dồn liquidity vào một pool đang có lãi cao sẽ khiến lãi của nó bị rớt dần xuống, trong khi pool còn lại do bị thiếu hụt liquidity sẽ gây ra trạng thái lãi tăng lên trở lại. Đến khi cân bằng thì chương trình farming sẽ tự cân bằng lại, và chờ kèo farming tiếp theo.

Leveraged yield farming

Giờ tiếp tục với cái vụ yield farming ở trên, rõ ràng là các farmer cần một lượng lớn liquidity ở nhiều liquidity pool khác nhau, để thời cơ đến là chộp ngay. Thêm nữa, nếu có điều kiện, họ còn mong muốn tăng lượng cung cấp lên, bởi hoạt động cung cấp pool này chỉ có lời không có lỗ, nếu bỏ qua impermanent loss. Tức là nếu tìm được một ai đó sẵn sàng ôm một loại token nào đó, bất kể giá của token đó lên xuống thế nào, thì farmer có thể giúp gia tăng số lượng token đó bằng cách đưa cho farmer và chờ lấy lãi.

Bằng cách mượn thêm nhiều token và tiền, farmer có thể tăng volume chuyển qua lại giữa các pool, tạo ra lợi nhuận lớn hơn số lượng tiền và token mà họ đang giữ. Vụ này cũng giống như margin trade trong chứng khoán, khi người chơi mượn tiền và cổ phiếu để tạo ra đòn bẩy giao dịch. Khác biệt chính là hình thức yield farming này không phải mua bán vốn rất rủi ro, mà chỉ là tìm cách cân bằng lợi nhuận giữa các nhà cung cấp liquidity vốn có rủi ro thấp hơn nhiều.

Leverage yield lending

Muốn mượn tiền hay token, chắc chắn phải có người cung cấp. Nổi tiếng nhất trên sân chơi mới này có lẽ là Alpaca.finance. Những người cung cấp sẽ bỏ tiền hoặc token vào một lending pool, khi có một ai đó mượn để farm thì farmer sau đó phải trả lại cả vốn lẫn lãi, và phần lãi sẽ được phân bổ đều cho mọi người trong lending pool.

Càng nhiều người mượn, lãi suất càng tăng, và khi càng nhiều người cung cấp, lãi suất càng giảm.

Sự khác biệt lớn nhất giữa yield lending và liquidity pool chính là mức độ chắc ăn. Trong khi người cung cấp liquidity pool có thể gặp impermanent loss, khi mà số token có thể bị giảm khi giá tăng, thì người cung cấp yield lending không gặp vấn đề đó. Nguyên nhân nằm ở chỗ nếu token đã mượn bị giảm số lượng, thì người mượn (tức farmer) sẽ bị thanh lý tài sản để trả lại token cho người cung cấp.

Thay lời kết

"Đường còn dài, gian nguy còn nhiều" (và cơ hội cũng vậy). Có một điều chắc chắn: DeFi đã là một cuộc cách mạng về tài chính. Thay vì cơ hội trở nên thịnh vượng chỉ dành cho tầng lớp có nhiều tiền, thì giờ cơ hội lại được trao cho tất cả mọi người. Tất nhiên, người giàu sẽ càng giàu thêm, nhưng người có vốn ít vẫn có cơ hội.

Tất cả những gì chúng ta cần làm đó là tham gia vào mạng lưới này. Ai bảo tham gia lĩnh vực tiền mã hóa là rủi ro cao nữa cơ chứ? Chỉ cần không đặt chân vào lĩnh vực rủi ro như trading hay swapping hay leveraged thì vẫn còn có quá nhiều con đường để nhận lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng

----------

Từ chối trách nhiệm: Tham gia hay không là quyền của mỗi người, và ai tham gia phải tự chịu trách nhiệm. Tác giả có tham gia tiền mã hóa, bao gồm ôm coin lâu dài (HODL), trading, margin & future trading, swapping, cung cấp liquidity pool, cung cấp leveraged yield lending. Bài viết hoàn toàn là hiểu biết cá nhân trong quá trình sử dụng, và rất có thể không áp dụng cho mọi trường hợp.

Tái bút: Thực tình thì cũng không khuyên mọi người tham gia mấy vụ chắc ăn như liquidity pool hay leveraged yield lending, bởi vì càng nhiều người cung cấp thì lợi nhuận càng giảm. Hehehe.



Wednesday, April 7, 2021

Về câu chuyện huy động vốn cá nhân của CTCK

Tôi viết bài này ngay sau khi đọc và bức xúc bài viết "Công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn" của báo Thanh Niên. Tôi không nói bài viết đó sai, tôi chỉ muốn nói đến cái quy định ngặt nghèo của VN làm ngăn cản sự phát triển thị trường tài chính mở thế nào.

Vài nét chính về margin

Margin là điểm nhấn chính của câu chuyện này. Vậy margin nghĩa là gì? Tôi lấy một ví dụ đơn giản:

Tôi có 10 USD và muốn mua cổ phiếu ABC vì tin chắc rằng nó sẽ lên trong thời gian ngắn. Nhưng thay vì dùng 10 USD để mua cổ phiếu ABC, tôi vay thêm 90 USD từ người khác và do vậy tôi có thể mua cổ phiếu ABC bằng số tiền 100 USD.

Giả sử sau đó cổ phiếu ABC lên 10%, khi đó tôi bán ra và thu về 110 USD, tôi trả 90 USD cho người đã vay cộng thêm 1 USD tiền hoa hồng cho họ, để rồi tôi lấy về túi riêng 19 USD. Nghĩa là bằng việc margin, tôi đã biến 10 USD thành 19 USD, lợi tức thu về cao hơn nhiều so với việc mua có 10 USD và nhận về 11 USD.

Giả sử cổ phiếu ABC bị sụt giảm 9%, sàn giao dịch sẽ thanh lý tài sản của tôi, bán cổ phiếu ABC ngay lập tức và lấy lại 91 USD rồi trả lại cho người đã cho vay. Tôi mất trọn 10 USD, trong khi người cho vay cũng vẫn nhận được 1 USD mà không mất đi vốn gốc.

Chính vì hoạt động margin cần sự can thiệp khi thị trường đi theo hướng không có lợi, nên nó thường được các công ty chứng khoán thực hiện, mà không phải từ phía ngân hàng. Khi đó, công ty chứng khoán đóng vai trò trung gian giữa người cho vay và người vay, cũng đồng thời là bên mua hộ cổ phiếu cho người vay. Khi người vay muốn bán cổ phiếu đã vay mua (hoặc người mua bị ép phải thanh lý), CTCK sẽ bán hộ thu tiền, sau đó trả cho người cho vay trước khi đưa phần còn lại về cho người vay.

Các quy định xung quanh vấn đề này?

Thứ nhất, cần hiểu tại sao cần các quy định. Hoạt động vay và cho vay liên quan đến margin này là hoạt động rủi ro. Cái rủi ro lớn nhất là CTCK làm ăn gian dối, khiến người tham gia mất tiền. Vậy ai có thể giám sát các CTCK?

Okay, có rất nhiều bên giám sát, nhưng vẫn là câu hỏi cũ: Liệu các công ty giám sát có thông đồng với CTCK không? Đối với ngân hàng thì ngân hàng nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ, và họ dựa vào báo cáo của các ngân hàng nộp về mỗi quý. Với CTCK, hoạt động cho vay này diễn ra rất nhanh và rất nhiều, khiến việc giám sát không hề dễ dàng. Không quản được thì hạn chế. Chính quyền mau chóng ra quy định hạn chế việc cho vay.

Thông thường các hạn chế nằm ở chỗ chỉ cho những người có tài sản lớn mới được cho vay (tức là ủng hộ người giàu càng giàu mà không làm gì) hoặc là các quỹ đầu tư lớn. Như vậy hạn chế số lượng người tham gia, và giúp số lượng giao dịch giảm xuống đến mức có thể kiểm soát được.

Như vậy, từ vấn đề "không thể giám sát hiệu quả" người ta đã đánh sang vấn đề "chỉ cho người giàu được cho vay".

Vậy vấn đề ở đây là gì?

Bởi vì chỉ những bên có vốn lớn mới được cho vay, nên người ta cho phép các quỹ này được định ra lãi suất mà họ chấp nhận được. Người vay có thể tùy thời điểm mà chọn bên cho vay để tối ưu lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc này kéo theo cuộc cạnh tranh lose-lose, khi các bên cho vay liên tiếp hạ lãi suất để được bên vay chấp nhận. Cuộc cạnh tranh này chỉ làm lãi suất giảm xuống không phanh.

Trong kịch bản ngược lại, khi người vay muốn vay thêm để giúp họ không bị thanh lý, các bên cho vay có thể làm giá để ép người vay phải chấp nhận lãi cao.

Tất nhiên, ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường của thị trường, của quy luật cung-cầu. Nhưng có một cách giảm thiểu vấn đề trên, đó là cung cấp margin pool.

Margin pool là sao?

Các bên muốn cho vay, thay vì họ tự đưa ra mức cho vay độc lập, thì họ được gom nhóm lại thành một cái pool lớn hơn, với số tiền sẵn sàng cho vay nhiều hơn. Mức lãi cho vay cũng cố định ngay từ lúc đầu tạo pool để ai cũng biết. Đây là bước đầu tiên của sự minh bạch.

Thứ hai, khi một người vay tiền từ pool rồi trả lại. Số tiền được trích ra ban đầu là từ pool, và chi trả lãi cũng là cho cả pool. Nghĩa là mỗi bên tham gia pool đều có lợi ích ngang nhau, nhiều hay ít gì thì tỷ lệ phần trăm tăng lên mỗi năm đều giống nhau hết. Và con số này hoàn toàn có thể tính ra được một cách dễ dàng. Như vậy là thêm một bước minh bạch nữa.

Điểm thú vị của pool là giúp cho những cá nhân với số vốn nhỏ lẻ liên kết lại tạo ra một pool khổng lồ, để từ đó đi cho vay như là các bên lớn khác. Tức là tạo cơ hội cho các cá nhân thu lợi bằng đúng cách của bọn nhà giàu hay làm.

Trong khi đó, nó giúp giải quyết vấn đề "khó giám sát" bằng cách đơn giản hóa quá trình giám sát. Theo đó, chỉ cần giám sát bên phía người vay tiền từ pool là hoàn toàn minh bạch, bởi vì cái đầu cho vay đã rõ ràng ngay từ đầu rồi.

Và cũng giống như chuyện margin, cái margin pool này cũng thường được quản lý bởi các CTCK bởi tính linh động của họ, và cũng vì họ kiểm soát cả bên vay tiền để có thể thanh lý tài sản khi cần thiết.

Hình thức hoạt động như thế nào?

Đây mới là điểm tranh cãi: Để người dùng cá nhân dễ hiểu, thông thường các CTCK nói về nó như là hình thức gửi tiền và nhận lãi cố định.

Bài báo tôi trích dẫn nói rất đúng, rằng margin thì không thể kéo dài hơn 15 đến 30 ngày, còn cho vay dài hạn như kiểu của ngân hàng thì không thể lãi cao như vậy. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với margin pool.

Với margin pool, trong vòng 3 tháng hoặc hơn thì có thể có rất nhiều lệnh margin được mở và đóng, mỗi lệnh margin cũng chỉ kéo dài vài ngày, nhưng với số lượng lệnh vượt trội có thể giúp duy trì mức lãi suất trong thời gian dài. Đây chính là mấu chốt của sự khác biệt của nó với 2 hình thức còn lại.

Vướng vào vấn đề pháp lý?

Hình thức này như là một cuộc cách mạng. Nhưng cũng chính vì nó quá mới, nên các quy định về nó không theo kịp, bởi nó yêu cầu một phương pháp mới trong việc giám sát từ phía chính quyền, nó cũng cần một hình thức bảo vệ mới cho người tham gia.

Vấn đề là liệu phía chính quyền có thay đổi quy định về giám sát để thích ứng tình hình mà vẫn để cho hình thái mới này hoạt động, hay là chính quyền sẽ ôm khư khư quy định hiện hành mà loại bỏ hình thái mới. Bài viết trên báo Thanh Niên kia gợi ý hướng thứ hai: Cần loại bỏ hình thức margin pool kiểu này.

Tất nhiên, tôi không ưa quan điểm đó, bởi vì việc loại bỏ hình thức này chỉ giúp cho phe nhà giàu nghiễm nhiên giàu thêm bằng cách lũng đoạn thị trường cho vay margin. Tôi thích nhìn hình thức margin pool này thách thức phe nhà giàu trong cuộc cạnh tranh thị phần này. Cũng bởi lời kêu gọi cách đây gần 150 năm: Vô sản các nước, đoàn kết lại!

Wednesday, March 3, 2021

Bóng dáng của chính quyền trong câu chuyện GameStop

Bài viết này đầy thuyết âm mưu, ngưng đọc nếu bạn cảm thấy khó chịu về nó.

Có nhiều người hỏi tôi từ khi bắt đầu series này rằng: Cái này là bên nào đúng luật và bên nào sai? Chính quyền có can thiệp hay chưa?

Bài này phân tích kỹ hơn về điều đó. Nói trước để mọi người không phải ngạc nhiên: Chính quyền Mỹ hiện tại chưa có động thái giúp đỡ gì cho cộng đồng nhà đầu tư nhỏ lẻ (retail investor) cả.

Tại đỉnh cao nhất của tranh chấp hồi tháng 1, chính quyền đã làm gì?

Hồi tháng 1/2021, nước Mỹ ở giữa mùa đông lạnh, tuy không lạnh lắm nhưng tuyết vẫn rơi dày đến mức sàn NYSE phải tạm đóng cửa trong lúc đợi lực lượng cào tuyết đến. Tuy nhiên, cuộc chiến trên mạng giữa những nhà đầu tư đang hồi quyết liệt quanh GameStop. Như đã mô tả ở các phần trước, cuộc chiến này thậm chí còn kéo theo một đợt thoái vốn diện rộng ở các cổ phiếu khác, dồn sức cho mặt trận GameStop của cả phe ủng hộ Melvin và phe ủng hộ r/WSB.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức Janet Yellen chỉ đưa ra một lời hứa "sẽ quan sát tình hình và sẽ có hành động". Lời hứa đó có thể sẽ mãi là lời hứa, bà Yellen không hề làm gì cả. Phát ngôn viên Nhà Trắng thì bảo "Tổng thống (tức Biden) tin tưởng vào Yellen và những gì bà sẽ làm", đồng nghĩa với việc chính quyền Biden ủng hộ động thái im lặng của bà Yellen trước tình hình.

Kể cả hành vi có màu "thao túng thị trường" của các broker online (điển hình là Robinhood) là cấm mua cổ phiếu GME, ép giá rơi mạnh tạo cơ hội cho phe short chốt lời cả tỷ USD, cũng "được" chính quyền nhắm mắt bỏ qua.

Tuy nhiên, cũng khó trách bà Yellen, một phần bởi vì thiếu công cụ có thể trừng phạt Melvin và phe short, muốn có thì cũng phải trải qua một quá trình nhọc nhằn thương thảo với quốc hội và kéo dài đủ lâu để thổi bay chương trình hành động trong nhiệm kỳ của bà. Phần khác thì bà cũng "lỡ" nhận hơn 800 triệu từ Citadel (nhà đầu tư chính của phe short như Melvin) từ lúc vận động cho chức vụ Bộ trưởng Tài chính. Có một sự "tình cờ" không hề nhẹ là ngay sau khi Yellen nhận tiền "thù lao một buổi nói chuyện" thì Melvin cũng short mạnh tay hơn, kiểu thách thức "luật pháp đã đứng về phe tao thì tao còn sợ gì nữa".

Các nghị sĩ Quốc hội thì làm gì?

Ngay khi cuộc đối đầu tại mặt trận GameStop thu hút sự chú ý của dư luận, các nghị sĩ bắt đầu vào cuộc, nói những thứ ủng hộ phe cách mạng r/WSB. Và họ đã thành công, dư luận ủng hộ họ bên cạnh với sự ủng hộ dành cho r/WSB. Điều đặc biệt là sự ủng hộ của các nghị sĩ đến từ cả hai đảng, dường như là một sự việc hiếm hoi khi cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ cùng một thứ. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những câu nói ủng hộ. Không hơn.

Alexandria Ocasio-Cortez là Hạ nghị sĩ Dân chủ lên tiếng mạnh mẽ nhất, kêu gọi buổi điều trần trước Hạ viện (do đảng của bà kiểm soát). Nhưng khi Ted Cruz nghị sĩ Cộng hòa lên tiếng ủng hộ phe cách mạng, bà Ocasia-Cortez ngay lập tức sừng sộ lên, kêu gọi Cruz từ chức để thể hiện sự ủng hộ. Điều này phần nào nói rõ động cơ của các nghị sĩ khi ủng hộ phe r/WSB không đến từ lẽ phải, mà đến từ lợi ích của họ, để rồi ngay khi có dịp họ dùng danh tiếng và ảnh hưởng của cộng động r/WSB tấn công các nghị sĩ đảng đối lập để giành lợi thế cho mình. Điều này đã được chính r/WSB nhận ra từ sớm, khi ngay từ đầu đội điều hành r/WSB đã từ chối bất cứ sự liên đới đến bất cứ nghị sĩ nào, họ tránh xa đám chính trị gia để không bị thiệt hại khi các chính trị gia kia trở mặt. Nhóm điều hành đã rất tỉnh táo khi phân tích về phe short và các hành động của bọn họ, thì cũng nhóm điều hành đó tỉnh táo trước những lời tâng bốc của giới chính trị gia.

Okay, có thể các nghị sĩ chỉ đơn giản là nói lên chính kiến của mình thôi. Nhưng tôi cho rằng việc nói ra chính kiến kiểu này là nhằm mục đích lôi kéo ủng hộ của người dân mà thôi.

Khi buổi điều trần diễn ra, giới nghị sĩ đã cho thấy bộ mặt thật: Khi Robinhood đổ lỗi "thao túng thị trường" cho một bên thứ ba là clearing house, các nghị sĩ đã làm gì để đối chất bên thứ ba? Không làm gì cả. Đúng, họ không làm gì cả. Và thậm chí còn thẩm vấn vòng vo và câu thời gian để cho CEO Robinhood Vladimir Tenev có thể thoát tội. Thậm chí sau cả khi kết thúc buổi điều trần, họ cũng chẳng còn lên tiếng ủng hộ r/WSB gì cả, cũng không đòi điều tra gì thêm. Cứ như họ trông đợi là Robinhood sẽ xuất hiện, nói không có lỗi, rằng một thằng nào đó có lỗi, là họ sẽ bỏ qua... Đúng như một quy trình.

Tất nhiên, một phần nào đó thì hành động "chuyện lớn coi như nhỏ, chuyện nhỏ thì bỏ qua" của giới chính trị gia có thể hiểu được. Ai là người đã tài trợ cho các chương trình vận động phiếu bầu tốn kém của họ? Ai nếu không phải là Phố Wall, ông chủ của những Citadel và Melvin? Các nghị sĩ thật sự không có sự lựa chọn.

Và SEC

SEC được hình thành nhằm tìm kiếm giải pháp pháp lý cho hoạt động mua bán cổ phiếu. SEC cũng là cơ quan điều tra bất cứ hành động can thiệp thị trường nào. Nhưng có vẻ đó chỉ là lý thuyết.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong vụ việc GameStop là "liệu có bên nào thao túng thị trường không?" thì SEC vẫn còn đang nghiên cứu, nhất là khi nhiều người truy vấn về việc Robinhood và đồng minh thực sự thao túng thị trường để kiếm lợi. Nhưng SEC vẫn đang bận nghiên cứu nên chưa có động tĩnh gì.

Mới đây nhất, SEC có hành động. Không phải ràng buộc Robinhood, mà là đưa ra yêu cầu miễn công bố lệnh short (và naked short) để tránh bị tấn công. Như vậy, SEC đã chọn bên. Và nó chọn bên ủng hộ phe Phố Wall, giống như trước giờ. Việc cho phép phe short miễn công bố lệnh short sẽ giúp họ có thể short thẳng tay mà không ai biết, để đến khi công ty bị short phá sản thì họ chốt lời.

Chậm thực thi và điều tra phe Phố Wall, và nhanh chóng bảo vệ lợi ích phe Phố Wall để phe đó tiếp tục hành động thao túng thị trường. Những kẻ chống lại Phố Wall sẽ bị SEC đưa lên "đoạn đầu đài". Minh chứng có lẽ là hành động rút giấy phép broker của u/DeepFuckingValue, nhân vật trung tâm của phe cách mạng r/WSB, và gây áp lực cho công ty MassMutural đuổi việc cậu ta.

Thêm nữa, chính SEC cũng có một quy định "chết người", là cho phép ngưng giao dịch nếu giá dịch chuyển quá 5%. Nhìn vào thì có vẻ hợp lý vì thực tế những cổ phiếu tăng mạnh hoặc giảm mạnh đều có vấn đề, nhưng câu chuyện không đơn giản như thế. Vấn đề là xác định cái 5% này như thế nào, đó là bằng cách dựa trên lệnh mua và bán: nếu khoảng cách giữa lệnh mua cao nhất và lệnh bán thấp nhất quá 5% thì 2 lần khớp lệnh liên tiếp sẽ quá 5%. Đến đây thì sàn NYSE có vai trò mấu chốt, nó là sàn tập trung chuyên xử lý việc đặt lệnh và khớp lệnh, chỉ cần nó giữ lệnh bán và lệnh mua ở mức lệch 5% là đủ điều kiện để ngưng mọi giao dịch của GME.

Thực tế là NYSE đã làm như vậy. Ngay khi lệnh hạn chế mua được dỡ bỏ, cổ phiếu GME bay cái vèo từ $50 lên $200, NYSE lập tức nại lý do vượt quá 5% để ngừng mọi giao dịch GME đến hết ngày. Ngày hôm sau, khi GME đi lên thì ngưng, khi đi xuống thì thả cửa. Luật chơi cho SEC định ra, còn NYSE thì vừa đá bóng vừa thổi còi, quả là một trận cầu dễ chiến thắng. Và SEC cũng chưa có ý định sẽ điều chỉnh các quy định này.

Cuối cùng là đe dọa u/DeepFuckingValue

u/DFV tên thật là Keith Patrick Gill, nhân vật được phe r/WSB đề cập đến rất nhiều, vì đã biến $53 ngàn USD thành khoảng $50 triệu USD, sau khi dồn hết tài sản vào GME sau 1 năm rưỡi. Ngay thời điểm sóng gió nhất của chiến dịch, anh này đã bị công ty MassMutural đuổi việc dưới áp lực của chính quyền bang Massachusetts và vì lo ngại bị điều tra dính líu từ phía SEC lẫn FBI. Việc khởi án điều tra u/DFV diễn ra nhanh chóng mặt, ngược hẳn với động thái nhây nhưa chưa từng có khi thấy Robinhood can thiệp thị trường trực tiếp, hay khi thấy Citadel và Melvin liên tục mua quảng cáo trên tất cả các tờ báo tài chính để nói "Melvin đã đóng hết short" nhằm mục đích đẩy giá GME xuống để chốt lời.

Trong buổi điều trần ở Hạ viện, khác hẳn với hành động nhẹ nhàng và dễ dãi trước những lời giải thích của CEO Robinhood Vlad Tenev, các nghị sĩ lại cố đấm ăn xôi với u/DFV để tìm ra động cơ "buy&hold" của cậu ta là gì, mặc dù cậu ta luôn miệng nói "Tôi thích cổ phiếu này" (I like the stock).

Sau cùng, nhưng chưa phải là hết, tính đến thời điểm viết bài, u/DFV sẽ phải ra hầu tòa bởi chính quyền bang Massachusetts vào cuối tuần này. Tội trạng mà họ cố gán thì ai cũng biết "cậu ta đã thao túng thị trường". Vâng, mua và giữ cổ phiếu mà tại thời điểm đỉnh cao nhất cũng chỉ có 50 triệu USD thì bị cáo buộc "thao túng", còn đẩy giá rớt xuống với volume lên đến 2 tỷ USD như Robinhood thì hoàn toàn trong sạch.

Tất nhiên, các nghị sĩ lúc đầu lớn tiếng ra vẻ ủng hộ phe cách mạng r/WSB thì hoàn toàn im bặt về sự kiện trên. Chẳng ai bảo vệ u/DFV, cũng chẳng ai kêu gọi điều tra Robinhood nữa.

Hết?

Kịch có vẻ đã dần đến điểm tàn. Sóng gió đã yên. Mọi thứ trở lại như cũ.

Ở đó, các chính trị gia "đáng kính" cùng với hệ thống báo chí "đầy quyền năng", Phố Wall "bất tử",... tiếp tục bắt tay nhau để bắt nạt một cộng đồng nhỏ bé. Và nếu trong cái cộng đồng đó có một người nổi trội, dù không làm gì sai, người đó sẽ bị ép đến mức cùng đường mới thôi.

À, nếu u/DFV bị buộc tội chỉ một lần, cậu ta sẽ bị cấm trade vĩnh viễn, khi đó mới chính thức tiệt đường. Cơ mà cậu ta đã vượt qua trát bắt khẩn cấp của chính quyền Massachusetts một lần, vượt qua buổi điều trần một lần, hi vọng sẽ vượt qua tiếp phiên tòa sắp tới của tòa án Massachusetts. Chưa biết sau đó sẽ còn phiên tòa nào khác nữa...


Update 4/3/2021: Thêm đoạn nói về NYSE trong mục về SEC.

Sunday, February 21, 2021

Vài điểm về cuộc điều trần trước Hạ Viện Mỹ liên quan đến GameStop

Bài viết này cố gắng trung lập nhất có thể, nhằm ghi lại vài nét chính trong buổi điều trần online ngày 18 tháng 2 năm 2021.

Những người tham gia buổi điều trần:

  1. Vlad Tenet, Robinhood CEO, chính là sàn đã ngăn chặn người dùng mua cổ phiếu GME và thậm chí "bán giúp" lúc họ không để ý.
  2. Steve Huffman, Reddit CEO, điều hành trang reddit nơi chứa cộng đồng r/wallstreetbets đang làm mưa làm gió cả tháng qua.
  3. Kenneth Griffin, Citadel CEO, công ty đứng đằng sau Melvin, đầu tư cho Robinhood và có ảnh hưởng lớn trong Phố Wall vì nắm đầu khá nhiều công ty clearing houses.
  4. Gabriel Plotkin, Melvin CEO, công ty đã short mạnh tay và không thương tiếc cổ phiếu GameStop.
  5. Keith Gill, trader nổi tiếng trong cộng đồng r/WSB với nickname u/deepfuckingvalue, cũng là "Roaring Kitty" trên Youtube.
  6. Jennifer Schulp, thuộc Viện Cato, một trong các think tank chuyên vận động chính sách ở Washington, được mời để có cái nhìn khách quan.

Ngay từ đầu phiên điều trần, phía Hạ viện đã nói mục đích của phiên điều trần là xem xét hành vi ngưng giao dịch của Robinhood. Hành động này diễn ra ngày 28/01/2021, nhưng không có thông báo nào, chỉ được phát hiện bởi người dùng và khi người dùng yêu cầu giải thích thì Robinhood đã im lặng đến ngày hôm sau mới nói. Ngay sau đó, cổ phiếu GME bắt đầu lao dốc. Đến hiện tại, cổ phiếu GME chỉ còn giá $40, so với $483 ngay trước khi Robinhood quyết định can thiệp.

Phiên điều trần bắt đầu bằng sự ủng hộ của các dân biểu từ cả hai đảng dành cho cộng đồng r/WSB, và mang tâm trạng truy cứu trách nhiệm của Robinhood và các công ty liên quan.

Vlad Tenet, CEO của Robinhood

Tenet mở đầu bằng lời khẳng định Robinhood là nền tảng đem hệ thống tài chính đến với người Mỹ và nó thật sự dân chủ hóa nền tài chính, được hiểu nôm na là giúp cho người thường cũng có cơ hội tiếp cận cổ phiếu chứ không chỉ phục vụ lợi ích của người giàu. Tuy nhiên, đoạn quảng cáo trên bị ngắt bởi một dân biểu rằng có phải Tenet đang nói về sự dân chủ liên quan đến GameStop, bởi hình như "dân chủ" không được thể hiện khi người dân bị cấm mua cổ phiếu GameStop.

Tenet khẳng định không hề làm theo yêu cầu của các hedge fund, hành động này thực tế xuất phát từ việc Robinhood không thể tiếp tục mua cổ phiếu giúp người dùng. Theo giải thích của Tenet, "tổng tài sản của khách hàng trên Robinhood đã lớn hơn đến 35 tỷ USD so với số tiền đã nộp vào", cho nên họ không đủ tiền để mua thêm và đóng đủ phí quy định. Tuy nhiên, ông ta không giải thích tại sao lại có chênh lệch lớn khi thực tế là người dùng phải nộp tiền vào mới trade được. Tenet cũng từ chối cung cấp thông tin tổng số tiền đã nộp vào và tổng tài sản để chứng minh, với lý do "bảo vệ thông tin tài chính".

Điều kỳ lạ là các công ty đối tác đã tăng phí lên cao đột biến kia là ai thì Tenet vẫn không nhắc đến. Hạ viện cũng không hề yêu cầu các công ty đó đến đối chứng.

Ông Tenet tiếp tục khẳng định không lắng nghe yêu cầu của hedge fund và tuân theo nguyên tắc làm lợi cho khách hàng nhiều nhất. Liên quan đến khách hàng, khi được hỏi "người dùng trên Robinhood có phải chỉ là hàng hóa và chính tổ chức tài chính lớn mới chính là khách hàng thật sự của Robinhood?" thì Tenet không hề phản đối, mà trả lời vòng vo. Tenet cũng không khẳng định là không lắng nghe từ các nhà đầu tư của Robinhood, vốn bao gồm cả Citadel.

Khi được hỏi tại sao chỉ cấm chiều mua GME mà không cấm chiều bán, Tenet bảo họ cấm mua vì lệnh mua cần nhiều thủ tục liên quan đến bên đối tác clearing house, trong khi lệnh bán vẫn được duy trì vì họ muốn cho người dùng được tiếp cận tiền của mình. Tuy nhiên, trong bài blog của Robinhood vào thời điểm mới xuất hiện cấm mua thì bảo rằng nguyên nhân là vì volatility (tính biến động thất thường của thị trường) mà không đề cập đến clearing house, phải một thời gian sau thì Tenet mới bắt đầu đổ lỗi cho clearing house. Chưa biết việc "tiền hậu bất nhất" này là do Tenet che dấu mục đích thật hay là ông ta không hiểu hoặc không biết gì về quyết định cấm mua của công ty Robinhood.

Khi được Anthony Gonzalez hỏi về tính thanh khoản của Robinhood liên quan đến số tiền cover 3 tỷ USD thì Tenet nói rằng đội ngũ kỹ thuật của Robinhood phải làm việc với bên đối tác clearing house để giải quyết vấn đề thanh khoản. Như vậy gián tiếp xác nhận rằng Robinhood có vấn đề thanh khoản vào ngày quyết định cấm mua, và ngược lại với khẳng định "không gặp vấn đề thanh khoản" của chính Tenet ngay đầu buổi điều trần. "Sự cố" có màu sắc bất nhất và gian dối ngay trước Hạ viện này của Tenet may mắn sao được Hạ viện bỏ qua mà không đặt thêm câu hỏi nào liên quan. Nên nhớ, mọi người đều phải tuyên thệ trước khi làm nhân chứng cho buổi điều trần.

Cũng liên quan đến số tiền 3 tỷ USD nêu trên, dân biểu San Nicolas hỏi về nguồn gốc số tiền đó, Tenet trả lời chỉ đơn giản là "từ các nhà đầu tư mạo hiểm" (tức VC). Thế nhưng, không ai đặt câu hỏi các VC này là VC nào, có bao gồm cả Citadel hay không.

Một số dân biểu cho rằng Robinhood sử dụng từ ngữ nhập nhằng theo kiểu "công ty tự bảo lưu quyền được đưa ra quy định mới lúc nào nó muốn". Tất nhiên, các quy định mới sẽ bảo vệ lợi ích của công ty mà không đếm xỉa gì người dùng. Một cáo buộc khác cho rằng Robinhood có hình thức giống như Facebook: "Khi người dùng không trả tiền cho sản phẩm, thì chính họ là sản phẩm", bởi Robinhood sẽ bán thông tin lệnh mua và bán cho các ông trùm phố Wall để những ông trùm này được phép giao dịch trước lệnh của người dùng và được hưởng ưu đãi tốt nhất, trong khi phần ít ưu đãi hơn thuộc về người dùng. Ai cũng biết Robinhood thật sự kiếm lợi bằng hình thức này là chủ yếu.

Kenneth Griffin, CEO của Citadel

Griffin của Citadel thì khẳng định "không đóng bất cứ vai trò nào trong quyết định của Robinhood liên quan đến việc giới hạn mua cổ phiếu GME". Như vậy ông ta từ chối sự liên đới trong vụ việc này. Tuy nhiên, ông cũng không đề cập đến việc các công ty đối tác của Robinhood tăng phí clearing có liên quan đến Citadel hay không. Thực tế là Hạ viện cũng không hỏi đến điều đó, mặc dù cộng đồng r/WSB đề cập đến chuyện này rất nhiều: Rằng chính Citadel tác động đến các công ty kia để đẩy phí lên rất cao, ép Robinhood và các broker khác vào thế phải hạn chế lệnh mua.

Juan Vargas cũng hỏi liệu có bất cứ ai trong công ty Citadel liên lạc với bất cứ ai trong công ty Robinhood liên quan đến việc ngưng lệnh mua của Robinhood, và Griffin trả lời "hoàn toàn không". Tuy nhiên, cuộc thảo luận dừng ở đó, mà không có nghi vấn nào về liên đới giữa Citadel với các đối tác clearing house của Robinhood vốn đã tăng phí một cách đột biến để ngăn chặn lệnh mua.

Gabriel Plotkin, CEO của Melvin Capital

Đến phiên Melvin thì Plotkin khẳng định họ đã đóng tất cả các position GameStop trước khi hạn chế của Robinhood diễn ra, nên họ không liên quan đến chuyện này. Ông ta cũng bảo Citadel tiếp cận Melvin không phải để cứu các lệnh bán khống mà để đầu tư vào Melvin. Tuy nhiên, một trong các nghi vấn của r/WSB vẫn chưa được giải đáp, do Hạ viện không đặt câu hỏi, đó là: Liệu Melvin có được đảo lệnh short với sự tiếp tay của các broker như Robinhood? Tức là họ tạm đóng lệnh short trước khi mở lệnh short mới, giấy tờ thì vẫn đầy đủ, chỉ có điều không hề có bất cứ một cổ phiếu nào được mua để trả nợ cũ, cũng như được bán để mở lệnh short mới.

Plotkin cũng than phiền rằng Melvin và chính ông ta bị cộng đồng Reddit tấn công cá nhân. Vụ việc bắt đầu bằng việc cộng đồng r/WSB kêu gọi hành động ngược lại với các position của Melvin để khiến Melvin phải chết thì cộng đồng này mới hả dạ. Thậm chí, ông ta còn nhận nhiều tin nhắn cá nhân với từ ngữ rất miệt thị. Cơ bản là Plotkin và Melvin là nạn nhân của cuộc tấn công có chủ đích của cộng đồng r/WSB mà có khả năng là được giật dây bởi một ai đó.

Steve Huffman, CEO của Reddit

Huffman giải thích về cách thức hoạt động của các cộng đồng trên Reddit, phân loại bài viết bằng việc bình chọn lên hay xuống của người dùng, bên cạnh hình thức kiểm duyệt thủ công của nhóm điều hành. r/WSB chỉ là một trong số những cộng đồng về tài chính trên Reddit, hoạt động bằng các đánh giá đầu tư thuộc nhóm "high risk, high reward", vốn được xuất hiện rất nhiều trên Reddit. Huffman cũng theo dõi cộng đồng này trong tháng 1/2021, và nhận định rằng cộng đồng này không hề vi phạm nguyên tắc hoạt động của Reddit. Ông ta cũng khẳng định đây là một cộng đồng thật sự và cần được bảo vệ. Tuy nhiên, không ai nhắc đến việc tại sao r/WSB phải đóng cửa vài giờ trong một ngày cao điểm hồi tháng 1/2021.

Dân biểu David Scott thì đặt câu hỏi về việc đánh giá người dùng giao dịch dựa trên quyết định cá nhân hay ảnh hưởng của mạng xã hội, dành cho Tenet và Huffman. Tenet thì nói Robinhood có các câu hỏi trắc nghiệm để người dùng hiểu rõ về việc ra quyết định cho chính mình mà không phụ thuộc vào các bên khác, bao gồm cả truyền thông và mạng xã hội. Trong khi Huffman khẳng định Reddit tuân theo nguyên tắc phi tập trung, người dùng tự bày tỏ quan điểm, tự bình chọn xuống hay lên, tự tán thưởng cho những quan điểm mà họ ủng hộ, và Reddit sẽ highlight một cách tự động những bài có nhiều lượt bình chọn hay tặng thưởng. Do đó, ảnh hưởng của mạng xã hội này lên quyết định của người dùng là mù mờ và không có cơ sở rõ ràng, cũng như việc không có bằng chứng về sự thao túng thị trường.

Khi được hỏi về việc người dùng Reddit có thật sự là người thật không? Huffman trả lời theo hướng không thể chắc chắn được, nhưng mạng xã hội này hoạt động dựa trên nguyên lý cộng đồng phi tập trung và r/WallStreetBets có đội ngũ kiểm duyệt riêng của mình, và họ tuân thủ tốt nguyên tắc về nội dung của Reddit.

Keith Gill, tức u/DFV hay "Roaring Kitty"

Gill lên tiếng rằng anh ta chỉ thấy cổ phiếu GME bị ép giá xuống thấp, rằng công ty GameStop có thể biến mình thành giá trị nhiều lần khi chuyển mình sang hình thức kinh doanh số, vì thế mới đầu tư vào. Chỉ đơn giản là "I like the stock" (Tôi thích cổ phiếu này), và cụm từ này xuất hiện rất nhiều trên cộng đồng r/WSB. Ngay khi Gill phát biểu câu này, cổ phiếu GME nhảy từ $44 lên $47 rồi sau đó rơi về $40.

Gill cũng khẳng định việc chia sẻ thông tin đầu tư của mình trên Reddit cũng giống như việc thảo luận ở quán bar hay sân golf, vốn được giới tài chính ở Phố Wall làm rất rất nhiều lần, thì không thể gây sóng ở cổ phiếu. Nếu cậu ta bị buộc tội về hành vi này, thì những trader ở Phố Wall cũng phải đồng loạt ra tòa với cùng cáo buộc như cậu ta mới phải. Các dân biểu Hạ viện thì dường như ít quan tâm đến câu chuyện này.


Khi được dân biểu Bill Huizenga đặt câu hỏi "liệu anh có mua cổ phiếu ở giá này ngày hôm nay?", Gill trả lời: "Để tôi khẳng định rằng giao dịch cổ phiếu thì nguy hiểm, và phương pháp tiếp cận của tôi rất hùng hổ (aggressive) nên có thể không phù hợp với mọi người, nhưng đối với tôi, câu trả lời là có". Huizenga có vẻ không hiểu tiếng Anh nên cười nhạo và hỏi lại "tôi chỉ hỏi là có hay không". Gill nhấn mạnh lại "với cá nhân tôi, CÓ, tôi thấy đó là điểm hấp dẫn để đầu tư vào ngay lúc này".

Lúc được Blaine Luetkemeyer hỏi liệu có phải Gill tìm ra một cách để "outsmarting" thị trường hay không, Gill trả lời: "Tôi có hiểu biết về việc phân tích thị trường, về chuyển động trong kinh doanh,... nên tôi làm theo đánh giá của mình. Tôi từ nhỏ lớn lên với niềm đam mê chơi game, và tôi thấy được tiềm tàng của các cửa hiệu GameStop mà tôi vẫn thường ghé. Tuy nhiên, hồi 2019 tôi thấy cổ phiếu GameStop bị định giá quá thấp so với doanh thu, và nó bắt đầu sụt giảm quá sâu so với giá trị đúng của GameStop, chính vì vậy tôi mua vào từ tháng 7/2019. Trong thời gian tiếp theo, tôi tiếp tục phân tích và vẫn thấy nó bị đánh giá thấp nên tiếp tục mua thêm". Gill cũng khẳng định các chuyên gia đánh giá dựa trên giá trị của của mảng kinh doanh truyền thống của GameStop và nhận định mảng kinh doanh này sẽ biến mất, nhưng Gill thì tin vào sự chuyển mình sắp tới của GameStop và rằng công ty sẽ hồi phục và chiếm thế thượng phong trong ngành công nghiệp gaming hàng trăm tỷ USD này.

Jennifer Schulp, chuyên gia độc lập đến từ Viện Cato

Schulp cho rằng: "Khó để đánh giá ảnh hưởng của các giao dịch liên quan đến GameStop. Nhiều người cho rằng do các trader nhỏ lẻ ở Reddit gây ra làn sóng GameStop để tiêu diệt các hedge fund, thì hoàn toàn không có số liệu nào cho thấy có bao nhiêu phần trăm giao dịch được tác động bởi các trader nhỏ lẻ này và bao nhiêu phần trăm là của chuyển động thị trường bình thường. Thêm nữa, không thể xác định được động lực của từng cá nhân giao dịch cổ phiếu GME." Có người thì vì muốn tiêu diệt hedge fund, có người thì muốn nhảy vào kiếm lời nhanh rồi ra, có người thì dựa vào phân tích để mua hay bán, lại cũng có người (giống Gill) tin vào giá trị ở tương lai của GameStop mà đầu tư.

Schulp cũng cho rằng SEC nên mở cuộc điều tra r/WallStreetBets, tuy nhiên nhận định kết quả sẽ không tìm thấy bằng chứng về thao túng thị trường tại cộng đồng này. Hạ viện cũng không đề cập gì đến chuyện mở cuộc điều tra thao túng thị trường của Robinhood và các đối tác của mình, và cả bà Schulp cũng không nói gì về khả năng này, mặc cho cộng đồng r/WSB liên tục kêu gào về điều đó.

Thay lời kết

Okay, tôi đã nói dối khi mở đầu bài viết bằng cụm từ "bài viết trung lập", bởi tôi không thể bỏ qua các chi tiết bất hợp lý trong sự kiện này. Dường như mọi thứ đang diễn ra nhằm để giúp Phố Wall thoát khỏi cáo buộc "thao túng thị trường". Bắt đầu bằng việc tra hỏi Tenet liên tục về vai trò của Robinhood trong vụ việc, nhưng đột ngột dừng lại khi Tenet đổ lỗi cho một bên thứ ba nào đó. Tôi dùng từ "nào đó" là phản ánh đúng thực trạng này: Đối tác giấu mặt, không tên không tuổi, cũng chẳng ai thèm kêu gọi họ đến chất vấn thử có đúng hay không. Nghe cứ như một tên ăn cắp nói rằng "thằng ăn mày mới ăn cắp chứ nó vô tội", để rồi mọi người dễ dàng bỏ qua án phạt về vụ ăn cắp mặc kệ cho nạn nhân kêu gào.

Trong lịch sử, những lần thị trường bị thao túng đều do không chỉ một bên mà nhiều bên liên kết lại với nhau, thì mới có thể thao túng được dễ dàng. Do vậy, việc kết nối các mắc xích lại với nhau là tối cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không được thể hiện trong buổi điều trần này. Nhờ đó mà cả Melvin và Citadel đều thoát khỏi câu hỏi tối quan trọng trong đường tơ kẽ tóc: Liệu các quỹ này có ảnh hưởng đến các đối tác khiến Robinhood ngăn cấm lệnh mua hay không?

Ngay cả một chuyên gia được mời đến để có cái nhìn khách quan về vụ việc là Schulp, thì cô ấy cũng chỉ khẳng định "không có thao túng thị trường do cộng đồng r/WSB không có dấu hiệu làm điều đó". Đây là một kiểu đánh tráo khái niệm theo kiểu vì nhóm A không thao túng thị trường nên không ai có thể thao túng, cho nên nhóm B vô tội không cần chứng minh.

Không biết những nghi vấn này có được ai vạch ra hay không. Nhưng chắc chắn một điều rằng truyền thông Mỹ và toàn cầu đang ra rả về sự lúng túng của Tenet trong buổi điều trần, để che mắt mọi người khỏi một âm mưu lớn hơn.

Thật tiếc là có vẻ họ đã thành công. Rồi đây sẽ không ai đào sâu vào cái ngõ cụt này nữa. Và nếu thế thì loạt bài của tôi cũng kết thúc ở đây. Tất nhiên, tôi sẽ viết tiếp nếu có tình tiết mới và thú vị.

Thursday, February 18, 2021

Và r/WSB đã thua?

Cổ phiếu GameStop đã lao dốc và đã bị kẹt ở mức tương đối thấp: $50/cổ phiếu trong hơn nửa tháng qua. Đây là một bằng chứng hùng hồn cho lời cam đoan của phe Phố Wall: Đây chỉ là mô hình pump&dump.

Họ đã chiến thắng bằng cách nào?

Hạn chế mua nhưng cho bán thoải mái

Thậm chí nhiều người còn bị ép phải bán hoặc sàn tự động bán mà người dùng không biết.

Đây là việc làm về nguyên tắc là phạm pháp. Và luật pháp quy định sẽ trừng phạt nặng.

Đúng, rất nặng, đến... hàng trăm triệu USD.

Vấn đề là, đứng trước thảm họa Melvin bị phá sản và Citadel có thể bị mất một khoản tiền khổng lồ đến chục tỷ USD, con số vài trăm triệu tiền phạt là quá nhỏ bé.

Citadel đã đưa cho Robinhood, DriveWealth và các broker khác vài tỷ USD để thực hiện hành động này. Mỗi bên đều biết sẽ đóng tiền phạt bằng 1/3 số tiền đã nhận để cứu Melvin.

Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm. Đằng nào thì người dùng không có sự lựa chọn nào khác nếu họ còn muốn tiếp tục mua cổ phiếu, họ có thể chửi vài hôm, thậm chí vài tháng rồi sẽ lại đăng nhập và mua cổ phiếu như cũ. Thiệt hại không lớn, và phần thưởng thì khổng lồ.

Cấu kết với truyền thông và giới làm luật

Phần lớn người dân trong xã hội đều chỉ dựa vào thông tin trên truyền thông mà biết chuyện. Họ không buồn đặt câu hỏi rằng "tại sao một nhóm người làm theo lời khuyên của Phố Wall lại khiến Phố Wall điên đảo?". Họ chỉ cần biết "vì truyền thông nói đó là pump và dump" và họ tin vào điều đó.

Điều này khiến những người ủng hộ phe cách mạng bị đuối lý và nhiều người đã lùi bước trước áp lực của gia đình và người thân.

Ảnh hưởng của Phố Wall đến chính trị cũng là thứ gây ảnh hưởng tâm lý. Vì nhiều người lo sợ họ sẽ bị cơ quan điều tra tóm vì "tham gia vào mạng lưới pump&dump".

Cũng có rất ít người hiểu được cái nhập nhằng giữa "buy&hold" và "pump&dump". Nếu bạn chia sẻ rằng "cổ phiếu X ngon" và rồi nó tăng rồi giữ nguyên mãi, khi đó người ta sẽ nói "buy&hold", nhưng nếu nó tăng rồi rơi xuống bởi bất cứ nguyên nhân gì thì người ta sẽ cáo buộc là "pump&dump".

Một định nghĩa mơ hồ như vậy rất dễ bị Phố Wall điều khiển: Khi nó đang lên cao, Phố Wall chỉ cần chặn đứng lệnh mua tự khắc cổ phiếu sẽ rớt xuống, rồi đệ trình cho SEC xem xét thì SEC nhìn vào đồ thị sẽ thấy rõ ràng là "pump&dump".

Rất có thể SEC và giới chính trị sẽ nhận ra chiêu lừa bịp này. Và thực tế họ đã nhận ra được.

Vấn đề nằm ở chỗ... Ngay chính bà Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cũng đã ngậm gần 1 tỷ USD từ Citadel ngay trước khi Melvin mạnh tay short cổ phiếu. Vậy thì trong chính giới Mỹ có bao nhiêu người đứng lên chống lại phe có tiền ở Phố Wall?

r/wallstreetbets đã chịu đầu hàng?

Điều này có vẻ là đúng. Rất nhiều người theo phe cách mạng đã đầu hàng. Tuy nhiên, với nhóm đầu đàn của r/WSB thì không như vậy. Có 2 lý do chính:

Thứ nhất là nhóm này không còn gì để lo lắng, vì nhóm này đã chốt lời từ lâu. Họ dùng số tiền còn lại để chơi tới bến. Họ có một niềm tin vô hạn rằng họ có thể thắng lớn. Đằng nào thì hoàn cảnh của họ cũng là: Hoặc là họ đã x10 tài khoản, hoặc là họ có thể x1000 tài khoản. Chẳng có gì đáng lo nữa cả.

Thứ hai là việc theo đuổi này là cả một quá trình rất dài, từ cả năm, nên nếu có đợi thêm 1 năm nữa mới có chiến thắng thì họ chẳng có gì phải vội.

Điểm mấu chốt nằm ở hai nhóm người còn lại có bỏ cuộc hay không...

Nhóm thứ nhất là nhóm vừa mới "đu đỉnh", tức là họ nhập cuộc sau và mua ở giá cao ngất ngưởng. Với việc nhìn thấy tiền rơi xuống hằng ngày và một trái tim còn mong lung, họ có thể sẽ bán tháo và rút ra khỏi trận chiến này.

Nhóm thứ hai là nhóm cổ đông của GME, vốn sở hữu rất nhiều cổ phiếu và đến một lúc nào đó họ có suy nghĩ sẽ bán ra. Nhóm này cũng có thể lựa chọn như nhóm đầu đàn r/WSB, vì họ đằng nào cũng đã có lời rồi, nhưng cũng sẽ có người không tin vào cuộc "cách mạng" mà bỏ rơi nó.

Tóm lại, hiện tại tôi có thể thấy tình trạng mệt mỏi của mọi người trong cộng đồng r/WSB, nhưng nếu hỏi cuộc chiến này kết thúc chưa thì hẳn là chưa.

Còn phần thắng? Tất nhiên là vẫn rơi vào tay kẻ mạnh.

Dù cho tôi đôi lúc có hi vọng mong manh rằng phe yếu sẽ thắng, nhưng lịch sử trước giờ chỉ đứng về phía kẻ mạnh và giàu có. Chỉ là lỗi tại người nghèo vì đã được sinh ra trong cảnh nghèo mà không biết cách vươn lên. Ha ha ha...



Saturday, January 30, 2021

Gió ngược chiều thì gây ra bão, còn r/WSB và Melvin thì đang tạo ra sóng thần

Tự nhiên ngồi nghĩ xem cái tiêu đề gì cho khác lạ xíu, chọn cái này hi vọng không ai bị chói tai.

Một cơn sóng thần thật sự đã và đang càn quét thị trường chứng khoán Mỹ và các nước. Chỉ vì một chiến địa được lập ra tên GameStop, và hai đối thủ: Một Melvin khổng lồ và đầy quyền lực, đấu với một r/WSB nhỏ bé nhưng đông như đàn ong.

Nói thật thì Melvin cũng không lớn lắm, cũng chỉ là một cái hedge fund, nhưng được hình thành bằng những chuyên gia trading thứ thiệt, những nhà nghiên cứu thị trường sừng sỏ, được hỗ trợ bởi những tỷ phú tốp đầu, những quỹ hưu trí khổng lồ, những chủ ngân hàng giàu có và cả giới truyền thông phủ bóng trên mọi mặt trận. Trông có vẻ không thể đánh bại.

Còn liên minh r/WSB lại là chốn dung thân của một đám người thất bại, thất nghiệp, nghiện game và có người còn nghiện cả phim... à mà thôi, không cần chi tiết ấy cũng nói lên họ là bọn loser rồi.

Nhưng bọn loser đó lại làm một việc truyền cảm hứng cho nhiều người: Dấy binh khởi nghĩa chống lại Wall Street.

Nhắc lại, mục tiêu sau cùng của họ không phải là Melvin, mà là bọn short seller ở Wall Street. Mà ở thành trì Wall Street ấy, cái cửa thành Melvin là cứ điểm quan trọng nhất, và rất tiếc cửa Melvin đó đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, để bọn loser chụp lấy GameStop như món vũ khí tối thượng và tấn công tới tấp.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ nhất

Đó là thời điểm cuối tháng 12/2020, phe liên minh gồm những tay loser hợp lực lại tập trung vào Melvin trên mặt trận GameStop. Melvin cũng biết mình bị nhắm mục tiêu. Và như thường lệ, nó tiếp tục gia tăng áp lực short, vì đó là điều nó đã làm không biết bao nhiêu năm qua. Và đã từng thắng.

Vâng, "đã từng" là từ khóa quan trọng.

Cuộc chiến về giá cứ đẩy tới và đẩy lui liên tục. Cho đến một ngày, một vài tay phân tích loser nào đó phát hiện ra Melvin đã short quá nhiều, và để cover hết đống short đó, Melvin cần rất nhiều tiền đủ để đẩy cổ phiếu GameStop lên cao hơn.

Đây là sai lầm đầu tiên của Melvin: Họ không chịu thất bại khi giá GME vượt qua $20.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ hai

Khi phát hiện thấy nếu Melvin đóng short sẽ đẩy cổ phiếu lên cao, liên minh không còn sợ kịch bản "pump&dump" nữa, họ dồn lực ép Melvin vào thế chân tường. Bởi vì họ biết, ngày mà Melvin và các short seller đầu hàng, ngày chiến thắng của họ, chính là ngày họ bán cổ phiếu ra và chắc chắn lời.

Nói về giá tăng, người mua mua là vì họ nghĩ rằng họ có thể bán ở giá cao hơn, nhưng người mua cũng sợ một ngày giá rớt thì họ bị lỗ. Tâm lý này chính là nguyên nhân để các short seller kiếm ăn. Bằng việc đẩy giá xuống, tạo đà cho những người yếu tâm lý bán tháo và khiến giá rớt sâu hơn. Kịch bản này thành công cũng nhờ việc chia sẻ thông tin giữa những người mua quá kém, họ không đồng nhất với nhau, khiến người này sợ rằng những người còn lại sẽ bán tháo sớm hơn mình và họ lời mình lỗ. Mà dù cho có chia sẻ đi nữa, họ cũng khó lòng mà tin tưởng nhau.

Điều này bị loại bỏ, bởi vì:

  • Thứ nhất, họ có một diễn đàn chung. Gồm toàn những loser lâu năm, và hiểu nhau, và tin nhau.
  • Thứ hai, họ biết rằng thời điểm họ bán chính là lúc các short seller đầu hàng, khi đó họ chắc chắn có lời. Nên họ cần gia tăng áp lực để short seller đầu hàng càng sớm càng tốt.
  • Thứ ba, đoàn kết là sức mạnh. Thực tế nó cũng là công cụ duy nhất để họ thắng.

Không có lý do để đầu hàng, họ bắt đầu gia tăng áp lực, đẩy giá GME lên mức nguy hiểm đối với Melvin: $112.

Đây chính là mức mà nếu đến ngày 29/1/2021 vẫn còn trên mức đó, thì Melvin có thể phải bán thêm các position ở các stock khác về để cover. Nói đơn giản hơn, nếu giá GME đúng mức đó thì Melvin sẽ mất hết toàn bộ tiền đã đặt cọc khi short.

Tuy nhiên, Melvin đã không đầu hàng. Nó thật sự đã đóng các position ở các cổ phiếu khác và dồn cho các mặt trận quan trọng như GME.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ ba

Câu chuyện về một quỹ lớn tại Phố Wall đang phải chật vật chống đỡ khiến nhiều người chú ý. Công cuộc FOMO (fear of missing out - chỉ những người mua cổ phiếu vì chạy theo thời cuộc) ào ạt đổ tới, khiến giá GME điên đảo, biên độ dao động lên đến 50-80% mỗi ngày.

Những chuyên gia của Citron nhìn vào thị trường như vậy, càng đánh giá là thị trường sắp nổ, vì thế Melvin bắt đầu dùng tiền để short mạnh hơn, với hi vọng sẽ thắng lớn.

Ngay cả những thành viên sơ khai của phong trào cũng bắt đầu chốt lời. Nhưng họ không chốt lời hết mà chỉ rút một phần đủ lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mà vẫn giữ một phần lớn cổ phiếu và cố thủ.

Cuối cùng, làn sóng FOMO đã thắng, trong 2 ngày liên tiếp, giá tăng gấp đôi mỗi ngày.

Lúc đó, Melvin đã có thể đầu hàng, mang lại phần thưởng cho những kẻ thắng, và tự phá sản quỹ. Nhưng họ vẫn không đầu hàng. Ngược lại, họ tìm kiếm sự hỗ trợ, từ các quỹ đầu tư khác, giới lobby chính sách lẫn truyền thông.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ tư

Hàng loạt báo chí, quỹ và cả các cơ quan điều tra SEC, FBI lẫn Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức Yellen liên tục dòm ngó vào trường hợp GameStop. Phần lớn với con mắt "đây là pump&dump", tức là đứng về phe Melvin.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của truyền thông, nhiều người hơn đã biết đến cuộc chiến cổ phiếu này. Và họ đã chọn phe. Phần lớn theo phe liên minh. Trong vòng 2 ngày, số thành viên của diễn đàn r/WSB tăng gấp đôi, từ 2 triệu lên 4 triệu. Nhưng trong đó chưa biết ai là bạn ai là thù.

Discord đóng cửa server của WSB, và vì sợ đóng cửa cả Reddit, nhóm điều hành quyết định tạm ngưng diễn đàn để ngừng dòng comment làm xao lãng mục tiêu và công kích cá nhân đang ào ạt tràn vào. Khi cuộc thanh lọc hoàn tất cũng là lúc giá GME premarket lên đến 500.

Với việc số người tham gia tăng khủng khiếp, các broker online bắt đầu gặp vấn đề. Họ không thể cam kết mua đúng giá mà user đã đặt. Nguyên nhân của hiện tượng này là khi trade trên sàn online, giao dịch đó không được thực thi liền mà chuyển về lại cho sàn NYSE để khớp lệnh. Với tình trạng lượng bán ít nhưng mua quá nhiều, chênh lệch giữa giá được quote và giá thực thi bắt đầu trở nên lớn và các broker này không thể cover được nữa. Họ bắt buộc phải làm gì đó.

Nhưng Melvin cũng quyết không đầu hàng. Dù cho các broker lúc đó đang gặp khó khăn về khớp lệnh, chỉ cần Melvin đầu hàng là chấp dứt việc tấn công ngay, nhưng Melvin vẫn không làm.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ năm, hoặc Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ nhất

Để giảm thiểu vấn đề khó khăn khớp lệnh, các broker online bắt đầu làm một việc mà không đụng chạm đến Melvin, thậm chí còn giúp đỡ nó: Robinhood và ETrade cấm mua GME, các sàn còn lại cũng ngăn người dân được vào trade hoặc tốn rất nhiều thời gian để mua GME.

Tôi chẳng hiểu tại sao họ không xử Melvin, mà lại thắt chặt người dùng thông thường. Nhưng nó thật sự đã khiến việc tăng dừng lại. Và liên minh lại kêu gọi "hold, don't sell".

Việc Melvin không đầu hàng lần này lại gây ra một làn sóng khác, còn khủng khiếp hơn: Người dùng, những người dân bình thường được các broker online hứa hẹn về "lấy tiền của người giàu", có cảm giác bị phản bội. Và phải ứng của họ là "hold GME và bán tháo tất cả các cổ phiếu khác".

Có người muốn tăng thêm vũ khí cho cuộc chiến ở GME, có người chỉ muốn rút tiền vì ghét các sàn, có người thì biết rằng 2 nhóm kia sẽ rút ra nên cũng rút ra để "buy the dip" (đợi giá xuống rất thấp rồi bắt đáy). Dù lý do gì đi nữa, việc bán hàng loạt cũng gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Tất cả các phiên giao dịch trong 3 ngày từ Á sang Âu sang Mỹ đều đỏ lòm. À, khoan không phải tất cả, chỉ trừ những cổ phiếu đang trong vùng chiến địa là còn xanh.

Lúc này, các con sói già Wall Street có thể đầu hàng, buông Melvin để nó cùng những quỹ đầu tư cho nó cùng chết, rất có thể nhiều nơi khác cũng bị ảnh hưởng. Nhưng ít ra là để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, họ không làm như vậy.

Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ hai

Đợt rút tiền trên phạm vi toàn cầu kéo dài 3 ngày liên tiếp, với số tiền lên đến 20 tỷ USD mỗi ngày gây ra một hiệu ứng khác: Thị trường hối đoái và chuyển tiền liên quốc gia bị nghẽn.

Như vậy, chỉ trong ngày thứ sáu 29/1/2021, ba vấn đề cùng lúc xuất hiện ảnh hưởng đến giao dịch chứng khoán toàn cầu:

  1. Người ta bán tháo cổ phiếu diện rộng
  2. Giao dịch chứng khoán bị nghẽn và nhiều user không thể giao dịch hoặc giao dịch rất bị hạn chế
  3. Tình trạng rút tiền vẫn diễn ra và cùng bị nghẽn.

Vụ thứ 3 ảnh hưởng trực tiếp đến vụ thứ 2, vì giao dịch online cần rất nhiều thứ, trong đó có việc chuyển đổi tiền trong tích tắt khớp lệnh. Và vì vậy nghẽn giao dịch càng bị nghẽn nặng hơn. Vụ thứ 2 lại ảnh hưởng tâm lý người dùng, khiến hành vi thứ nhất diễn ra còn mạnh hơn.

Cần lưu ý, việc bán tháo này cũng bao gồm luôn cả các quỹ bán tháo cổ phiếu, chỉ để tập trung vào mặt trận GameStop. Tức là cả hai bên của cuộc chiến, liên minh ủng hộ WSB và đội quân ủng hộ short seller đều bán tháo các cổ phiếu khác để có thêm tiền cho cuộc chiến chính. Đây chính là cơn sóng thần mà tôi đề cập trên tiêu đề.

Phố Wall đối mặt với tuần tệ hại nhất từ tháng 10 trở lại. Và không có gì chắc chắn là tuần sau việc bán tháo không dừng lại, Melvin không bị chết và kéo theo nhiều quỹ khác cùng chết, và tình trạng chậm chạp trong việc giao dịch chứng khoán và hối đoái.

Nhưng Phố Wall vẫn chưa chịu đầu hàng.



Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Okay, tôi mà biết được thì đã giàu rồi. Xin miễn bình luận, đợi tuần sau rồi mới biết.

Update 31/1/2021: Giải thích thêm cơn sóng thần ở đề mục "Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ hai".

r/WSB và cuộc chiến không khoan nhượng

Tôi viết từ "cuộc chiến không khoan nhượng" xong lại thấy mắc cười. Từ này thường được dùng trong phim để tăng kịch tính, hay dùng để hiệu triệu mọi người. Nhưng với trường hợp về cuộc chiến cổ phiếu của r/WSB với phần còn lại từ Phố Wall đến truyền thông, đó là điều thật sự đã diễn ra: HOLD, tất cả đều HOLD.

Bằng chứng

Sau đợt mua khổng lồ từ mấy tháng nay, nhất là tuần vừa qua, số lượng cổ phiếu GME trong tay liên minh r/WSB và đồng bọn rất nhiều, có thể đã vượt con số 75% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. (Disclaimer: Tôi cho mình thuộc liên minh này, vì tôi cũng mua cổ phiếu GME và chưa có ý định bán).

Phe Phố Wall hợp lực với ngân hàng, đối tác đổi tiền, brokers và cả truyền thông liên tục hợp lực để đẩy giá xuống, nhưng giá mới được đẩy xuống chút xíu là đã bounce back. Và volume mua lại càng lúc càng nhiều lên. Lượng bán không nhiều nhưng lượng mua nhiều chứng tỏ liên minh "phản loạn" này hoàn toàn không nói chơi khi tuyên bố "hold".

Thậm chí đến khi các broker online như Robinhood, ETrade,... thực hiện hành vi "thao túng thị trường" một cách trắng trợn như: Cấm mua, ép phải bán (hôm thứ 5 28/1), đẩy giá cổ phiếu rớt thảm. Nhưng lượng giao dịch bán lại rất ít, khiến tôi có cảm giác chỉ có bên short seller tự bán rồi tự mua.

Để rồi hôm nay (thứ 6 29/1, giờ Mỹ) khi Robinhood và ETrade cho phép người thường mua, giá cổ phiếu đẩy cái "ót" từ 200 lên 325, và tiếp tục bước đều lên 363. Vẫn chứng tỏ một điều: Chỉ hold, không bán. Và lượng volume cũng khá cao.

Ngay lập tức, Robinhood hành động: Chỉ có phép mỗi người được mua 2 cổ phiếu GME trong khi cho bán thoải mái. Giá cổ phiếu có rơi nhưng không như kỳ vọng của họ, xuống còn 320. Khiến họ phải giảm tỷ lệ xuống, mỗi "tem phiếu" chỉ được mua duy nhất 1 cổ phiếu GME. Liên minh lại kêu gọi không được bán "vì sẽ không mua lại được đâu", và giá ngừng rơi ở 250 mà lên nhẹ lại.

Bất chấp sự thao túng thị trường của Robinhood và ETrade, bất chấp sự chập chờn của Stake, FreeTrade, InteractiveBrokers,... volume bán vẫn rất giới hạn trong khi volume mua vẫn cố gắng đè bẹp nhiều và nhanh nhất có thể. Giúp đẩy giá cổ phiếu ổn định quanh mức 320.

Điều này chứng tỏ, liên minh "phản loạn" này không nói đùa và họ thật sự HOLD. Giống như một đoàn quân cách mạng đứng trước một quân đoàn khổng lồ và mạnh mẽ, tất cả những gì họ cần làm để tồn tại là giữ vị trí, không bị sức mạnh khổng lồ của quân địch làm lung lay.

Sự dũng cảm và cứng cỏi của họ khiến nhiều người tham gia lực lượng phản loạn này và không ai khoan nhượng cả.

Sự bắt đầu của liên minh

Mỗi người đến với liên minh r/WSB bằng những lý do khác nhau. Phần lớn những câu chuyện chia sẻ về quá khứ của họ và cuộc đời của họ. Một trong những câu chuyện được nhiều người tương tác nhất có nội dung như sau:

Cha của cậu ta là một công nhân công ty bê tông, khi khủng hoảng về nhà đất nổi lên, thị trường bắt đầu chùng xuống. Đột nhiên, chỉ trong một ngày, công ty của cha cậu ta bị phá sản, và ông ấy mất việc. Không thể kiếm được việc mới, ông ấy chôn mình trong rượu chè suốt nhiều năm tháng. Trong khi đó, thông qua truyền hình và internet, cậu ta biết được rằng tại Phố Wall có nhiều người nâng ly champagne chúc mừng. Nguyên nhân vì cái lệnh short.

Không có gì khiến một công ty đang túng thiếu và nợ nần biến thành phá sản nhanh bằng những lệnh short, nhất là khi lệnh short đó vượt số cổ phiếu đang lưu hành (tức naked short). Một công ty đang khó khăn, họ cần tiền để tiếp tục duy trì đội ngũ nhân viên, cần tiền để tìm kiếm khách hàng mới, cần tiền để mua trang thiết bị phục vụ business và cần tiền để thay đổi chiến thuật kinh doanh nếu cần. Trong khi đó, lệnh short, nhất là naked short khiến nguồn vốn có thể lấy được từ thị trường bị giảm rất nhanh, và do đó cũng kích hoạt tình trạng bán tháo trong các cổ đông - những người đang nắm giữ cổ phiếu. Số lượng short càng nhiều thì nguồn vốn càng bị giảm mạnh, đến một mức không thể phục hồi được nữa, khi đó nguồn vốn mà công ty có thể rút được từ thị trường để phục vụ business bị thiếu hụt nghiêm trọng. Không có nguồn vốn bổ sung, họ thiếu hụt tiền để làm mọi thứ. Túng quẫn. Và phá sản.

Trong khi công ty phá sản, những kẻ short lại lời. Và họ hoan hỉ vì điều đó.

Lỗi là tại công ty nợ nần từ đầu. Đúng. Short không sai, vì nó dựa trên cung cầu cả. Đúng. Nhưng tôi cho rằng naked short là sai, và luật pháp cần giới hạn lại mức độ có thể short được của một cổ phiếu.

Tại sao việc đẩy một cổ phiếu lên cao lại bị chế tài trong nhiều quy định, còn việc đẩy xuống thấp lại không?

Giới Wall Street đã có rất nhiều lời giải thích. Nhưng tất cả đều là những lời giải thích. Rất vòng vo và khó hiểu. Nhưng chung quy lại đều kết luận người dân chẳng có thể làm được gì và rằng "mọi người phải làm quen với điều đó".

Tất cả đều đã làm quen với nó. Vâng, tất cả trừ một nhóm nhỏ trên Reddit có tên: r/wallstreetbets.

Động lực của sự đoàn kết trong liên minh

Rất dễ thấy điểm bắt đầu chính là lòng thù hận giới tinh hoa và phố Wall, vốn đã thành công trong việc hãm hại gia đình của họ. Con giun xéo mãi cũng quằn. Mọi người bắt đầu tìm thủ phạm và đánh vào điểm yếu của nó.

Phố Wall khổng lồ, nhưng người ta đã tìm ra một cửa thành yếu nhất tên Melvin Capital. Họ bắt đầu lên tìm kiếm lỗ hổng của cửa thành này, và khi đã tìm ra lổ hổng naked short thì họ lập tức hành động. Quá trình tìm kiếm này diễn ra rất lâu, và phải đợi rất nhiều mới có được cơ hội tốt. Bởi thế, họ không muốn từ bỏ dễ dàng. Bởi họ biết, họ lui là họ sẽ mất hết. Mất tiền thì chuyện nhỏ. Mất cơ hội phục thù mới là chuyện lớn.

Nhiều người bảo r/WSB chỉ đánh vào Melvin, sập Melvin là xong chuyện (hầu hết các tờ báo đều nói thế). Thực ra họ nói như thế là vì muốn lừa dân chúng, họ biết cái ảnh hưởng nhưng họ không nói để người ta không khoét sâu vào thêm nữa. Tôi sẽ dành một phần kế tiếp để nói về chuyện này. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, với liên minh, họ không còn thiết gì nữa, họ chỉ có một mục tiêu rất đơn giản và dễ hiểu: kéo sập Melvin và đồng bọn và có thể kéo sập luôn Phố Wall, để những nhà lập pháp Mỹ phải siết lại naked short và những hành vi phi pháp khác.

Một mục tiêu rõ ràng và rất xa nhưng có thể đạt được chính là cái động lực để mọi người trong liên minh giữ vững niềm tin.

Liên minh có sợ thất bại không?

Theo quan sát hiện tại của tôi, có lẽ là không. Có 2 lý do chính:

Một là hầu hết mọi người trong liên minh đều đã chốt lời. Kịch bản sẽ như sau: Giả sử lúc giá cổ phiếu ở $20 họ mua 1000 cổ phiếu, lúc nó lên $100, họ bán 400 cổ phiếu để lấy $40000 trong khi vẫn còn 600 cổ phiếu. Như vậy họ đã chốt lời được $20k, trong khi vẫn còn giữ lại phần lớn cổ phiếu phục vụ cho cuộc chiến.

Hai là họ biết họ sẽ thắng nếu họ tiếp tục hold. Một chiến thuật duy nhất, chiến thuật lại đơn giản nên dễ truyền tai cho nhau, và có được sự đồng lòng tuyệt đối. Họ biết rằng nếu các short seller muốn thoát khỏi short position, thì short seller phải mua cổ phiếu với số lượng cực lớn, lớn tới mức đủ để trả lãi cho tất cả mọi người. Và vì thế, họ không thất bại nếu cùng nhau chiến đấu tới cùng với Melvin và Phố Wall. Dù cho truyền thông liên tục rủa xả vào họ.

Chính cái diễn đàn với đầy những meme mang tên r/wallstreetbets là động lực để họ quên đi những cái râu ria bên ngoài, tập trung vào một chiến lược duy nhất để thành công: Hold on the rocket to the Moon (Bám chắc trên chuyến tên lửa phóng thẳng đến mặt trăng).

Mà cũng có thể không phải là mặt trăng mà là sao Hỏa hay xa hơn nữa. Ai biết được.



Friday, January 29, 2021

Short-selllers trước giờ tử chiến


Tôi viết bài này trong tâm trạng rất phẫn nộ, nhưng cố gắng không đưa cảm xúc vào bài viết để giữ cái nhìn trung lập nhất có thể.

Ngày 29/1/2021 là một điểm mốc rất quan trọng, đó là lúc rất nhiều lệnh short của Melvin hết hạn, dù muốn dù không, họ vẫn phải mua lại một số lượng cổ phiếu khổng lồ để trả nợ và đóng lệnh short. Tuy nhiên, hãy nhìn toàn cảnh để thấy nỗ lực của họ trở thành công cốc như thế nào.

Bước 1: Short, short và short thêm nữa

Melvin không chịu đầu hàng, đây là một công ty có thâm niên short từ rất lâu, và thành công không ít. Thành công ở đây là Melvin hốt được tiền trong khi nhìn những công ty bình thường và người thường túng quẫn trong con đường phá sản. Tất cả chỉ vì họ naked short.

Nói nôm na, naked short là vay mượn vượt mức mà thị trường có thể cho mượn, sau đó bán để tạo ra lực đẩy vô cùng lớn khiến cổ phiếu rớt giá thê thảm. Hành vi này được xem là thao túng thị trường và là phạm pháp.

Tuy nhiên, dù Melvin đã naked short nhiều lần, nhưng vẫn chưa bị "sờ gáy". Đừng hỏi tại sao, những người dám đặt câu hỏi đó cho các nhà chức trách đều đang ngồi tù hay bị phá sản hết rồi. Tôi cũng không thể trả lời được, vì tôi còn gia đình để chăm sóc.

Chính vì vậy, lượng short mà Melvin và các short sellers khác đã vượt quá số cổ phiếu trôi nổi trên thị trường. Tuần trước là 160%, còn hiện nay tăng lên khoảng 250%.

Mục tiêu của các short seller là để đẩy giá xuống, tuy nhiên, cứ mỗi khi họ short thì liên minh r/WSB lại mua thêm và lại giữ mà không bán lại. Tình trạng này kéo dài, khiến lực lượng FOMO (Fear of missing out) nhảy vào mua thêm, đẩy giá lên cao ngút trời, và đồng thời đẩy Melvin vào thế phải tìm giải pháp khác.

Bước 2: Tung tin đồn "Melvin đã đầu hàng"

Tin này chạy nhan nhản trên các mặt báo, từ lớn tới nhỏ, mà nhiệt tình nhất là kênh CNBC, với những cáo buộc nói rằng r/WSB là thủ phạm đẩy volatility lên quá cao.

Bản tin Melvin đã đầu hàng ngay lập tức bắt được sự chú ý của cộng đồng, nhưng theo chiều hướng ngược lại: Họ phân tích lại và phát hiện rằng nếu Melvin thật sự đầu hàng và cắt lỗ thì volume giao dịch phải lớn hơn rất nhiều, do đó CNBC và các báo khác đang nói dối, nhằm chia rẽ liên minh và tạo lợi thế cho Melvin.

Rất tiếc là sau đó, giá cổ phiếu của GME lại tăng phi mã. Đến đây thì chính CNBC lại lên tiếng lo ngại việc giá lên cao quá khiến các short seller chết hàng loạt. Nhưng họ lại quên mất rằng ngay hôm trước họ đã bảo short seller đã đầu hàng. Hay nhỉ, nếu đã cắt lỗ thì sao phải xoắn nữa?

Bước 3: Hù dọa thị trường bằng after-hour market và premarket

Thị trường chứng khoán có giờ giao dịch cụ thể, bên ngoài giờ đó thì không ai có thể giao dịch được. Nhưng đó là lý thuyết. Thực tế chỉ có giới Wall Street là có thể giao dịch ở after-hour market và premarket mà thôi. Thế nhưng, nhiều người vẫn quan sát nó để điều chỉnh việc đặt lệnh của mình.

Và đó trở thành điểm tựa cho việc hù dọa: các short seller tìm cách cho thị trường này rớt giá, vẫn với bằng cách cũ của họ: short thật nhiều. Và vì ở 2 loại market này không có người thường, nên số người mua ít, đẩy giá rớt quá mạnh.

Mọi chuyện chỉ thật sự thay đổi khi sàn mở cửa cho người thường tham gia. Tất cả mọi người đều tranh nhau mua vì thấy giá mới rớt thê thảm. Mua xong rồi, vẫn như cũ, họ HOLD và không bán cho ai cả. Chẳng mấy chốc toàn bộ cổ phiếu mà các short seller vừa mới mượn và bán đã bay hơi, và nhu cầu lại còn vượt xa hơn thế khiến giá cổ phiếu bị đẩy bay lên quá cao.

Trò hù dọa này chỉ xài được một lần, những lần sau không xài được nữa.

Bước 4: Short tất tay

Đây chính là lý do khiến lượng cổ phiếu short bay từ 160% lên 250%. Họ không cắt lỗ ở lúc trước, nhưng lại tiếp tục vay mượn thêm và short mạnh lên, cố gắng đẩy giá cổ phiếu xuống. Và giá đã bị đẩy xuống rất mạnh.

Nhưng...

Lực cản của lệnh mua quá lớn, trong khi không có bất cứ làn sóng bán nào được hình thành theo "hiệu triệu" của họ. Và làn sóng mua ào tới tấp khiến cho họ phải chào thua thêm lần nữa.

Tại sao đến lúc này rồi mà lực mua còn lớn? Xin thưa, chính bởi vì sự lan tỏa của cộng đồng r/WSB, vốn từ 2 triệu lên thành 4 triệu chỉ sau vài ngày. Làn sóng này như đàn ong vỡ tổ, chỉ chờ đến giờ mở cửa là nhào vào. Let me in!

Bước 5: Nỗ lực đóng cửa diễn đàn

Nhân vật nổi tiếng nhất ở đây tên là Discord.

Cộng đồng r/WSB có 2 nơi thảo luận chính, một là Reddit, hai là Discord.

Và dưới áp lực bị report tới tấp, Discord đã shutdown server của r/WSB. Ngay khi bị Discord shutdown, cộng đồng ngay lập tức hành động, để tránh bị shutdown ở cả Reddit, diễn đàn chính của mình. Nguyên nhân chính để Discord shutdown là "hate speech", cơ bản là vì cộng đồng này văng tục rất nhiều và chửi Wall Street còn nhiều hơn, do đó Discord cho rằng cộng đồng đã vi phạm nguyên tắc của mình. (Dù cho việc chửi đó có đúng hay không, thì Discord vẫn cho rằng không nên chửi, mặc dù Discord cũng chửi những kẻ mà họ cho là xấu... Anyway... Quên mất, lại để cảm xúc dâng cao rồi... Trung lập tiếp nào).

"Hate speech" theo kiểu như thế thì ở Reddit không cấm, chỉ là phải bị gán nhãn NSFW mà thôi, điều này không thành vấn đề. Nhưng có một vấn đề khác, là khi tập hợp người quá lớn, lực lượng quản lý sẽ không thể làm gì nổi nếu mọi chuyện diễn biến chệch đường ray quá nhanh, đặc biệt là khi có nhiều người có xu hướng lôi kéo để "pump&dump" (hành vi phi pháp theo SEC). Và r/WSB quyết định giới hạn lại để họ có thể kiểm soát tốt hơn.

Nỗ lực report để kênh này "bay màu" do đó cũng thất bại nốt.

Bước 6: Vận động hành lang nhằm xác định r/WSB trái luật

Cơ sở của nhận định này ở chỗ: Chính r/WSB định hướng cho người dân mua cổ phiếu và đẩy giá nó quá cao, khiến nó dễ bốc hơi, gây nguy hiểm cho những người mới mua cổ phiếu.

Tuy nhiên, không ai kể cả họ biết được là "cao" thì cao so với giá cơ sở nào. Nên nhớ bài học kinh tế cơ bản về giá là "cung-cầu", nếu cung ít cầu nhiều thì giá tăng, ngược lại thì giảm. Cộng động r/WSB chỉ đơn giản là thích GME nên mua rồi sống chết cùng nó thôi.

Đôi khi hành động này được diễn dịch ra rất "tình người": Melvin muốn GameStop phải chết, nhưng người dân yêu GameStop nên nguyện chết cùng với nó, và họ ào ạt mua cổ phiếu GME, để khi GameStop chết thì họ có thể chết chung. Hết phim.

Thế nhưng, công cuộc vận động này vẫn tiếp tục, và gây ảnh hưởng đến không ít người, không ít báo chí, và cả những nhà chức trách như SEC và Phố Wall.

Bước 7: Đóng cửa các sàn giao dịch của người thường

Đây là một phần trong cuộc vận động hành lang nhằm ngăn chặn làn sóng mua. Nếu chấm dứt làn sóng mua thì có thể đẩy giá xuống, vì không còn lực cản nữa.

Nên nhớ là chỉ ảnh hưởng đến người thường, còn Melvin và những short seller khác thì không, vì họ giao dịch trực tiếp tại các sàn như NYSE hay Nasdaq, chứ không phải thông qua broker như người thường. (Nếu mọi người xem TV có thể thấy cảnh sàn chứng khoán với một đống màn hình và lộn xộn những người là người).

Bắt đầu bằng Robinhood. Sàn này (hay nói chính xác hơn là broker này) chỉ cho bán cổ phiếu GME mà không cho mua. Đây rõ ràng là hành vi gian lận và chi phối thị trường. Nhưng vì chưa có luật cấm nên không thể bắt bẻ nó được.

Tuy vậy, người thường vẫn không chịu bán GME để đẩy giá xuống. Chính vì vậy broker Robinhood thực hiện bước "bá đạo" hơn: Lén bán cổ phiếu GME của user lúc họ không để ý, và ngăn chặn họ hủy lệnh bán với thông báo đại loại "chúng tôi thực hiện lệnh bán giúp bạn để giảm thiểu rủi ro cho bạn". Nhưng không buồn giải thích rủi ro đó là rủi ro gì.

Cần lưu ý là Robinhood nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Citadel, công ty sở hữu Melvin. Không khó hiểu lý do tại sao Robinhood lại giúp đỡ Melvin.

Chuyện hài là cái tên anh hùng Robinhood là người đã giúp người nghèo chống lại những kẻ quyền thế, thì giờ cái app lấy tên Robinhood lại làm ngược lại: giúp kẻ có quyền hại người nghèo. Sự dối trá còn thể hiện ở chỗ lúc mới ra, sàn này bảo "Let the people trade", nhưng giờ lại vả thẳng mặt người dùng "tao không thích cho mầy trade đó, làm gì tao nào?".

Bên cạnh Robinhood còn rất nhiều cái sàn khác, như Stake. Vốn dĩ những sàn này hoạt động thông qua broker "DriveWealth", và rất tiếc là DriveWealth cũng nhận đầu tư từ Point72, công ty đang nắm phần không nhỏ sở hữu của Melvin.

Tạm kết

Tất cả điều đó nói lên rằng thế lực Melvin còn quá mạnh. Tuy nhiên, dường như nó đã sắp hết "đạn" để chơi đến hết ngày hôm nay, và có thể tuần sau hay sau nữa.

Chưa biết đâu được, có khi nó lại thông đồng với các broker, đóng cửa sàn rồi tự động bán toàn bộ cổ phiếu GME của user cho nó. Rồi khi user đăng nhập vào thì còn vài đồng tiền lẻ mà không thấy cổ phiếu GME nào cả.

Và chẳng ai điều tra Melvin hết, SEC đang bận tiêu hóa một ngụm tiền trong miệng...

Tái bút

Tự nhiên thấy cái hình được share trong r/WSB về đợt "short squeeze" hồi 2008, share lại để xem đợt này có giống đợt đó không.



Thursday, January 28, 2021

Liệu r/WSB có chiến thắng được Phố Wall?


Phải công nhận, đây là sự kiện có một không hai.

Rất có thể sau lần này, tất cả các quỹ đều sẽ tìm mọi cách ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa. Với nguồn tài lực khổng lồ, Phố Wall hoàn toàn có thể vận động chính quyền thông qua các luật để giới hạn người chơi, hoặc cấm người chơi liên minh với nhau, hoặc đơn giản là họ cắt lỗ short position ngay khi phát hiện bị tấn công hàng loạt.

Lịch sử đã cho thấy, chưa có lần nào mà kẻ thách thức Phố Wall lại chiến thắng. Nguyên nhân rất đơn giản:

  • Nếu kẻ thách thức hoạt động đơn lẻ, kẻ đó không thể có nguồn tài chính dồi dào như Phố Wall. Dù cho kẻ đó có giàu nhất thế giới, với tài sản đến hàng trăm tỷ USD, chỉ cần các quỹ ở Phố Wall liên kết lại, kẻ thách thức sẽ bị làm gỏi.
  • Nếu kẻ thách thức lôi kéo được một nhóm người cùng tham gia với mình, kẻ ấy có thể vi phạm vào quy định cấm "pump and dump" của SEC, và như vậy sẽ bị điều tra, rồi tống vào tù, sau này có ra tù cũng không bao giờ được phép tham gia thị trường cổ phiếu nữa.

Sự kiện của r/WSB đặc biệt ở chỗ đó không phải là một mục tiêu đơn lẻ, và họ không chơi chiến thuật "pump and dump". Họ chỉ đơn giản làm theo những gì mà Phố Wall hay "lên mặt dạy đời" người khác, rằng: Hãy cứ "buy and hold".

Vâng, liên minh r/WSB chỉ rủ nhau làm một chuyện là "buy and hold" đúng như Phố Wall khuyên, và giờ chính Phố Wall điên đầu vì điều đó.

"Pump and dump" là gì?

Là đẩy cổ phiếu lên cao, bằng cách kêu gọi người ta mua nó, khi lên đến mức nào đó, những người kêu gọi đầu tiên sẽ bán ra và chốt lời.

Mục đích của chiến thuật này nằm ở chỗ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự tham lam của đám đông ngu dốt,... mà kiếm lời. Chính vì vậy, hành động này được xem là phạm luật.

Tôi sẽ đề cập lại vấn đề này sau khi nói về "buy and hold".

Tại sao Phố Wall lại khuyên người ta "buy and hold"?

Đây thật sự là chuyện lừa phỉnh.

Ai cũng có lòng tham, và lòng tham thì vô đáy. Ai cũng biết điều đó, và Phố Wall cũng rất hiểu rõ điều đó. Chính vì vậy, Phố Wall luôn khuyên người ta "hãy đầu tư vào giá trị tương lai của công ty", "nếu thấy công ty có giá trị cao hơn hiện tại, hay mua cổ phiếu và giữ nó",...

Chuyện này thoạt đầu thì rất hợp pháp, bởi vì cổ phiếu thì ai thích thì mua, chưa muốn bán thì không bán. Nhưng ẩn đằng sau là một chiến thuật dụ dỗ tinh vi.

Chiến lược dụ dỗ người ta "buy and hold" diễn ra như sau:

  1. Liên tục kêu gọi mọi người "trading rất nguy hiểm, chỉ dành cho những người có hiểu biết và có khả năng chịu rủi ro, còn người bình thường thì nên mua rồi giữ một thời gian dài". Cái gì nói mãi cũng thành ra chân lý.
  2. Sử dụng truyền thông để rỉ tai những người bình thường rằng "cổ phiếu công ty A tăng phi mã sau 1 năm", "xét theo phân tích về P/E, về dòng vốn đầu tư, về sản phẩm làm ra thì công ty B có thể sẽ tăng trong năm tới",... Những thông tin như vậy nhằm tạo cảm giác "buy and hold" là một chiến thuật hợp lý, và nhiều người sẽ tham gia vào.
  3. Những người tham gia chiến thuật "buy and hold" một thời gian sẽ thấy tài sản của họ tăng lên, và họ cảm thấy hạnh phúc, và họ lan truyền chiến dịch này cho những người khác nữa.
  4. Hạnh phúc này tiếp tục lan tỏa, cho đến một ngày công ty rớt giá cái ào rồi phá sản. Kỳ lạ thay, các quỹ đầu tư đã thoát ra từ lúc nào, và chỉ có những người thường chịu thiệt.

Có thể thấy, chiến lược "buy and hold" này giống hệt như "pump and dump" ngoại trừ 2 điểm khác biệt:

  1. "Buy and hold" diễn ra trong thời gian dài, "pump and dump" diễn ra nhanh và kết thúc sớm.
  2. "Buy and hold" được cổ súy bởi những kẻ lắm tiền, và vì thế nó hợp pháp (chính xác hơn thì luật pháp đã được người giàu thiết lập sao cho có lợi cho họ).

Người giàu luôn thích "buy and hold" hơn là "pump and dump", đơn giản chỉ vì họ có quá nhiều tiền. Mỗi khi mua bán, họ không thể mua một lần, vì như vậy tạo ra rất nhiều xáo động, mà họ sẽ mua từng chút một. Ví dụ họ cần mua 100 triệu, thì mỗi ngày họ sẽ mua 100 ngàn, liên tục trong 1000 ngày. Ngay cả việc mua 100 ngàn USD một ngày cũng là vấn đề, nên họ phải chia nhỏ ra một giờ một ít, và đặt lệnh rải đều ra. Nếu nó "pump" quá nhanh, họ sẽ không mua kịp, và như thế không có được cái giá tối ưu mà họ muốn.

Vâng, vì "pump and dump" là kịch bản quá tệ cho họ, còn "buy and hold" là quá tốt cho họ nên chúng ta thấy "pump and dump" là phi pháp mà "buy and hold" là hợp pháp.

Okay, nhưng mà chưa thấy "lừa phỉnh" ở chỗ nào?

Điểm mấu chốt nhất của chiến lược lừa phỉnh "buy and hold" nằm ở chỗ: Nó luôn duy trì một đội ngũ sẵn sàng mua cổ phiếu để đẩy nó lên cao, và đội ngũ này không chịu bán để nó tiếp tục giữ ở mức cao. Điều đặc biệt là đội ngũ đẩy và giữ giá ở mức cao không bao gồm các quỹ của Phố Wall. Vì họ không làm như vậy. Họ hoàn toàn không làm như vậy.

Nhấn mạnh: Phố Wall không hề "buy and hold", họ "trade".

Và một đội ngũ "buy and hold" hùng hậu chính là cái họ cần. Và những kẻ cho họ cơ hội đó, không ai khác chính là những người thường nhẹ dạ cả tin.

Những người này luôn nghĩ "buy and hold" là chiến lược hiệu quả, vì nó đã mang lại cho họ cảm giác chiến thắng khi nó lên giá mỗi ngày. Và dù cho một ngày nó rớt giá thảm thương, họ cũng có hi vọng rằng trong vài ba năm nữa, giá cổ phiếu sẽ phục hồi mà thôi.

Tuy nhiên, cái mà họ đánh mất chính là "chi phí rủi ro". Cái chi phí mà họ đã bỏ lỡ trong vài ba năm ôm mãi một cổ phiếu hết giá trị. Trong khi các quỹ Phố Wall lại tiếp tục giăng bẫy khác, lại trade và lại lời thêm trong cùng thời gian.

Vậy tại sao người thường không thể trade hiệu quả như Phố Wall?

Đây là một vấn đề rất phức tạp. Nhưng tôi nghĩ chung quy lại có 2 vấn đề chính:

Thứ nhất là người thường thiếu thông tin và công cụ. Họ không có thông tin nội bộ của công ty, vì họ không có mối quan hệ nào với công ty đó. Ngay cả công cụ trading của Phố Wall cũng cho phép nó được ưu tiên xử lý lệnh giao dịch hơn, thậm chí nhìn trước các lệnh "chuẩn bị khớp" của người thường là gì để họ có thể chiếm ưu thế. Đấy là những đặc quyền của người giàu.

Thứ hai là người thường thiếu một liên minh cần thiết, bởi vì bất cứ một liên minh nào được hình thành từ cộng đồng nhiều người đều sẽ bị cơ quan công quyền sờ gáy với cáo buộc "thao túng thị trường". Điều này ngược lại với Phố Wall, liên minh của họ hình thành một cách tinh vi hơn nhiều.

Một quỹ như Melvin không hề hoạt động độc lập, mà có các quỹ khác hỗ trợ thông qua việc góp vốn. Đây chính là điểm thú vị nhất.

Melvin không vi phạm luật thao túng, vì nó không kêu gọi mọi người "mua cùng mua, bán cùng bán" để có đủ lượng giao dịch làm thay đổi giá cổ phiếu. Thay vào đó nó nhận được tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư khác, và chủ động mua bán theo ý mình mà vẫn đủ lượng giao dịch làm thay đổi giá cổ phiếu một công ty. Tất nhiên, đến lượt mình, Melvin cũng lại đầu tư ngược lại vào các quỹ khác để các quỹ kia có thể thao túng một cổ phiếu khác.

Như vậy, tất cả các quỹ đều được quy hoạch vào việc thao túng một cổ phiếu nào đó, không ai đụng chạm ai, tất cả đều nhằm mục đích đẩy giá lên cao trước khi chốt lời, và khiến nhiều người mất trắng.

Chiến thuật này chỉ có thể làm được bởi người nhiều tiền, hoặc nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Còn với người thường? Họ chỉ có một cách là kêu gọi lẫn nhau, nhưng phải làm sao mà không bị SEC và FBI điều tra. Và điều này không hề dễ.

r/WSB đã làm điều đó như thế nào?

Nói cho rõ, "điều đó" ở đây là tạo ra xu hướng, mà không cần phải có vốn lớn vào tay một người, không cần nhận sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, cũng không bị SEC và FBI điều tra về "thao túng thị trường".

Cách mà r/WSB làm rất đơn giản: Làm đúng theo luật, làm đúng theo lời khuyên của Phố Wall, nhưng với mục đích không xoay chuyển là đánh bại Phố Wall. Cái đầu tiên là để tránh SEC và FBI, cái thứ hai là để tiếp cận được rất nhiều người (vốn đã quen với tư duy "buy and hold"), và cái thứ 3 là để đảm bảo những người đi theo không bị lừa dối. Họ đã làm đúng tôn chỉ đó, tính đến lúc tôi viết bài này, và dường như chiến thắng đang nằm trong tay họ.

Chỉ bằng cách khuyến khích mọi người tham gia "buy and hold", tung ra thông tin rằng có một ông lớn sẽ chết nếu ai cũng "buy and hold", và khi ông lớn đó chết thì giá sẽ tăng lên nhiều lần, liên minh r/WSB đã thành công trong việc đánh thức lòng tự tôn của người khác, và cả lòng tham của họ nữa. Như vậy, bước "đánh lửa" đã thành công.

Quan trọng vẫn là bước "giữ lửa", được thực hiện bằng cách khuyến khích người ta rút một ít ra để chốt lời. Tôi lấy lại ví dụ cũ đã xài ở phần trước trong series: Giả sử họ mua 100 cổ phiếu ở giá $10, khi giá lên $100 họ bán 20 cổ phiếu, thu lại $2000 trong khi vẫn ôm 80 cổ phiếu tới khi đạt được mục đích sau cùng. Như vậy họ đã biến $1000 thành $2000, số còn lại là lợi nhuận ròng, và không có lý do gì người ta phải bán quá sớm.

Thế nhưng cái chiến thắng thật sự của r/WSB nằm ở chỗ họ đã tìm ra lỗ hổng trong "Lý thuyết trò chơi"

Khái niệm "lý thuyết trò chơi" được lặp lại rất nhiều khi bàn về kinh tế. Các nhà khoa học đều nhìn vấn đề kinh tế dưới góc nhìn của lý thuyết trò chơi, theo đó nhiều người cũng tham gia một trò chơi trao đổi tiền. Và cũng như bao nhiêu trò chơi thông dụng, sau cùng thì cũng có kẻ thắng và người thua.

Tôi rất thích bộ truyện "Trò chơi dối trá" (Liar games), mặc dù không ưa cái kết thúc cụt lủn, nhưng có một bài học mà tôi nhớ mãi...

Trong trò chơi dối trá, có 2 hay nhiều bên được sắp đặt để lừa nhau và lấy tiền của bên kia. Nhưng có một người muốn đánh bại không phải các đối thủ trong trò chơi mà là kẻ đã sắp đặt ra trò chơi. Và cuối cùng, anh ta đã tìm ra cách để khiến trò chơi đó tiếp diễn mãi mãi, có như vậy thì kẻ tổ chức trò chơi mới không còn khả năng duy trì trò chơi nữa, vì chi phí ăn uống của người chơi và các loại chi phí khác. Khi đó, kẻ tổ chức trò chơi mới chào thua.

r/WSB đã tìm ra một cách để đánh bại Phố Wall bằng chính cái luật đo Phố Wall đặt ra.

Vấn đề là, rất có thể sau đó Phố Wall sẽ tác động lên chính quyền Mỹ, ngăn chặn việc tương tự có thể xảy ra, để bảo vệ đế chế Phố Wall được tồn tại mãi trên sự sụp đổ của các công ty và người đân.

Các đối thủ của r/WSB đang làm gì?


Câu hỏi thú vị nhất phải là: Ai là đối thủ của r/WSB? Bài này nói về hành động của các đối thủ đó mà thôi.

1. Melvin và các quỹ hỗ trợ nó

Melvin nổi lên với vai trò là nạn nhân trong cuộc tổng tấn công của r/WSB, chỉ bởi vì... nó quá nổi tiếng.

Melvin Capital nổi tiếng từ lâu với những thương vụ short (bán khống cổ phiếu kiếm lời), ngay trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp giảm quy mô và đóng cửa, nhiều người phải đi xin tiền thất nghiệp, thì Melvin chốt lời đến 50%. Chốt lời rất nhiều, đẩy các doanh nghiệp vào con đường phá sản rất nhiều lần, nhưng không hề bị làm sao.

Chỉ có 2 lần Melvin phải đầu hàng: Lần thứ nhất là short Tesla hồi 2015, và lần thứ hai là lần này: short GameStop 2021.

Tuy nhiên, lần này nó chưa chịu thất bại, vì nó được sự hỗ trợ của Citadel và Point72, và đồng thời có một sự support vô cùng lớn từ phố Wall và các nhà hành pháp Mỹ.

Hành động tiếp theo của Melvin và các quỹ hỗ trợ nó có thể sẽ là lôi kéo các bên khác (đề cập bên dưới) đứng chung chiến tuyến với mình. Mục đích của họ chỉ có một: Kéo sập công ty GameStop để chốt lời.

2. Truyền thông

Đây chính là yếu tố bất ngờ. Truyền thông Mỹ vào thứ 2 và thứ 3 có đưa tin về vụ việc, nhưng bình luận rất ít. Và đột ngột đổi hướng vào thứ 4 ngày 27/1/2021, với các động thái giúp đỡ Melvin.

Đầu tiên, họ đồng loạt đưa tin Melvin đã đóng lệnh short. Việc này nhanh chóng bị r/WSB phản pháo bằng 2 luận điểm:

  • Một là sàn giao dịch chưa mở thì đóng lệnh short kiểu gì?
  • Hai là volume quá thấp so với số liệu được theo dõi bấy lâu của cộng đồng r/WSB.

Tuy nhiên, thông tin trên đã khiến cho premarket rớt giá từ 300 còn 180, nhưng cuối cùng bay trở lại mà còn bay dữ dội hơn khi sàn mở cửa, ở mức 330.

Thứ hai, truyền thông đồng loạt viết bài nhận xét với xu hướng giải thích vụ tăng giá của GameStop này là vi phạm luật. Với họ, nếu cổ phiếu bay từ $15 thành $30 mà không xuống thì là bơm quá mức, nếu tiếp tục lên $60 thì có dấu hiệu vi phạm luật, còn nếu bay đến $330 thì chắc chắn phải là vi phạm luật.

Nhóm r/WSB phản pháo bằng nhận định: Có lẽ với truyền thông, short ở $30 mà không cắt lỗ ở $60 là đúng luật, không cắt lỗ ở $100 cũng đúng luật nốt.

Chung quy lại, vụ việc này chỉ đơn giản là truyền thông đang đứng về phe nào, và vì họ chọn phe Phố Wall, nên những hành vi khiến Phố Wall bị lỗ đều là vi phạm luật, còn những việc khiến người dân mất tiền là đúng luật.

3. Các sàn giao dịch

Trong lúc cuộc chiến cổ phiếu đang diễn ra, các sàn giao dịch hút được rất nhiều tiền từ phí giao dịch. Lẽ dĩ nhiên, họ cần ủng hộ một cuộc chiến lâu dài, vì càng dài càng có lợi cho họ.

Họ đã làm điều đó, cho đến ngày 27/1, đồng loạt nhiều sàn bị tạm ngưng hoạt động, với lý do dịch vụ nặng nề, không kham nổi lượng giao dịch lớn.

Tất nhiên, điều này chỉ đúng cho một số sàn, mà không đúng cho các sàn khác. Bởi vì ở các sàn khác, tình trạng tạm ngưng chỉ diễn ra ở GameStop và các hot stock được đề cập trong r/WSB.

Quả thật là một sự "tình cờ" đến mức khiến người ta cảm thấy sự "hữu ý".

Điều này nhanh chóng được nhận ra bởi một vài người dùng trên r/WSB.

4. Các cơ quan chức năng như SEC, FED, FBI, và cả chính quyền Biden

SEC và FED tuyên bố sẽ theo dõi và điều tra r/WSB, điều này làm lung lay cộng đồng r/WSB vốn tổ chức khá lỏng lẻo và không có một "bộ chỉ huy chiến dịch".

FBI thì như thường lệ không nói gì, nhưng cộng đồng r/WSB biết họ đang theo dõi.

Chính quyền Biden với bà Yellen thì tuyên bố sẽ quan sát tình hình.

Bao nhiêu con mắt đổ dồn và gây áp lực lên một diễn đàn nhỏ bé của những người dân bình thường. Vấn đề là họ có làm gì hay không? Bởi bất cứ động thái hỗ trợ nào của các cơ quan trên cũng đều khiến người ta nghi hoặc về giá trị mà chính quyền Mỹ của Biden đang hỗ trợ: Tự do, dân chủ và bình đẳng.

Nếu các cơ quan chức năng hỗ trợ Melvin và Phố Wall, chẳng khác nào vỗ mặt Biden bảo rằng "ông là kẻ nói dối, xã hội là cần tôn vinh người giàu và giúp họ giàu thêm, còn người nghèo thì phải chết". Hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là: Công bằng của Biden là người giàu phải thắng người nghèo trong mọi hoàn cảnh, nếu người giàu thua thì chính quyền sẽ ép người nghèo phải chết.

5. Đối tượng đặc biệt nhất: Các ngân hàng

Tôi để dành đối tượng này sau cùng vì nó có vẻ ít ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến vụ việc.

Chúng ta cần hiểu hoạt động của ngân hàng là: lấy tiền của người dân gửi vào để đi đầu tư và sinh lợi. Và để giảm tối thiểu rủi ro, ngân hàng đầu tư thông qua hình thức cho vay lấy lãi.

Cho ai vay? Chính là cho các doanh nghiệp vay. Trong các doanh nghiệp đó có rất nhiều các công ty đầu tư. Đến lượt mình, các công ty đầu tư lại đầu tư vào cả các công ty làm ra giá trị và các hedge fund.

Đây mới chính là vấn đề:

  • Người dân gửi tiền cho ngân hàng
  • Ngân hàng đưa tiền cho doanh nghiệp đầu tư
  • Doanh nghiệp đầu tư đưa tiền cho hedge fund và investor fund
  • Hedge fund cầm tiền đi short thị trường

Một cách dễ hiểu, ta sẽ thấy chuỗi dây chuyền:

  • Nếu các hedge fund giật sập, thì các doanh nghiệp đầu tư cũng bị giật sập
  • Nếu doanh nghiệp đầu tư bị sập thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng doanh thu
  • Nếu ngân hàng bị giảm doanh thu thì sẽ giảm tiền lãi trả cho người dân
  • Nếu người dân thấy lãi bị giảm, họ sẽ rút tiền
  • Nếu người dân đồng loạt rút tiền thì ngân hàng hết tiền
  • Nếu ngân hàng không muốn bị sập, họ phải rút tiền từ tất cả các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp sản xuất)
  • Nếu các doanh nghiệp bị rút vốn, họ có thể sẽ bị sập
  • Nếu doanh nghiệp bị phá sản, các quỹ đầu tư cũng sẽ bị sập theo
  • Nếu cả quỹ đầu tư, doanh nghiệp, hedge fund đều bị sập, ngân hàng cuối cùng rồi cũng sẽ bị sập

Điều này quá kinh khủng đối với chính quyền. Và vì thế các cơ quan chức năng đều muốn chặn chuỗi dây chuyền này bằng mọi giá. Nói cách khác, người dân bị các ngân hàng biến thành con tin trong mọi cuộc đối thoại với chính quyền, mà chính quyền không có sự lựa chọn nào khác.

Vấn đề nằm ở chỗ, bao nhiêu lần chính quyền nhảy vào cứu đều chỉ cứu tất cả các bên trừ người dân. Rõ ràng, trong chuỗi mắt xích kia, chỉ cần chặt đứt một mắt xích là đủ để cứu nền kinh tế, vì thế mắt xích người dân cần phải được được đưa lên bàn cân, nhưng không, chính quyền chỉ cứu ngân hàng, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và hedge fund mà thôi. Và tất nhiên, tự gọi đó là "gói giải cứu kinh tế", "giúp người dân vực dậy trong lúc khó khăn", blah blah...

Tạm kết

Cuộc chiến của r/WSB vì vậy mang một màu sắc khác, lớn hơn nhiều: Đó là cuộc chiến của David trước người không lồ Goliath, mà trong đó một cộng đồng r/WSB nhỏ bé với tầm 2 triệu thành viên đương đầu với một lực lượng hùng hậu cả về tiền bạc và quân số, từ hedge fund đến truyền thông, từ Phố Wall đến các nhà hành pháp Mỹ.

Tôi nhớ ở Phố Wall có để bức tượng "Fearless girl", với khuôn mặt đầy thách thức con trâu biểu tượng của phố Wall. Có lẽ là một hình ảnh khá đẹp cho cuộc chiến hiện tại.



Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *