Phải công nhận, đây là sự kiện có một không hai.
Rất có thể sau lần này, tất cả các quỹ đều sẽ tìm mọi cách ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa. Với nguồn tài lực khổng lồ, Phố Wall hoàn toàn có thể vận động chính quyền thông qua các luật để giới hạn người chơi, hoặc cấm người chơi liên minh với nhau, hoặc đơn giản là họ cắt lỗ short position ngay khi phát hiện bị tấn công hàng loạt.
Lịch sử đã cho thấy, chưa có lần nào mà kẻ thách thức Phố Wall lại chiến thắng. Nguyên nhân rất đơn giản:
- Nếu kẻ thách thức hoạt động đơn lẻ, kẻ đó không thể có nguồn tài chính dồi dào như Phố Wall. Dù cho kẻ đó có giàu nhất thế giới, với tài sản đến hàng trăm tỷ USD, chỉ cần các quỹ ở Phố Wall liên kết lại, kẻ thách thức sẽ bị làm gỏi.
- Nếu kẻ thách thức lôi kéo được một nhóm người cùng tham gia với mình, kẻ ấy có thể vi phạm vào quy định cấm "pump and dump" của SEC, và như vậy sẽ bị điều tra, rồi tống vào tù, sau này có ra tù cũng không bao giờ được phép tham gia thị trường cổ phiếu nữa.
Sự kiện của r/WSB đặc biệt ở chỗ đó không phải là một mục tiêu đơn lẻ, và họ không chơi chiến thuật "pump and dump". Họ chỉ đơn giản làm theo những gì mà Phố Wall hay "lên mặt dạy đời" người khác, rằng: Hãy cứ "buy and hold".
Vâng, liên minh r/WSB chỉ rủ nhau làm một chuyện là "buy and hold" đúng như Phố Wall khuyên, và giờ chính Phố Wall điên đầu vì điều đó.
"Pump and dump" là gì?
Là đẩy cổ phiếu lên cao, bằng cách kêu gọi người ta mua nó, khi lên đến mức nào đó, những người kêu gọi đầu tiên sẽ bán ra và chốt lời.
Mục đích của chiến thuật này nằm ở chỗ lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự tham lam của đám đông ngu dốt,... mà kiếm lời. Chính vì vậy, hành động này được xem là phạm luật.
Tôi sẽ đề cập lại vấn đề này sau khi nói về "buy and hold".
Tại sao Phố Wall lại khuyên người ta "buy and hold"?
Đây thật sự là chuyện lừa phỉnh.
Ai cũng có lòng tham, và lòng tham thì vô đáy. Ai cũng biết điều đó, và Phố Wall cũng rất hiểu rõ điều đó. Chính vì vậy, Phố Wall luôn khuyên người ta "hãy đầu tư vào giá trị tương lai của công ty", "nếu thấy công ty có giá trị cao hơn hiện tại, hay mua cổ phiếu và giữ nó",...
Chuyện này thoạt đầu thì rất hợp pháp, bởi vì cổ phiếu thì ai thích thì mua, chưa muốn bán thì không bán. Nhưng ẩn đằng sau là một chiến thuật dụ dỗ tinh vi.
Chiến lược dụ dỗ người ta "buy and hold" diễn ra như sau:
- Liên tục kêu gọi mọi người "trading rất nguy hiểm, chỉ dành cho những người có hiểu biết và có khả năng chịu rủi ro, còn người bình thường thì nên mua rồi giữ một thời gian dài". Cái gì nói mãi cũng thành ra chân lý.
- Sử dụng truyền thông để rỉ tai những người bình thường rằng "cổ phiếu công ty A tăng phi mã sau 1 năm", "xét theo phân tích về P/E, về dòng vốn đầu tư, về sản phẩm làm ra thì công ty B có thể sẽ tăng trong năm tới",... Những thông tin như vậy nhằm tạo cảm giác "buy and hold" là một chiến thuật hợp lý, và nhiều người sẽ tham gia vào.
- Những người tham gia chiến thuật "buy and hold" một thời gian sẽ thấy tài sản của họ tăng lên, và họ cảm thấy hạnh phúc, và họ lan truyền chiến dịch này cho những người khác nữa.
- Hạnh phúc này tiếp tục lan tỏa, cho đến một ngày công ty rớt giá cái ào rồi phá sản. Kỳ lạ thay, các quỹ đầu tư đã thoát ra từ lúc nào, và chỉ có những người thường chịu thiệt.
Có thể thấy, chiến lược "buy and hold" này giống hệt như "pump and dump" ngoại trừ 2 điểm khác biệt:
- "Buy and hold" diễn ra trong thời gian dài, "pump and dump" diễn ra nhanh và kết thúc sớm.
- "Buy and hold" được cổ súy bởi những kẻ lắm tiền, và vì thế nó hợp pháp (chính xác hơn thì luật pháp đã được người giàu thiết lập sao cho có lợi cho họ).
Người giàu luôn thích "buy and hold" hơn là "pump and dump", đơn giản chỉ vì họ có quá nhiều tiền. Mỗi khi mua bán, họ không thể mua một lần, vì như vậy tạo ra rất nhiều xáo động, mà họ sẽ mua từng chút một. Ví dụ họ cần mua 100 triệu, thì mỗi ngày họ sẽ mua 100 ngàn, liên tục trong 1000 ngày. Ngay cả việc mua 100 ngàn USD một ngày cũng là vấn đề, nên họ phải chia nhỏ ra một giờ một ít, và đặt lệnh rải đều ra. Nếu nó "pump" quá nhanh, họ sẽ không mua kịp, và như thế không có được cái giá tối ưu mà họ muốn.
Vâng, vì "pump and dump" là kịch bản quá tệ cho họ, còn "buy and hold" là quá tốt cho họ nên chúng ta thấy "pump and dump" là phi pháp mà "buy and hold" là hợp pháp.
Okay, nhưng mà chưa thấy "lừa phỉnh" ở chỗ nào?
Điểm mấu chốt nhất của chiến lược lừa phỉnh "buy and hold" nằm ở chỗ: Nó luôn duy trì một đội ngũ sẵn sàng mua cổ phiếu để đẩy nó lên cao, và đội ngũ này không chịu bán để nó tiếp tục giữ ở mức cao. Điều đặc biệt là đội ngũ đẩy và giữ giá ở mức cao không bao gồm các quỹ của Phố Wall. Vì họ không làm như vậy. Họ hoàn toàn không làm như vậy.
Nhấn mạnh: Phố Wall không hề "buy and hold", họ "trade".
Và một đội ngũ "buy and hold" hùng hậu chính là cái họ cần. Và những kẻ cho họ cơ hội đó, không ai khác chính là những người thường nhẹ dạ cả tin.
Những người này luôn nghĩ "buy and hold" là chiến lược hiệu quả, vì nó đã mang lại cho họ cảm giác chiến thắng khi nó lên giá mỗi ngày. Và dù cho một ngày nó rớt giá thảm thương, họ cũng có hi vọng rằng trong vài ba năm nữa, giá cổ phiếu sẽ phục hồi mà thôi.
Tuy nhiên, cái mà họ đánh mất chính là "chi phí rủi ro". Cái chi phí mà họ đã bỏ lỡ trong vài ba năm ôm mãi một cổ phiếu hết giá trị. Trong khi các quỹ Phố Wall lại tiếp tục giăng bẫy khác, lại trade và lại lời thêm trong cùng thời gian.
Vậy tại sao người thường không thể trade hiệu quả như Phố Wall?
Đây là một vấn đề rất phức tạp. Nhưng tôi nghĩ chung quy lại có 2 vấn đề chính:
Thứ nhất là người thường thiếu thông tin và công cụ. Họ không có thông tin nội bộ của công ty, vì họ không có mối quan hệ nào với công ty đó. Ngay cả công cụ trading của Phố Wall cũng cho phép nó được ưu tiên xử lý lệnh giao dịch hơn, thậm chí nhìn trước các lệnh "chuẩn bị khớp" của người thường là gì để họ có thể chiếm ưu thế. Đấy là những đặc quyền của người giàu.
Thứ hai là người thường thiếu một liên minh cần thiết, bởi vì bất cứ một liên minh nào được hình thành từ cộng đồng nhiều người đều sẽ bị cơ quan công quyền sờ gáy với cáo buộc "thao túng thị trường". Điều này ngược lại với Phố Wall, liên minh của họ hình thành một cách tinh vi hơn nhiều.
Một quỹ như Melvin không hề hoạt động độc lập, mà có các quỹ khác hỗ trợ thông qua việc góp vốn. Đây chính là điểm thú vị nhất.
Melvin không vi phạm luật thao túng, vì nó không kêu gọi mọi người "mua cùng mua, bán cùng bán" để có đủ lượng giao dịch làm thay đổi giá cổ phiếu. Thay vào đó nó nhận được tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư khác, và chủ động mua bán theo ý mình mà vẫn đủ lượng giao dịch làm thay đổi giá cổ phiếu một công ty. Tất nhiên, đến lượt mình, Melvin cũng lại đầu tư ngược lại vào các quỹ khác để các quỹ kia có thể thao túng một cổ phiếu khác.
Như vậy, tất cả các quỹ đều được quy hoạch vào việc thao túng một cổ phiếu nào đó, không ai đụng chạm ai, tất cả đều nhằm mục đích đẩy giá lên cao trước khi chốt lời, và khiến nhiều người mất trắng.
Chiến thuật này chỉ có thể làm được bởi người nhiều tiền, hoặc nhận được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Còn với người thường? Họ chỉ có một cách là kêu gọi lẫn nhau, nhưng phải làm sao mà không bị SEC và FBI điều tra. Và điều này không hề dễ.
r/WSB đã làm điều đó như thế nào?
Nói cho rõ, "điều đó" ở đây là tạo ra xu hướng, mà không cần phải có vốn lớn vào tay một người, không cần nhận sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, cũng không bị SEC và FBI điều tra về "thao túng thị trường".
Cách mà r/WSB làm rất đơn giản: Làm đúng theo luật, làm đúng theo lời khuyên của Phố Wall, nhưng với mục đích không xoay chuyển là đánh bại Phố Wall. Cái đầu tiên là để tránh SEC và FBI, cái thứ hai là để tiếp cận được rất nhiều người (vốn đã quen với tư duy "buy and hold"), và cái thứ 3 là để đảm bảo những người đi theo không bị lừa dối. Họ đã làm đúng tôn chỉ đó, tính đến lúc tôi viết bài này, và dường như chiến thắng đang nằm trong tay họ.
Chỉ bằng cách khuyến khích mọi người tham gia "buy and hold", tung ra thông tin rằng có một ông lớn sẽ chết nếu ai cũng "buy and hold", và khi ông lớn đó chết thì giá sẽ tăng lên nhiều lần, liên minh r/WSB đã thành công trong việc đánh thức lòng tự tôn của người khác, và cả lòng tham của họ nữa. Như vậy, bước "đánh lửa" đã thành công.
Quan trọng vẫn là bước "giữ lửa", được thực hiện bằng cách khuyến khích người ta rút một ít ra để chốt lời. Tôi lấy lại ví dụ cũ đã xài ở phần trước trong series: Giả sử họ mua 100 cổ phiếu ở giá $10, khi giá lên $100 họ bán 20 cổ phiếu, thu lại $2000 trong khi vẫn ôm 80 cổ phiếu tới khi đạt được mục đích sau cùng. Như vậy họ đã biến $1000 thành $2000, số còn lại là lợi nhuận ròng, và không có lý do gì người ta phải bán quá sớm.
Thế nhưng cái chiến thắng thật sự của r/WSB nằm ở chỗ họ đã tìm ra lỗ hổng trong "Lý thuyết trò chơi"
Khái niệm "lý thuyết trò chơi" được lặp lại rất nhiều khi bàn về kinh tế. Các nhà khoa học đều nhìn vấn đề kinh tế dưới góc nhìn của lý thuyết trò chơi, theo đó nhiều người cũng tham gia một trò chơi trao đổi tiền. Và cũng như bao nhiêu trò chơi thông dụng, sau cùng thì cũng có kẻ thắng và người thua.
Tôi rất thích bộ truyện "Trò chơi dối trá" (Liar games), mặc dù không ưa cái kết thúc cụt lủn, nhưng có một bài học mà tôi nhớ mãi...
Trong trò chơi dối trá, có 2 hay nhiều bên được sắp đặt để lừa nhau và lấy tiền của bên kia. Nhưng có một người muốn đánh bại không phải các đối thủ trong trò chơi mà là kẻ đã sắp đặt ra trò chơi. Và cuối cùng, anh ta đã tìm ra cách để khiến trò chơi đó tiếp diễn mãi mãi, có như vậy thì kẻ tổ chức trò chơi mới không còn khả năng duy trì trò chơi nữa, vì chi phí ăn uống của người chơi và các loại chi phí khác. Khi đó, kẻ tổ chức trò chơi mới chào thua.
r/WSB đã tìm ra một cách để đánh bại Phố Wall bằng chính cái luật đo Phố Wall đặt ra.
Vấn đề là, rất có thể sau đó Phố Wall sẽ tác động lên chính quyền Mỹ, ngăn chặn việc tương tự có thể xảy ra, để bảo vệ đế chế Phố Wall được tồn tại mãi trên sự sụp đổ của các công ty và người đân.
No comments:
Post a Comment