Saturday, January 30, 2021

Gió ngược chiều thì gây ra bão, còn r/WSB và Melvin thì đang tạo ra sóng thần

Tự nhiên ngồi nghĩ xem cái tiêu đề gì cho khác lạ xíu, chọn cái này hi vọng không ai bị chói tai.

Một cơn sóng thần thật sự đã và đang càn quét thị trường chứng khoán Mỹ và các nước. Chỉ vì một chiến địa được lập ra tên GameStop, và hai đối thủ: Một Melvin khổng lồ và đầy quyền lực, đấu với một r/WSB nhỏ bé nhưng đông như đàn ong.

Nói thật thì Melvin cũng không lớn lắm, cũng chỉ là một cái hedge fund, nhưng được hình thành bằng những chuyên gia trading thứ thiệt, những nhà nghiên cứu thị trường sừng sỏ, được hỗ trợ bởi những tỷ phú tốp đầu, những quỹ hưu trí khổng lồ, những chủ ngân hàng giàu có và cả giới truyền thông phủ bóng trên mọi mặt trận. Trông có vẻ không thể đánh bại.

Còn liên minh r/WSB lại là chốn dung thân của một đám người thất bại, thất nghiệp, nghiện game và có người còn nghiện cả phim... à mà thôi, không cần chi tiết ấy cũng nói lên họ là bọn loser rồi.

Nhưng bọn loser đó lại làm một việc truyền cảm hứng cho nhiều người: Dấy binh khởi nghĩa chống lại Wall Street.

Nhắc lại, mục tiêu sau cùng của họ không phải là Melvin, mà là bọn short seller ở Wall Street. Mà ở thành trì Wall Street ấy, cái cửa thành Melvin là cứ điểm quan trọng nhất, và rất tiếc cửa Melvin đó đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, để bọn loser chụp lấy GameStop như món vũ khí tối thượng và tấn công tới tấp.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ nhất

Đó là thời điểm cuối tháng 12/2020, phe liên minh gồm những tay loser hợp lực lại tập trung vào Melvin trên mặt trận GameStop. Melvin cũng biết mình bị nhắm mục tiêu. Và như thường lệ, nó tiếp tục gia tăng áp lực short, vì đó là điều nó đã làm không biết bao nhiêu năm qua. Và đã từng thắng.

Vâng, "đã từng" là từ khóa quan trọng.

Cuộc chiến về giá cứ đẩy tới và đẩy lui liên tục. Cho đến một ngày, một vài tay phân tích loser nào đó phát hiện ra Melvin đã short quá nhiều, và để cover hết đống short đó, Melvin cần rất nhiều tiền đủ để đẩy cổ phiếu GameStop lên cao hơn.

Đây là sai lầm đầu tiên của Melvin: Họ không chịu thất bại khi giá GME vượt qua $20.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ hai

Khi phát hiện thấy nếu Melvin đóng short sẽ đẩy cổ phiếu lên cao, liên minh không còn sợ kịch bản "pump&dump" nữa, họ dồn lực ép Melvin vào thế chân tường. Bởi vì họ biết, ngày mà Melvin và các short seller đầu hàng, ngày chiến thắng của họ, chính là ngày họ bán cổ phiếu ra và chắc chắn lời.

Nói về giá tăng, người mua mua là vì họ nghĩ rằng họ có thể bán ở giá cao hơn, nhưng người mua cũng sợ một ngày giá rớt thì họ bị lỗ. Tâm lý này chính là nguyên nhân để các short seller kiếm ăn. Bằng việc đẩy giá xuống, tạo đà cho những người yếu tâm lý bán tháo và khiến giá rớt sâu hơn. Kịch bản này thành công cũng nhờ việc chia sẻ thông tin giữa những người mua quá kém, họ không đồng nhất với nhau, khiến người này sợ rằng những người còn lại sẽ bán tháo sớm hơn mình và họ lời mình lỗ. Mà dù cho có chia sẻ đi nữa, họ cũng khó lòng mà tin tưởng nhau.

Điều này bị loại bỏ, bởi vì:

  • Thứ nhất, họ có một diễn đàn chung. Gồm toàn những loser lâu năm, và hiểu nhau, và tin nhau.
  • Thứ hai, họ biết rằng thời điểm họ bán chính là lúc các short seller đầu hàng, khi đó họ chắc chắn có lời. Nên họ cần gia tăng áp lực để short seller đầu hàng càng sớm càng tốt.
  • Thứ ba, đoàn kết là sức mạnh. Thực tế nó cũng là công cụ duy nhất để họ thắng.

Không có lý do để đầu hàng, họ bắt đầu gia tăng áp lực, đẩy giá GME lên mức nguy hiểm đối với Melvin: $112.

Đây chính là mức mà nếu đến ngày 29/1/2021 vẫn còn trên mức đó, thì Melvin có thể phải bán thêm các position ở các stock khác về để cover. Nói đơn giản hơn, nếu giá GME đúng mức đó thì Melvin sẽ mất hết toàn bộ tiền đã đặt cọc khi short.

Tuy nhiên, Melvin đã không đầu hàng. Nó thật sự đã đóng các position ở các cổ phiếu khác và dồn cho các mặt trận quan trọng như GME.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ ba

Câu chuyện về một quỹ lớn tại Phố Wall đang phải chật vật chống đỡ khiến nhiều người chú ý. Công cuộc FOMO (fear of missing out - chỉ những người mua cổ phiếu vì chạy theo thời cuộc) ào ạt đổ tới, khiến giá GME điên đảo, biên độ dao động lên đến 50-80% mỗi ngày.

Những chuyên gia của Citron nhìn vào thị trường như vậy, càng đánh giá là thị trường sắp nổ, vì thế Melvin bắt đầu dùng tiền để short mạnh hơn, với hi vọng sẽ thắng lớn.

Ngay cả những thành viên sơ khai của phong trào cũng bắt đầu chốt lời. Nhưng họ không chốt lời hết mà chỉ rút một phần đủ lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mà vẫn giữ một phần lớn cổ phiếu và cố thủ.

Cuối cùng, làn sóng FOMO đã thắng, trong 2 ngày liên tiếp, giá tăng gấp đôi mỗi ngày.

Lúc đó, Melvin đã có thể đầu hàng, mang lại phần thưởng cho những kẻ thắng, và tự phá sản quỹ. Nhưng họ vẫn không đầu hàng. Ngược lại, họ tìm kiếm sự hỗ trợ, từ các quỹ đầu tư khác, giới lobby chính sách lẫn truyền thông.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ tư

Hàng loạt báo chí, quỹ và cả các cơ quan điều tra SEC, FBI lẫn Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức Yellen liên tục dòm ngó vào trường hợp GameStop. Phần lớn với con mắt "đây là pump&dump", tức là đứng về phe Melvin.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của truyền thông, nhiều người hơn đã biết đến cuộc chiến cổ phiếu này. Và họ đã chọn phe. Phần lớn theo phe liên minh. Trong vòng 2 ngày, số thành viên của diễn đàn r/WSB tăng gấp đôi, từ 2 triệu lên 4 triệu. Nhưng trong đó chưa biết ai là bạn ai là thù.

Discord đóng cửa server của WSB, và vì sợ đóng cửa cả Reddit, nhóm điều hành quyết định tạm ngưng diễn đàn để ngừng dòng comment làm xao lãng mục tiêu và công kích cá nhân đang ào ạt tràn vào. Khi cuộc thanh lọc hoàn tất cũng là lúc giá GME premarket lên đến 500.

Với việc số người tham gia tăng khủng khiếp, các broker online bắt đầu gặp vấn đề. Họ không thể cam kết mua đúng giá mà user đã đặt. Nguyên nhân của hiện tượng này là khi trade trên sàn online, giao dịch đó không được thực thi liền mà chuyển về lại cho sàn NYSE để khớp lệnh. Với tình trạng lượng bán ít nhưng mua quá nhiều, chênh lệch giữa giá được quote và giá thực thi bắt đầu trở nên lớn và các broker này không thể cover được nữa. Họ bắt buộc phải làm gì đó.

Nhưng Melvin cũng quyết không đầu hàng. Dù cho các broker lúc đó đang gặp khó khăn về khớp lệnh, chỉ cần Melvin đầu hàng là chấp dứt việc tấn công ngay, nhưng Melvin vẫn không làm.

Melvin quyết không đầu hàng lần thứ năm, hoặc Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ nhất

Để giảm thiểu vấn đề khó khăn khớp lệnh, các broker online bắt đầu làm một việc mà không đụng chạm đến Melvin, thậm chí còn giúp đỡ nó: Robinhood và ETrade cấm mua GME, các sàn còn lại cũng ngăn người dân được vào trade hoặc tốn rất nhiều thời gian để mua GME.

Tôi chẳng hiểu tại sao họ không xử Melvin, mà lại thắt chặt người dùng thông thường. Nhưng nó thật sự đã khiến việc tăng dừng lại. Và liên minh lại kêu gọi "hold, don't sell".

Việc Melvin không đầu hàng lần này lại gây ra một làn sóng khác, còn khủng khiếp hơn: Người dùng, những người dân bình thường được các broker online hứa hẹn về "lấy tiền của người giàu", có cảm giác bị phản bội. Và phải ứng của họ là "hold GME và bán tháo tất cả các cổ phiếu khác".

Có người muốn tăng thêm vũ khí cho cuộc chiến ở GME, có người chỉ muốn rút tiền vì ghét các sàn, có người thì biết rằng 2 nhóm kia sẽ rút ra nên cũng rút ra để "buy the dip" (đợi giá xuống rất thấp rồi bắt đáy). Dù lý do gì đi nữa, việc bán hàng loạt cũng gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Tất cả các phiên giao dịch trong 3 ngày từ Á sang Âu sang Mỹ đều đỏ lòm. À, khoan không phải tất cả, chỉ trừ những cổ phiếu đang trong vùng chiến địa là còn xanh.

Lúc này, các con sói già Wall Street có thể đầu hàng, buông Melvin để nó cùng những quỹ đầu tư cho nó cùng chết, rất có thể nhiều nơi khác cũng bị ảnh hưởng. Nhưng ít ra là để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, họ không làm như vậy.

Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ hai

Đợt rút tiền trên phạm vi toàn cầu kéo dài 3 ngày liên tiếp, với số tiền lên đến 20 tỷ USD mỗi ngày gây ra một hiệu ứng khác: Thị trường hối đoái và chuyển tiền liên quốc gia bị nghẽn.

Như vậy, chỉ trong ngày thứ sáu 29/1/2021, ba vấn đề cùng lúc xuất hiện ảnh hưởng đến giao dịch chứng khoán toàn cầu:

  1. Người ta bán tháo cổ phiếu diện rộng
  2. Giao dịch chứng khoán bị nghẽn và nhiều user không thể giao dịch hoặc giao dịch rất bị hạn chế
  3. Tình trạng rút tiền vẫn diễn ra và cùng bị nghẽn.

Vụ thứ 3 ảnh hưởng trực tiếp đến vụ thứ 2, vì giao dịch online cần rất nhiều thứ, trong đó có việc chuyển đổi tiền trong tích tắt khớp lệnh. Và vì vậy nghẽn giao dịch càng bị nghẽn nặng hơn. Vụ thứ 2 lại ảnh hưởng tâm lý người dùng, khiến hành vi thứ nhất diễn ra còn mạnh hơn.

Cần lưu ý, việc bán tháo này cũng bao gồm luôn cả các quỹ bán tháo cổ phiếu, chỉ để tập trung vào mặt trận GameStop. Tức là cả hai bên của cuộc chiến, liên minh ủng hộ WSB và đội quân ủng hộ short seller đều bán tháo các cổ phiếu khác để có thêm tiền cho cuộc chiến chính. Đây chính là cơn sóng thần mà tôi đề cập trên tiêu đề.

Phố Wall đối mặt với tuần tệ hại nhất từ tháng 10 trở lại. Và không có gì chắc chắn là tuần sau việc bán tháo không dừng lại, Melvin không bị chết và kéo theo nhiều quỹ khác cùng chết, và tình trạng chậm chạp trong việc giao dịch chứng khoán và hối đoái.

Nhưng Phố Wall vẫn chưa chịu đầu hàng.



Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Okay, tôi mà biết được thì đã giàu rồi. Xin miễn bình luận, đợi tuần sau rồi mới biết.

Update 31/1/2021: Giải thích thêm cơn sóng thần ở đề mục "Phố Wall quyết không đầu hàng lần thứ hai".

No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *