1. Tại sao lại là GameStop?
Có rất nhiều giả thiết, chung quy lại thì:
Một là, GameStop có tình hình kinh doanh không đến nổi tệ, giá trị thực lớn hơn nợ, nhưng bị các nhà đầu tư hàng đầu đánh giá thấp.
Hai là, GameStop bị ảnh hưởng nặng do Covid-19.
Ba (và theo mình cũng là lý do quan trọng nhất) là vì r/wallstreetbets (sau đây gọi tắc là WSB) thấy ghét quỹ Melvin Capital, và GameStop ngẫu nhiên trở thành một công cụ để WSB đập Melvin.
Tóm lại là không có gì đặc biệt cả, ngoại trừ việc Melvin short nó quá nhiều, biến GameStop trở thành điểm yếu của Melvin nếu bị tấn công.
2. Vì sao Melvin Capital lại bị nhắm mục tiêu?
Đây cũng là một câu hỏi khó trả lời...
Trên WSB, người ta thường đăng những bài nói quỹ này đang short, quỹ nọ đang short,... mà không nhắm vào bất kỳ một mục tiêu nào. Đến khi ai cũng đề cập đến Melvin (do quỹ này short nhiều quá), mới khiến người ta chú ý.
(Ngoài lề: Thực ra Melvin cũng nổi tiếng từ lâu trong vụ short Tesla và bị vỡ mặt hồi 2015)
3. r/wallstreetbets là cái gì?
Là một diễn đàn trên Reddit, hội tụ của 2 triệu thành viên chia sẻ về stock và option trading. Nhiều người trong đó có lịch sử bị giới tài chính làm sấp mặt và thua lỗ, nên ôm mộng phục thù từ lâu.
Không có ai tổ chức cuộc tấn công cả, chỉ là khi nhiều người cùng chia sẻ một quan điểm và cùng hành động giống nhau thì khiến những kẻ bị họ tấn công sẽ nghiêng ngả. Chính vì vậy, rất khó điều tra ra nguồn gốc của cuộc chiến này.
Mỗi người đóng góp vào cuộc chiến này theo những định hướng khác nhau, nhưng đều có một mục tiêu chung: đẩy giá cổ phiếu GME lên cao. Họ có thể chia làm 2 nhóm chính:
Một là những người vì lý tưởng: Đạp bỏ những sói già phố Wall. Và vì phố Wall nắm giữ quá nhiều tiền, nên trước nay những kẻ thách thức nó đều bị đập nát xương, nhờ vậy quyền lực của phố Wall ngày càng củng cố. Well, tới khi nó bị thách thức không phải từ một người mà từ một nhóm rất đông nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cái này cũng tương tự như con voi và con kiến, voi có thể đạp chết một con kiến dễ dàng, nhưng sẽ chịu thua trước một đàn kiến đông đảo. Đó là triết lý của nhóm thứ nhất.
Nhóm thứ hai là nhóm cơ hội: Thấy kèo thơm thì nhảy vào rồi sẽ chốt lời ở thời điểm nhất định. Mỗi người có một chiến thuật chốt lời khác nhau, nhưng cơ bản thì sẽ không chốt nếu còn cảm thấy giá cổ phiếu còn lên nữa. Nhóm này đông đảo hơn nhóm thứ nhất, và là động lực chính để giá được đẩy lên cao, và vì thế được nhóm thứ nhất kêu gọi tham gia.
Hai nhóm này cộng sinh với nhau. Nhóm 2 chỉ cần biết là nhóm 1 không từ bỏ mục tiêu, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu thì yên tâm mà đẩy giá lên cao nữa. Trong khi nhóm 1 có một lý tưởng cao hơn, mà chỉ đạt được khi nhóm 2 cùng hợp tác. Và khi điều đó xảy ra và duy trì thì đó sẽ là án tử cho các hedge fund đang short GME.
4. Tại sao giá cổ phiếu GME tiếp tục tăng chưa thấy ngừng?
Có 2 động lực để giá tăng:
Một là khi có thêm nhiều người mua cổ phiếu, cũng chính là cộng đồng WSB và những người chạy theo thời cuộc.
Hai là khi các quỹ đang short chấp nhận chịu lỗ mà đóng lệnh short.
Giải thích thêm về lệnh short:
Short là hành động bán khống, tức vay mượn cổ phiếu để bán trước, với hi vọng rằng cổ phiếu sẽ giảm để họ mua lại với giá rẻ hơn và ăn chênh lệch. Như vậy, lệnh short chỉ mang lại lợi nhuận cho người chơi khi thị trường đi xuống, và bị lỗ nếu thị trường chững lại hoặc đi lên.
Thêm nữa là lệnh short thường có giới hạn thời gian, hết thời gian đó, người đang giữ lệnh short phải trả lại số cổ phiếu đã mượn.
Như vậy, kịch bản lỗ xảy ra khi đến ngày phải trả lại cổ phiếu mà giá cổ phiếu còn cao, khi đó người short phải bỏ thêm tiền mua cho đủ số cổ phiếu đã mượn và bán trước đây. Hành động này được gọi là đóng lệnh short, hoặc thanh khoản.
Bản chất của đóng lệnh short này cũng là một lệnh mua, và vì thế khiến giá cổ phiếu sẽ lên tiếp.
Đây chính là điểm yếu mà WSB nhắm vào, bằng cách kêu gọi mọi người mua và giữ nguyên mà không bán với bất cứ lý do gì. Như vậy giá cổ phiếu chỉ có giữ nguyên hoặc đi lên. Và các quỹ đang short, vốn chịu áp lực về thời gian phải thanh khoản, sẽ chỉ còn đường chịu lỗ.
5. Đây là cuộc chiến dài hạn hay ngắn hạn?
Cái này còn tùy vào định nghĩa như thế nào là ngắn hạn... Nhưng chung quy lại thì cuộc chiến đã được khởi động từ nhiều tháng nay, và chỉ trở thành hiện tượng vì một lý do duy nhất:
Thứ sáu, ngày 29 tháng 1 năm 2021 là ngày lệnh short hết hạn.
Tức các quỹ đang short GME bấy lâu, dù muốn dù không đều phải đóng lệnh short, mua lại cổ phiếu bất chấp giá, và gián tiếp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nữa.
Để ép chết các quỹ, ngay trước ngày hết hạn, giá GME cần được đẩy lên rất cao, khiến các quỹ không còn khả năng mua lại cổ phiếu và bị phá sản.
Phá sản các quỹ short là mục tiêu chính của cuộc chiến lần này.
Và nó cũng giống như việc phá sản các công ty niêm yết chứng khoán chính là mục tiêu của các quỹ short.
Có thể hiểu, các quỹ short là con sói đi săn mồi, luôn tìm cách ép chết các công ty để kiếm lời. Nay một cộng đồng cừu quyết định hợp lực húc chết con sói, trước khi con sói kịp làm hại thêm nạn nhân nào khác.
Tất nhiên, rất có thể sói sẽ kéo một bầy để cùng tấn công đàn cừu. Ai biết được bên nào thắng.
6. Động lực để cộng đồng WSB tiếp tục giữ cổ phiếu mà không bán?
Ai là kẻ lợi nhất khi giá cổ phiếu GME lên cao? Đó chính là những người đang nắm giữ nó.
Đó là một nguyên lý bất di bất dịch.
Động lực lớn nhất theo nhận định của tôi chính là vì những người ở WSB đã chốt lời xong xuôi.
Lấy ví dụ như vầy:
Giả sử một người có 1000 USD mua 100 cổ phiếu GME ở giá 10 USD. Khi giá cổ phiếu tăng đến 100 USD, người này bán ra 20 cổ phiếu, và bỏ túi 2000 USD, trong khi vẫn giữ 80 cổ phiếu GME. Nói cách khác, họ đã thành công trong việc nhân đôi tài sản từ 1000 thành 2000 USD. Phần còn lại chính là phần thưởng thêm, và nếu họ biết rằng giá cổ phiếu có thể lên cao hơn nữa, họ không dại gì mà bán 80 cổ phiếu kia, đằng nào thì họ đã chốt lời và không thể lỗ được nữa.
Nguyên nhân họ biết chắc là giá cổ phiếu còn lên nữa là vì cuối cùng thì các quỹ đã bán khống kia phải mua lại cổ phiếu.
Tóm lại
Cùng chờ xem điều gì sẽ diễn ra trong 3 ngày sắp tới, trước khi các short position hết hạn vào thứ 6 tuần này.
No comments:
Post a Comment