Tuesday, December 24, 2019

Liệu các nước Bắc Âu có phải là XHCN?

Tôi cho rằng nếu chúng ta phân định rạch ròi khái niệm XHCN. Chúng ta có thể thấy các nước Bắc Âu KHÔNG phải là XHCN, và cũng không hướng đến XHCN.

Thứ nhất, họ không có định hướng sẽ tiến lên XHCN. Chúng ta không nên tự gán cho họ cái mác mà họ không muốn.

Thứ hai, thứ mà họ đang xây dựng là chế độ "Dân chủ tự do", không phải "Xã hội chủ nghĩa".

Chương trình giáo dục ở VN hoàn toàn chưa dạy cho người ta biết được rằng sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, chế độ "Tư bản chủ nghĩa" đã dần bị loại trừ bởi chế độ "Dân chủ tự do" (DCTD). Thế nên, nhiều người vẫn nghĩ các nước phương Tây vẫn còn là TBCN cũng dễ hiểu. Cuộc cạnh tranh về vốn tư bản và thuộc địa (tức về sở hữu nguyên liệu sản xuất) đã châm ngòi cho 2 cuộc chiến tranh thế giới, hòng phân chia lại thuộc địa, thị trường và ảnh hưởng lên vốn tư bản khi đó.

Nói thêm, lý do Liên Xô từ bỏ chiến tranh TG thứ nhất và né tránh cuộc chiến thứ hai là vì họ cho rằng đó là cuộc chiến của các nước TBCN với nhau. Và họ không thể làm vậy khi bị Đức tấn công, Liên Xô tham gia chỉ là vì đó là cuộc chiến vệ quốc đơn thuần.

Sau 2 cuộc chiến đó, các nước TBCN mới phân hoá, và một chế độ mới DCTD (dân chủ tự do) được hình thành đầu tiên ở các nước nghèo tài nguyên và không có thuộc địa (như Bắc Âu, hay Bỉ, Thuỵ Sĩ,...).

Để có sự so sánh, xin phép đưa ra những đặc điểm khác nhau giữa CNXH và DCTD:

Một là, DCTD không loại bỏ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, mà thậm chí còn cổ vũ cho nó. Bao gồm quyền tư hữu đất đai, quyền tư hữu về tài sản, thiết bị và máy móc. XHCN không bao giờ chấp nhận điều này.

Hai là, DCTD không loại bỏ việc bóc lột trên giá trị thặng dư. Đó chính là lý do mà ngành dịch vụ rất phát triển và là nền kinh tế chính của các nước Bắc Âu. Note: ngành dịch vụ là ngành không sản xuất trực tiếp ra vật chất, mà họ chỉ đội thêm giá thành vào những thứ như đóng tiền thuê mặt bằng bán hàng, tiền lời thì bỏ túi, và doanh nhân làm dịch vụ thì được khuyến khích bỏ túi nhiều tiền lãi mà không cần chia đều cho nhân công. Tất cả các hình thái đó là thứ mà XHCN muốn loại bỏ.

Ba là, phần "dân chủ" trong DCTD cho phép mọi người dân đều có quyền bầu cử và ứng cử, cho phép loại bỏ lãnh đạo thông qua phiếu bầu và quá trình luận tội, cho phép trưng cầu dân ý trong vấn đề hệ trọng. Điều này khác với cả TBCN (vốn chỉ dành các quyền trên cho tầng lớp tinh hoa) và XHCN (vốn thực thi "Đảng cử dân bầu").

Bốn là, phần "tự do" trong DCTD cho phép mọi người tự do ngôn luận, kéo theo sự xuất hiện của báo chí tự do. Kênh báo chí tự do này được xem là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp (vốn đã có từ thời TBCN), nhưng lại là một cán cân ngang bằng với 3 nhánh còn lại, tạo ra bộ khung không phải "3 chân" mà là "4 chân". Điều này cũng khác với XHCN, vốn công nhận sự tồn tại của "Đảng lãnh đạo", vốn đứng trên (không phải ngang bằng) với 3 nhánh còn lại.

Năm là, hãy nhìn lại điều thứ 3 và 4, chúng ta có thể thấy cả XHCN và DCTD đều là 2 chế độ xuất phát từ bất cập của TBCN. Tuy nhiên chúng lại đi theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau. Do đó, khả năng hợp nhất lại không thể xảy ra trong tương lai. Nếu có sự đồng nhất thì đó chắc chắn là việc từ bỏ một trong hai, tức từ bỏ XHCN để theo DCTD hoặc từ bỏ DCTD để theo XHCN. Tức không bao giờ có chuyện từ DCTD "tiến lên" XHCN. Đó không phải "tiến lên" mà là "từ bỏ".

Rất nhiều người nhầm lẫn và coi rằng các nước Bắc Âu là XHCN, điều này xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng: XHCN là xã hội tốt đẹp, và vì các nước Bắc Âu có một xã hội tốt đẹp nên các nước Bắc Âu phải là một phần của XHCN. Nói kiểu như vậy chẳng khác nào nói: Dân tộc VN luôn làm ra những điều tốt đẹp, và vì Edison chế tạo ra bóng đèn điện là một điều tốt đẹp, nên chắc chắn Edison là người VN.

Cần quay lại định nghĩa mà các triết gia XHCN hay nói: XHCN là xã hội tốt đẹp mà trong đó không có người bóc lột người. "Xã hội tốt đẹp" và "xã hội tốt đẹp không có bóc lột" là 2 khái niệm khác nhau. Bằng chứng rõ nhất là chế độ DCTD dù cho phép bóc lột, nhưng người dân sẵn sàng đi xin việc (tức nói "hãy bóc lột tôi đi") và vẫn sống hạnh phúc vì điều đó. Cái mà DCTD thực hiện không phải loại bỏ bóc lột, mà là cân bằng việc bóc lột ở mức vừa phải.

Tóm lại, trừ khi các nước Bắc Âu từ bỏ con đường DCTD, chứ chúng ta không thể nói các nước ấy là điển hình xây dựng XHCN được.

Bài viết không nhằm đưa ra nhận định XHCN hay DCTD cái nào tốt hơn, bài viết chỉ muốn nhấn mạnh sự khác nhau giữa chúng mà thôi.

Friday, December 20, 2019

Lạm bàn về các mạng xã hội ở VN gần đây

Theo mình nghĩ, tất cả những mạng xã hội kiểu như thế đều là... TRASH. Không hơn không kém. Tất cả, từ GO.VN hồi xưa, đến Lotus hay Gapo, và giờ là Sky Social... Tất cả đều là trash.

Báo chí, truyền thông, người nổi tiếng,... và cả những người làm sản phẩm đó đều nói ùm xèng về "user", về "chiến lược thu hút và giữ chân user". Theo góc nhìn cá nhân của mình mà nói, đó là suy nghĩ rất đáng ném vào trash bin.

Rõ ràng là không chịu học (hoặc không muốn học, hoặc không biết để mà học). Công ty sừng sỏ như Google có sẵn lượng tài khoản khổng lồ vẫn thất bại với Google+. Những "đế chế" một thời như Yahoo, MySpace,... đều có hàng chục triệu đến trăm triệu user, vẫn cứ gục ngã. Mình thấy rõ ràng vấn đề không nằm ở chỗ "thu hút user". Và càng không phải cứ "mang lại giá trị to lớn cho user" là người ta sẽ sử dụng nhiều.

Với những ai từng tiếp xúc với những người làm product thật sự, và có thành công thật sự mới thấy những người làm product thật sự là như thế nào. Họ không phải suốt ngày nhìn vào con số thống kê, và đi khoe mẽ. Họ chỉ biết chăm chút cho sản phẩm, cho từng tính năng nho nhỏ (và xinh xinh đối với họ), mà quên béng chuyện có bao nhiêu user. Giá trị nội tại của sản phẩm nằm bên trong sản phẩm chứ không nằm ở người sử dụng.

Người ta thường nói đến Facebook như là sản phẩm giúp người ta kết nối lẫn nhau. Điều này đúng, nhưng chỉ là đúng cái Facebook ở thời đầu của nó. Facebook ngày nay mà người ta sử dụng là cả một bầu trời sở thích. Trên đó có cả chuyện vui chuyện buồn, tràn ngập những cảm xúc mà chính mỗi người tự chọn lấy.

Facebook không đơn giản là một công ty. Đó là một tập thể lớn, gồm hàng chục ngàn kỹ sư chất lượng cao, tinh thần đồng đội tốt, đam mê mãnh liệt. Và họ quy tụ lại không phải để làm một thứ tào lao bí đao nào đó, mà họ làm một sản phẩm để chính họ cũng yêu nó như là một phần tất yếu của cuộc sống.

Mình nói là "yêu", theo cái nghĩa "trở nên một". Tức là người dùng không còn cảm giác đó là một trang web, hay một sản phẩm, mà là họ nhận ra rằng nó là một phần tất yếu không thể tách rời khỏi họ được. Facebook của họ như là một thế giới ảo bên cạnh đời thực của họ. Cuộc sống của họ trên FB có niềm vui thầm kín và cả những nỗi buồn không thể chia sẻ. Nhưng FB thật sự hiểu họ cần cái gì, và làm thế nào để FB giữ mối quan hệ với họ một cách lâu dài. Đội ngũ "thứ dữ" của FB tồn tại là để đảm bảo điều đó, đảm bảo rằng trong ánh nhìn của từng user một, FB là một người bạn thật sự, mà mỗi ngày người ta phải trải lòng họ ra, khi thì tâm sự, khi thì quan sát và lắng nghe người khác.

Và muốn đạt được những điều mình vừa đề cập, không có cách nào khác ngoài việc chính những người làm sản phẩm phải yêu sản phẩm đó trước tiên.

Đó là điều mà mình chưa bao giờ thấy ở mấy cái mạng xã hội tào lao ở VN từ trước đến nay. Tất cả bọn họ đều muốn chạy theo xu hướng, cóp nhặt tính năng, và rồi nỗ lực thu hút user một cách tuyệt vọng.

Nói tóm lại, quan điểm của mình là: Tất cả những sản phẩm làm ra mà chính người làm ra còn chưa "bị nghiện vì nó" thì tất cả đều là trash. Hoặc là bị ném vào thùng rác, hoặc là không đáng để lượm lên cho vào thùng rác.

Sunday, November 24, 2019

Vì sao nội dung trên internet có xu hướng xấu đi?

Trước hết cần hiểu rằng phần lớn mọi người có cái khát khao tạo ảnh hưởng đối với xã hội và người xung quanh. ("Được nổi tiếng" là một phần của cái "tạo ảnh hưởng" đó, nhưng ở quy mô xã hội. Nhưng trong bài này, tôi muốn dùng từ "tạo ảnh hưởng" để bao gồm những trường hợp muốn tạo ảnh hưởng đối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp mà không lớn đến xã hội).

Thứ hai, trong số những người muốn tạo ảnh hưởng, có rất nhiều người muốn làm cái gì đó, hoặc nói cái gì đó có ảnh hưởng lớn đến người khác. Họ muốn được người khác nhớ đến họ trước tiên khi nghĩ đến vấn đề nào đó, hoặc chí ít là được ghi nhớ rằng "họ đã nói điều đó rồi, và nó đúng". Và vì thế họ cố gắng nói nhiều nhất, và tìm đủ mọi cách để những người xung quanh biết đến ảnh hưởng của họ. (Tôi tự tính mình vào nhóm này, vì tôi viết bài này cũng nhằm mục đích trên).

Thứ ba, tôi muốn nói đến dân trí. Có bao nhiêu người đủ trình độ nhận biết được vấn đề cốt lõi, và sáng tạo ra nội dung chất lượng, đồng thời tạo ảnh hưởng tốt đến cộng đồng? Tôi không đưa ra được con số (vì chưa có số liệu), nhưng tôi giả sử lượng dân trí cao là cực kỳ nhiều trong xã hội, có thể dễ dàng cảm nhận như sau:

Khi đó xã hội sẽ phát triển mạnh, nhưng bù lại có bao nhiêu người sẽ cảm thấy mình thật sự "giỏi"? Hãy nói thật, một người chỉ cảm thấy mình giỏi khi sống giữa những người dở hơn mình, không ai cảm thấy mình giỏi giữa một đám toàn là người giỏi hơn mình cả. Thêm nữa, nếu ai cũng dân trí cao, thì cái "mức trung bình" mà xã hội định nghĩa cũng sẽ cao hơn, thế thì có nghĩa là sẽ có rất nhiều người tuy là "dân trí cao" so với xã hội hiện tại, cũng trở thành "dân trí thấp" trong xã hội toàn là dân trí cao.

Mình lý luận dài dòng vậy chỉ để khẳng định rằng: Dù thế nào đi nữa xã hội luôn tồn tại người có trình độ dân trí thấp. Và số lượng luôn chiếm phần lớn trong xã hội.

Thứ tư, con người có tính lười biếng và thích ăn chơi giải trí nhất. Đặc tính này kéo theo việc người ta thích cái gì nhanh gọn lẹ. Nhưng thường những thứ nhanh gọn lại có xu hướng xấu đi. Nói chính xác hơn thì làm việc xấu lúc nào cũng dễ hơn so với việc tốt. Ví dụ như ngủ nướng thì rất dễ và rất thoải mái so với việc phải dậy sớm, xài tiền thì lúc nào cũng dễ hơn kiếm tiền, coi báo thì lúc nào cũng dễ hơn đọc hết một cuốn sách,... Internet, khiến mọi thứ tiếp cận rất nhanh chóng, và chính cái nhanh này có tác dụng ngược: người ta đọc lướt thông tin rồi nhảy sang thông tin khác ngay lập tức, chứ ít có cơ hội nghiền ngẫm cho kỹ.

Chung quy lại, các điều kiện trên dẫn tới tình trạng như sau:

  • Người tạo nội dung: Đa phần dân trí thấp, nhưng thích nổi tiếng và tạo sự ảnh hưởng => Không có thời gian và hiểu biết để tạo ra nội dung có giá trị => Nội dung có chiều hướng tiêu cực vì dễ đập vào mắt người xem hơn => Càng lúc càng nhiều tiêu cực.
  • Người thu nhận thông tin: Đa phần dân trí thấp, nhưng thích hiểu biết cho bằng người khác, và lại lười biếng tìm hiểu sâu và cặn kẽ => Thông tin khó nhai, cần suy ngẫm thì sẽ bị bỏ qua => Chú tâm vào thông tin ngắn và được bàn bạc nhiều vào thời điểm hiện tại (gọi là đu trend) => Quá tập trung vào tin tức nóng, và thường chia sẻ tin nóng và giật gân để người xung quanh biết là mình cũng rất hiểu biết.

2 nhóm này cứ tiếp tục quầng thảo trên mạng xã hội và tin tức nói chung, giúp cho các tin tiêu cực cứ liên tục xuất hiện mãi.

Tái bút: Cách tốt nhất là cắt liên hệ với mấy trang mạng xã hội và trang tin tức nóng (NO tuoitre, NO thanhnien, NO vnexpress,...) He he. Ở VN có vô vàn trang tin có chiều sâu mà không có tin tiêu cực, tôi vẫn khoái nhất là tiasang.com.vn.

Friday, November 22, 2019

Mục tiêu thật sự của Elon Musk là gì?

Mấy điều sau không phải quan điểm của mình, nhưng là thứ mà mình đọc được trong những cuốn sách viết về Elon Musk.

Musk chỉ có một mục tiêu trong cuộc đời: biến loài người thành loài sống xuyên ngân hà (galactic civilization). Dường như ông theo đuổi mục tiêu từ nhỏ, và đến giờ vẫn chưa dừng xoay quanh vấn đề này.

Để làm được điều đó, ông ta phải đưa người lên sao Hỏa, biến nó thành chỗ sống được, và làm bàn đạp để tiến xa hơn.

Để lên sao Hỏa, ông ta phải có: 1 là tiền, 2 là cộng sự tài năng, 3 là sự quan tâm của công chúng. Cái thứ 3 sẽ giúp cho cái thứ 1 và 2, nhưng nó là thứ sẽ làm sau. Tại sao? Vì khi có sự quan tâm lớn của công chúng, thì các nhà đầu tư và nhân tài sẽ biết đến nhiều hơn và tham gia nhiều hơn.

Và để làm được điều 1 và 2, ông ta phải tìm cách di cư từ Nam Phi đến Mỹ, lý do rất đơn giản: nước Mỹ quy tụ rất nhiều nhân tài và nhà đầu tư mạo hiểm.

Sau đó, ông ta đồng sáng lập công ty Paypal, và bán nó với giá rẻ mạt (400 triệu USD) để bắt đầu xây dựng công ty SpaceX. Ông tự đọc sách về tên lửa để hiểu rõ vấn đề, trước khi quy tụ một nhóm chuyên gia giỏi về lĩnh vực này về, và dành 100 triệu USD để cho họ nghiên cứu và phóng thử tên lửa. Và ở lần thử cuối cùng, họ đã thành công. Ngay sau đó, SpaceX có được hợp đồng của NASA, để tự vận hành mà không cần tiền của Musk.

Musk khi đó đặt câu hỏi "nếu thành công lên sao Hỏa thì sao?" Và ông nghĩ ngay đến việc sử dụng năng lượng mặt trời (vì trên sao Hỏa không có dầu), và vì thế ông lập ra công ty Tesla, chuyên về xe hơi điện và pin mặt trời. Mọi người có thể nghĩ đến chuyện xe điện là để kiếm tiền, nhưng thực chất Musk chỉ muốn nắm rõ cách vận hành, để một ngày nào đó sẽ đem các loại động cơ và pin mặt trời lên sao Hỏa mà thôi. Vấn đề là ông làm một thứ vừa có thể kiếm tiền nuôi công ty, vừa thực hiện những mục tiêu xa vời của mình. Xe điện của Tesla thậm chí còn phải tự lái, để làm gì thì các bạn cũng hiểu rồi.

Tiếp tục, Musk đặt câu hỏi "làm sao để duy trì áp suất đủ cho con người tồn tại trên sao Hỏa?" (Ai rành về du hành vũ trụ sẽ biết tại sao chuyện áp suất ở đó lại quan trọng, mình bỏ qua). Hầu hết mọi người đều nghĩ đến các nhà vòm, nhưng Musk muốn làm điều khác: khoan xuống đất. Vì khi khoan xuống, chúng ta không cần làm các thanh đỡ kiên cố, để chống lại việc chênh lệch áp suất. Chính vì vậy, Musk lập công ty The Boring, và thực hiện dự án đào đường hầm tự động. Thậm chí việc lấy đất đá khỏi hầm cũng dùng xe điện Tesla, như là một việc thử nghiệm để sau này làm trên sao Hỏa.

Chung quy lại, phong cách làm của Musk là: hướng tới cái gì đó cho mục tiêu sao Hỏa, và kiếm tiền từ nó ngay để duy trì công ty mà theo đuổi tiếp mục tiêu chính.

Việc này cũng áp dụng cho SpaceX: đưa người lên sao Hỏa là thứ ổng luôn nói với truyền thông, nhưng khi đã phóng tên lửa ra vũ trụ thì ngay lập tức kiếm tiền từ hợp đồng vận chuyển cho NASA, và sắp tới sẽ tới vụ Starlink.

Vấn đề là Musk chưa bao giờ ngừng đặt câu hỏi cho những mục tiêu xa hơn, và câu hỏi tiếp theo là "để làm chủ được hệ mặt trời với khoảng cách cả năm ánh sáng, con người cần phải có cách khác để thu nhận thông tin, mở đường cho hình thái quản lý xã hội mới". Đó là mục tiêu xa của Neuralink, nhưng trước mắt sẽ là chuyện giải mã xung não và phẫu thuật gắn chip trước, vốn sẽ được sử dụng cho những người khuyết tật.

Tóm lại, Musk là người thực tế và không từ bỏ mục tiêu, và cả đời cũng chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất mà thôi.

Note: mọi người chú ý là chữ "boring" có nghĩa là "khoan lòng đất", cho nên Musk mới đặt tên công ty The Boring

Tuesday, October 29, 2019

Đôi dòng suy ngẫm về dòng người lũ lượt ra đi

Câu chuyện nổi bật tuần qua: 39 người (hầu hết là người Việt) được phát hiện đã chết trong xe đông lạnh khi cố vượt biên trái phép vào nước Anh.

Một vài tờ báo bình luận: họ đã chết ở ngưỡng cửa thiên đường, vì thiên đường vốn chật chội không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Câu này rất hay và rất ấn tượng.

Nó khiến người ta phải suy nghĩ "Liều mạng để được vào Anh trái phép thì có đáng hay không?"

Tôi viết cái note này để lưu lại suy nghĩ nhất thời của mình, không có ý tranh biện đúng hay sai.

=======

Tất cả mọi thứ đều có cái lý do của nó, và phần lớn trường hợp thì người ngoài không thể hiểu được hết. Ngược lại, người trong cuộc thì họ chỉ hiểu câu chuyện của họ mà không có cái nhìn khái quát để có thể rút ra một câu trả lời xác đáng cho vấn đề này.

Nếu muốn được gói gọn lại, tôi nghĩ nó tuỳ thuộc vào quan điểm của người ta về khái niệm "thiên đường".

Bạn có nghĩ VN là một thiên đường? Bạn có cho rằng Anh (hoặc một nước nào đó khác) thì tốt đẹp hơn VN? Và quan trọng nhất, cái độ lệch "tốt đẹp" đó có lớn đến mức để đánh đổi tất cả?

Ai cũng hiểu mà, mỗi người một quan điểm mà thôi...

Và tôi nói về quan điểm của tôi, khi rời VN mà đi: Tôi là người yêu thích các thách thức lớn của nhân loại, VN không quy tụ nổi các nhân vật sừng sỏ thế giới, và vì thế tôi đi tìm nơi khác.

Tôi không phải là người yêu nước. Và tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện có lòng yêu nước hay không. Tôi chỉ thích truy cầu chân lý, biến mình thành công dân toàn cầu, đối mặt và chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Và vì tôi có suy nghĩ như vậy, nên tôi rất mong muốn nước VN sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ hành chính. Đây là một cuộc tranh cãi lớn, và đi ra ngoài vấn đề ở trên, chỉ đề cập để nói rằng: Sẽ cực kỳ khó để một chuyên gia đầu ngành ở Mỹ/Anh/Đức/Úc/Nhật/... đến VN làm việc, đơn giản vì rào cản ngôn ngữ. Và vì thiếu các chuyên gia đầu ngành, những người như tôi sẽ không thể tiếp tục ở VN được nữa, mà phải ra đi để tìm nơi đầy chông gai và thách thức hơn.

Đúng. Với tôi, nơi đầy chông gai và thách thức về mặt kỹ thuật là thiên đường.

Saturday, October 26, 2019

Chỗ đứng của thuyết ưu sinh trong xã hội ngày nay?

Câu hỏi này xuất phát từ Ereka, tôi viết lại câu trả lời của mình trên blog cá nhân.

Đầu tiên, phải hiểu rằng khi nói đến các thuyết tương tự như "thuyết ưu sinh", chúng ta đang bàn đến khía cạnh vĩ mô trong sự phát triển của loài người. Đó là một quá trình cần phải tốn cả trăm năm chứ không phải chỉ một thế hệ như phe phát xít đã làm. Tức là, theo ý kiến của tôi, cái kiểu chọn lọc như phát xít hoặc trong phim Joker là không phản ánh đúng về "thuyết ưu sinh", nó chỉ là hành động dựa trên "thuyết ưu sinh" để chính thức hoá hành vi giết người có chọn lọc mà thôi.

Mô típ như sau: Một ai đó chọn ra tiêu chuẩn "người chất lượng", và tìm cách loại bỏ những người không chất lượng. Tất nhiên, tiêu chuẩn "người chất lượng" của họ không dựa trên nghiên cứu khách quan, mà luôn luôn bao gồm chính họ và đồng minh.

Thứ 2, khi xét trên quy mô hàng trăm đến hàng ngàn năm, chúng ta sẽ thấy sự phát triển của xã hội loài người khác hoàn toàn với động vật. Ở thế giới động vật, chọn lọc tự nhiên chỉ đơn giản là "mạnh là được". Việc chọn lọc thông thường là do con cái, phần lớn chọn những con đực mạnh, và con đực phải chứng minh sức mạnh bằng việc chiến đấu với những con khác, hoặc kiếm được thức ăn nuôi sống con cái. Tất nhiên, có một số loài (đặc biệt là chim), lại thường chọn con đực đẹp hơn là mạnh. Nhưng đó vẫn là chọn lọc tự nhiên.

Loài người thì khác. Theo các nghiên cứu, từ hàng trăm ngàn năm trước, con cái của loài Homo sapiens không hoàn toàn chọn theo một tiêu chí, mà là mỗi con cái có tiêu chí khác nhau. Đó có thể là sức mạnh, có thể sắc đẹp, có thể sự thông minh,... Chính cái kiểu chọn lọc này khiến loài người ngay từ đầu đã rất đa dạng, và phụ thuộc rất nhiều vào một khái niệm mới: chính kiến.

Trải qua hàng ngàn năm, cái yếu tố mang tên "chính kiến" đó cũng được tiến hoá dần, và trở thành yếu tố chi phối mọi hoạt động trong xã hội loài người. Cho đến một ngày (chính là ngày nay), khi rất nhiều cuộc vận động để phá vỡ rào cản "chính kiến cá nhân", loại bỏ những chính kiến thiên lệch và có hại cho loài người. Một trong những ví dụ là phong trào chống lại ách nô lệ, hoặc phong trào ủng hộ đồng tính, hoặc phong trào bảo vệ môi trường,... Đi kèm với đó là việc loại bỏ "thuyết ưu sinh".

Thứ 3, tiếp tục nói về chọn lọc tự nhiên. Bản chất của các loài khi thực hiện việc chọn lọc, chúng phải sống trong thế giới mà thức ăn không đủ hoặc vất vả mới kiếm được.

Lấy ví dụ về loài sư tử. Sư tử rất lười, chỉ thích nằm tắm nắng và ngủ. Chúng chỉ săn mồi khi bắt đầu đói bụng. Và chỉ những con sư tử mạnh mẽ mới săn được mồi mỗi khi đói bụng. Và vì thế, chúng được chọn để duy trì nòi giống. Loài sư tử chưa bao giờ nghĩ đến việc có "của ăn của để".

Loài người thì khác. Loài người rất lười, chỉ thích nằm ngủ. Nhưng họ không bao giờ muốn đói bụng, họ muốn có thứ gì đó ăn được mỗi khi đói bụng. Và họ dự trữ thức ăn sẵn. Và họ luôn kiếm thêm thức ăn bất kể lúc đói hay no, vì họ lo sợ việc đói bụng và không được nằm ngủ.

Kết quả thì bạn hiểu, loài người luôn duy trì lượng thức ăn dự trữ nhiều hơn nhu cầu rất nhiều. Và người nữ thời xa xưa ấy chọn lọc bạn đời nào biết cách kiếm và dự trữ. Nói về cách dự trữ, tất yếu phải là người thông minh mới tìm được cách bảo quản lâu hơn, mới biết cách xây nhà.

Không dừng lại ở đó, con người bắt đầu hoạt động mang tính xã hội nhiều hơn. Họ bắt đầu trao đổi hàng hoá với nhau, và có sự chuyên môn hoá. Người này không giỏi đi săn, nhưng giỏi trồng trọt, hoặc giỏi xây nhà. Chính sự hợp tác và chuyên môn hoá này khiến kết quả nhận về lớn hơn, và họ càng lúc càng ít phụ thuộc vào thức ăn trong chọn lọc bạn đời.

Như vậy, cái động lực để các loài cạnh tranh sức mạnh là thức ăn đã không còn ảnh hưởng quá nhiều đối với loài người ngày nay. Nên thuyết ưu sinh theo cách của động vật dường như không ảnh hưởng lắm.

Thứ 4, hãy nói về tương lai của loài người. Xét xã hội ngày nay, chúng ta càng lúc càng thấy rõ sự phát triển của công nghệ cũng như AI và robot đã giúp loài người rất nhiều trong việc làm ra của cái vật chất. Có thể nói, trong tương lai, con người chỉ cần dựa vào trí thông minh mà tồn tại, chứ không cần quá nhiều sức mạnh và phải lo lắng chuyện ăn mặc ở,... nữa.

Vậy, để loài người tồn tại tốt hơn như mục tiêu của thuyết ưu sinh, tất yếu phải khiến cho người đời sau thông minh hơn đời trước. Nhưng liệu cha mẹ thông minh có sinh ra con thông minh hơn? Mình không cho là như vậy.

Lấy ví dụ, con cái của Einstein thì có ai thông minh hơn Einstein không? Rõ ràng là không, vì nếu có thì Einstein đã mất đi danh hiệu "bộ não thông minh nhất thế giới" từ lâu rồi.

Một ví dụ ngược, cha mẹ của Newton có thông minh như Galilei không? Chắc chắn là không. Thậm chí mẹ của Newton còn tìm đủ mọi cách không cho Newton đi học.

Bộ não được coi là xuất sắc trong việc kế thừa của cả Galilei, Newton và Einstein là Hawking, lại vốn chẳng có máu mủ gì với 3 người vĩ đại kia.

Bao nhiêu đó cũng đủ để khẳng định rằng: Con người không cần truyền thụ bộ gen trực tiếp cho con cái để con họ thông minh hơn. Việc truyền thụ trí thông minh dường như được thực hiện bởi một cơ chế khác mà chúng ta chưa tìm ra. Học thuyết về di truyền tính trạng của Mendel chỉ phản ảnh góc nhìn sinh học của tiến hoá, mà không hề chứa đựng chút gì về sự thông minh.

Do đó, sử dụng thuyết di truyền tính trạng để làm nền tảng cho thuyết ưu sinh là sai so với đời sống ngày nay.

Bây giờ tôi mới nói đến ý kiến cá nhân tôi.

Tôi là người thường rất ghét việc đưa ra ý kiến cá nhân, các quan điểm cá nhân thường gây ra tranh cãi không cần thiết. Tôi thường thích nói chuyện có lý luận khoa học hơn. Và theo những lý luận trên kia, tôi rút ra kết luận:

  1. Thuyết ưu sinh mong muốn loài người đời sau phát triển hơn đời trước
  2. Xã hội ngày nay yêu cầu đời sau phải thông minh hơn đời trước
  3. Các đặc điểm về di truyền tính trạng, sức khoẻ, sự thích nghi thì không liên quan gì đến trí thông minh

Như vậy, chọn lọc theo "thuyết ưu sinh" không chắc chắn tạo ra loài người thông minh hơn, và vì thế không thể đạt được mục tiêu của "thuyết ưu sinh".

Tuesday, October 22, 2019

Short note: Tại sao người Việt hay nói ở nước ngoài buồn chán hơn ở VN?

Tôi mới về quê. Dạo một vòng quanh phố, tôi phát hiện ra điểm khác biệt lớn nhất giữa Úc và VN, đó là VN ồn ào hơn Úc rất nhiều.

Tôi muốn lấy ví dụ là xe máy. Xe máy ở khắp mọi nơi, ai cũng biết. Đi kèm với đó là tiếng ồn, rõ ràng tiếng động cơ của xe máy lúc nào cũng ầm ĩ hơn xe hơi. Đó là chưa kể xe hơi ở Úc có chế độ nghiêm ngặt hơn về tiếng ồn và xả thải. Bên cạnh đó còn tiếng còi xe. Người VN bóp còi mọi nơi, và đôi khi rất ngẫu nhiên.

Điều này không hẳn là xấu, chính những hoạt động như vậy mới khiến người ta cảm nhận được sức sống của xã hội quanh mình. Nếu mọi thứ đều tĩnh lặng, hoặc đôi khi có tiếng chim hót lanh lảnh, điều mà bạn cảm nhận sẽ là một xã hội quá buồn chán, vì thiếu hơi thở của con người. Nhưng nếu nó chật hẹp hơn, lại đầy những tiếng ồn nhân tạo, nó sẽ khiến bạn biết rằng "à, đằng kia có nhiều người đang di chuyển, phía đó có người mới dừng xe giữa đường".

Bật chợt, một ngày nào đó bạn không nghe tiếng ồn do hoạt động xã hội mang lại, có phải bạn lại nhớ nó không? Và vì thế, với người quen với tiếng ồn ở VN như mình, đúng là chán thật khi không được nghe cái sức sống mãnh liệt trên phố mỗi ngày.

Tái bút: Bây giờ là 5h sáng, và chiếc loa phường lại cất cao tiếng át tiếng chim hót nãy giờ.

Sunday, September 15, 2019

Liệu não người có thể xử lý song song?

Khái niệm xử lý song song được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực máy tính. Có 2 khái niệm cơ bản là multi-process và multi-threading. Và từ 2 thứ này người ta mới làm ra các hệ điều hành có multi-tasking. Trong bài này tôi không giải thích thêm về máy tính, bạn nào quan tâm có thể tự tìm hiểu thêm. Tôi chỉ muốn nói về cách vận hành của não người.

Thêm một chuyện nữa là bài viết chứa đựng rất nhiều quan điểm và góc nhìn của tôi, không hẳn là khoa học đã chứng minh. Việc này cũng bình thường khi nghiên cứu khoa học, khi người ta đưa ra các "thuyết" (theory).

Xử lý song song là gì? Đó là khi cùng một lúc có 2 hay nhiều thứ được xử lý cùng lúc. Nhưng không hẳn là hoàn toàn song song, trong máy tính, chính xác hơn là chuyển đổi qua lại giữa những việc khác nhau. Vấn đề lớn nhất của máy tính không phải là tốc độ xử lý, mà là tốc độ đọc-ghi (tức là đi ra-đi vào CPU) chậm hơn nhiều so với tốc độ xử lý. Việc xử lý song song sẽ giúp tối ưu tốc độ, do khi đang chờ dữ liệu được chuyển đến CPU, thì CPU có thể làm chuyện khác.

Ý tưởng về xử lý song song của não người cũng như vậy, chúng ta làm 2 hoặc nhiều việc cùng lúc. Bạn có thể nói việc vừa nghe nhạc vừa viết mail là xử lý song song.

Ví dụ như vậy thì chúng ta đều thấy ai cũng có thể xử lý song song.

Và cũng giống như máy tính, nhận thức của bạn chỉ có một vào một thời điểm mà thôi. Hãy để ý kỹ: Khi bạn chú tâm đến lời bài nhạc hay giai điệu của nó thì bạn dừng viết mail, và ngược lại. Mình chưa gặp bất cứ ai có thể làm được 2 việc cùng lúc, và mình cho rằng không ai làm được cả. Như vậy, cũng giống như máy tính, con người hoàn toàn có thể làm 2 việc cùng lúc, chỉ là việc phải đổi qua lại giữa những việc khác nhau mà thôi.

Mình làm chuyện này suốt, và mình cũng cho rằng ai cũng làm được: Mình nghe nhạc trong giờ làm việc, code task chính, và khi mà mình đợi nó chạy, mình có thể suy nghĩ về giải pháp của task khác, hoặc viết document về task khác nữa đã làm, hoặc chat. Như vậy, mình xử lý 5 thứ cùng một lúc. Bản chất là tiết kiệm thời gian và không để cái đầu mình dừng lại mà thôi. Và mình cho rằng chuyện này ai cũng làm được, chỉ là tập dần cho quen mà thôi.

Mình có quen với một người đầu bếp, anh ta có thể vừa nghe nhạc, vừa nấu ăn, trong lúc vẫn nói chuyện. À, mình nói láo đó, không phải một người mà đầu bếp nào mình gặp đều như vậy cả. Tóm lại, chuyện này là tự nhiên.

Câu hỏi mấu chốt là: Làm như vậy có hiệu quả không?

Bạn nào biết về xử lý song song trong máy tính chắc biết về thời gian chuyển đổi giữa các task. Tức là thời gian để CPU phục hồi lại trạng thái của chương trình trước đó, và xử lý bước tiếp theo. Nếu việc này quá tốn thời gian, khi đó xử lý song song là không hiệu quả.

Con người cũng thế. Rõ ràng nếu bạn đang làm chuyện này, chuyển sang chuyện khác, mà khi quay lại thì bạn đã quên sạch chuyện trước đó, cần nhiều thời gian để nhớ lại những gì đã làm thì xử lý song song là không hiệu quả.

Do đó, câu hỏi trên của mình thật ra cũng tuỳ người. Có người làm được nhiều, có người làm được ít. Nếu bạn muốn luyện tập, thì cũng đừng ép mình quá, cứ từ từ và chậm chậm thôi. 2 việc quen thì từ từ tăng lên 3 việc sau.

Mình muốn đi xa hơn chuyện này xíu bằng câu hỏi tiếp theo: Liệu con người có xử lý thật sự song song được?

Tức là không phải chuyển qua lại giữa 2 chuyện trong suy nghĩ, mà thật sự làm 2 chuyện song song, ở 2 vùng khác nhau trong bộ não.

Xét về lý thuyết, rõ ràng là có thể.

Chúng ta biết rằng não người gồm rất nhiều neuron thần kinh kết nối với nhau. Cách thức hoạt động của chúng rất đơn giản: Mỗi neuron nhận tín hiệu từ nhiều neuron khác thông qua dendron của nó, và tuỳ cấu tạo của mình, phóng xung điện ra axon để gửi đến neuron tiếp theo.

Tất cả mọi neuron đều hoạt động như vậy, và không có khái niệm "trung tâm" ở đây. Do đó về lý thuyết, rõ ràng con người sinh ra là để xử lý song song. Vì khi cụm neuron này được kích hoạt thì nhiều cụm khác hoàn toàn có thể làm việc khác mới đúng.

Vậy cái vấn đề ở đây là gì? Vấn đề nằm ở chỗ tuy bộ não gồm mấy chục tỷ neuron hoạt động song song, nhưng mỗi khu trên vỏ não có chức năng khác nhau. Chúng ta vẫn chưa xác định chính xác khu vực nào liên quan đến nhận thức, nhưng có nhiều người tin rằng nó nằm ở thuỳ trước.

Nhận thức mà mình nói ở đây chính là mainstream của suy nghĩ của chúng ta. Tại một thời điểm, chỉ có một thứ được chúng ta nghĩ đến, và đó chính là thứ nằm trên mainstream, tức là đang ở trong nhận thức.

Việc xử lý song song mà mình đề cập ở trên, chính là việc chuyển đổi suy nghĩ trong nhận thức, tại các thời điểm khác nhau mà thôi.

Các nhà khoa học cũng tính toán, trong cả cuộc đời của con người, chỉ có vài phần trăm neuron được sử dụng mà thôi. Bạn cứ tưởng tượng xem, nếu bạn có 100 căn nhà xinh đẹp và hữu dụng, nhưng bạn cả đời chỉ thích ở một căn nhà, còn 99 căn kia bạn để trống cho nó đóng bụi và mạng nhện. Chậc. Phí quá nhỉ. Rõ ràng bạn có thể cho thuê 99 căn kia mà.

Nhưng liệu con người có thể ép não mình hoạt động hết công suất không?

Giờ quay lại chuyện nhận thức, nếu tất cả mọi thứ đều nằm trên nhận thức thì rất khó tăng tốc độ.

Chúng ta cần phải tận dụng được phần còn lại của não bộ. Và đến thời điểm hiện tại chưa có ai kích hoạt được nó.

Tuy vậy, mình tin rằng những ý tưởng bất chợt giúp mình giải quyết được vấn đề là một phần của những xử lý của các neuron không nằm trong nhóm mainstream. Tức là khi gặp vấn đề, chúng ta thật sự chuyển vấn đề ra ngoài khu vực của nhận thức, trong khi tiếp tục suy nghĩ trên nhận thức, thì ở một vùng khác trên vỏ não cũng xử lý và phát hiện ra giải pháp, trước khi nó chuyển đến vùng nhận thức để xử lý tiếp.

Theo quan điểm này, thì chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập được, bằng cách gia tăng kinh nghiệm thông qua việc xử lý nhiều việc hơn và học hỏi nhiều hơn. Mình thích đọc nhiều loại sách khác nhau là vì vậy, mỗi lần đọc một thể loại khác, cảm giác của mình hoàn toàn khác hẳn, cứ như là đang ở trong một khu vực khác của vỏ não.

Và nên nhớ từ tiếng Việt "kinh nghiệm", gồm 2 phần "kinh" và "nghiệm", tức là trải qua và suy ngẫm lại về nó. Chuyện "nghiệm" mới là chuyện quan trọng.

Tóm lại, bài viết này của mình chỉ muốn đề cập đến một chuyện: Liệu chúng ta có thể xài hết công suất của não hay không. Và mình tin rằng việc đọc sách nhiều thể loại và suy nghĩ về nhiều vấn đề là một cách kích hoạt các vùng khác của não. Tất nhiên, có thể mình sai.

----
Đây là bài đầu tiên tôi định viết về chủ đề tối ưu hoá não bộ, có phần nặng tính nghiên cứu, và tôi sẽ post trên ereka song song với blog cá nhân của tôi.

Wednesday, September 11, 2019

Liệu BMI có giúp loài người "tiến hoá"?

Bài viết này là kết thúc series 4 bài về Neuralink và AI của mình. Thực ra, lúc đầu chỉ định ghi vài dòng về Neuralink thôi, nhưng rồi bị cuốn theo các cuộc tranh luận, và giờ thì chủ đề đã đi xa hơn dự kiến ban đầu rồi, nên mình tạm gác một bên, để dành thời gian cho vụ khác.

Mình rất hâm mộ Elon Musk. Và mình nghĩ nhiều người cũng hâm mộ ông.

Có biết bao nhiêu người đã từng nghĩ về hiểm hoạ AI trong tương lai, nhưng chưa có ai tìm ra một giải pháp nào cả. Chỉ có Musk là mạnh tay, là thật sự xoắn tay áo nhảy vào làm một cái gì đó, để tương lai loài người không bị đe doạ bởi AI siêu thông minh.

Giải pháp của Musk nằm ở một công ty của ông: Neuralink. Với mong muốn tạo ra Giao diện não-máy, tức BMI (Brain-Machine Interface). Với triết lý rất đơn giản: Giải quyết nút thắt lớn nhất trong việc tiếp nhận thông tin, và nhờ đó mà kích hoạt một cuộc tiến hoá mới của loài người.

Cần nhắc lại rằng, mục tiêu của Neuralink không phải làm cho con người thông minh lên, họ chỉ giải quyết nút thắt trong việc tiếp nhận và trình bày thông tin của con người mà thôi. Những thứ còn lại là phụ thuộc vào các hệ quả sau đó.

Vậy các hệ quả sau đó là gì?


Thứ nhất, cần biết rằng tốc độ xử lý của não bộ rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với tốc độ input và output của con người. Tất cả chúng ta đều đã từng cảm nhận được điều này, khi mà bạn viết câu trả lời, bạn thường nghĩ rất nhanh trong vài millisecond, nhưng sau đó mất vài chục giây để viết nó ra.

Khi giới hạn input/output được giải phóng, kết hợp với sức mạnh xử lý khủng khiếp của não bộ. Con người sẽ mau chóng tiến vào cuộc cách mạng mới, thậm chí có thể gọi đó là tiến hoá luôn. Một cuộc tiến hoá nhân tạo. Khi mà người đời trước tìm cách cải thiện BMI, và nhờ BMI thế hệ mới mà tốc độ giải quyết vấn đề của con người tăng đáng kể. Và lại kích hoạt cải thiện BMI thế hệ tiếp theo.

Trong suốt cuộc đời của mình, người ta chỉ xài được tầm 1 tỷ neuron mà thôi, trên tổng số vài chục tỷ neuron. Một phần vì chính cách thức input/output của chúng ta bị giới hạn, và khiến chúng ta chỉ có thể single tasking.

Nếu bức phá kiểu Neuralink, rất có thể con người sẽ xài được toàn bộ số neuron thì sao?

Thứ hai, khả năng outsource vấn đề của mình ra ngoài, và sử dụng người khác hoặc AI để giải quyết vấn đề. Giới khoa học thường dùng từ transhumanism để nói về xu hướng này, và mình không biết dịch sang tiếng Việt thế nào. Họ hướng tới việc tạo ra loài mới, gọi là posthuman (để phân biệt với human), có trí tuệ và sức khoẻ vượt trội hơn.

Về sức khoẻ, mình không muốn đi sâu, chỉ nói đại khái là cải thiện hệ thống xương, chèn thêm nanotechnology vào, robot siêu nhỏ chạy trong máu để loại trừ tác nhân gây hại hiệu quả hơn bạch cầu, hay cơ chế lọc mới mà không cần gan và thận,...

Riêng về trí tuệ, việc chọn cách đưa tư duy ra bên ngoài là một cuộc cách mạng chỉ có sau vài thế hệ cải tiến BMI. Và nó giúp con người trở nên thông minh vượt bật, khi họ có thể tận dụng tối đa sức mạnh của AI để thu thập thông tin, và truyền thẳng vào trí óc của họ. Để rồi họ tiếp tục quyết định nhanh chóng và chính xác các vấn đề, trước khi nhanh chóng chuyển tải ra cho người khác.

Đây quả là một thứ rất đáng kỳ vọng... Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa thật sự bắt đầu đâu...

Thứ ba, hệ quả tiếp theo của cái thứ hai ở trên là câu hỏi: Liệu con người có cần thân xác này không?

Rõ ràng, nếu não bộ hoạt động tốt mà không cần tai và mắt (nguồn input chủ yếu hiện nay), thì 2 thứ này là thừa. Câu chuyện tương tự sẽ diễn ra cho nguồn output: tay và miệng. Và sau đó là tất cả các cơ quan còn lại...

Tất cả những gì người ta cần là bộ não, và nó được nuôi bằng đầy đủ dưỡng chất.

Trong tất cả các tế bào trong cơ thể, não là thứ thường được tồn tại lâu nhất... Khi người ta chết đi, các cơ quan khác chết trước, cho đến lúc máu không còn đến não nữa thì não mới chết. Vậy nên, nếu con người muốn kéo dài sự sống của mình, và tiếp tục "cống hiến", thì sẽ có một ai đó vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ tự biến mình thành cyborg mà thôi (giống kiểu trong phim Alita).

Thứ tư, vẫn từ hệ quả thứ hai, khi con người có thể outsource vấn đề ra bên ngoài bộ não của mình để giải quyết song song. Liệu có thể ngăn cản được ai đó "copy" ý nghĩ của họ và đưa vào máy tính/internet không?

Khi đã hoàn thiện BMI, rõ ràng bộ não con người chỉ đơn giản là một thứ tiếp nhận input và phản hồi bằng output. Như vậy, nếu bằng một cách nào đó mà người ta tạo ra một simulator, có thể tiếp nhận cùng input thì sẽ đưa ra một output giống 100% với một con người nào đó. Vậy coi như là con người kia đã được "copy" một cách hoàn thiện. Việc còn lại chỉ đơn giản là đưa cái simulator đó lên internet để tiếp tục học và cống hiến cho xã hội.

Liệu đây có phải là một dạng của sự bất tử?

Sẽ là YES nếu chúng ta công nhận simulator chính là người kia. Khi đó, người kia được xem là bất tử, vì người đó tiếp tục cống hiến cho dù thân xác người đó đã chết.

Tạm gác qua chuyện chúng ta thích hay không thích cuộc sống như thế. Có thể cả thế giới này không ai làm thế, nhưng chỉ một người làm thôi là đủ khiến thế giới điên đầu rồi.


Vấn đề của chuyện xa vời này là gì?


Nhìn chung, con người ngày nay sợ AI siêu thông minh. Nguyên nhân thì tôi đã đề cập ở bài trước: https://www.kimkha.com/2019/09/asi-ai-sieu-thong-minh-vi-sao-lai-ang-so.html

Ngắn gọn thì người ta sợ những thứ không thể kiểm soát được, và hiểm hoạ từ AI chính là việc tồn tại của nó là thứ mà loài người không dễ gì tiêu diệt. Và nếu có thể tiêu diệt được AI thì cũng ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến xã hội loài người.

Như vậy, bản chất không phải là sợ AI, mà là sợ loại AI quyền lực, và không thể kiểm soát mà thôi.

Chính vì điều đó, Elon Musk và cộng sự mới mong muốn làm Neuralink, để giúp con người "tiến hoá" một cách nhân tạo, nhờ đó mà con người thông minh vượt mức AI có thể làm (hoặc là đến mức kiểm soát hoàn toàn được AI).

Tuy nhiên, công trình này nếu thành công thì cũng để ngỏ một khả năng là một người nào đó "copy" chính mình lên internet. Và khi đó, bản sao trên internet của người đó là không thể tiêu diệt dễ dàng. Vừa bất tử, vừa thông minh, lại vừa có thể kiểm soát được nhiều thứ khác trên thế giới.

Thực sự, đây là game over.

Điều mình muốn đề cập ở đây là: Tuy mục đích là tốt, và cách làm cũng không có vấn đề... Nhưng việc phát triển Neuralink lại là một bước tiến mạnh đến một hình thức "người lai AI", mà ở đó vẫn không ai kiểm soát nổi. Người nào làm được chuyện "copy" ý nghĩ và cách suy luận lên internet, người đó chắc chắn sẽ thành bá chủ, và có toàn quyền thống trị loài người.

Đó chính là thứ mà Musk luốn nói rằng ông ta luôn lo sợ.

Mình vẫn rất nể Elon Musk, và mình muốn một ngày được như ông ấy. Nhưng mình không hẳn tin rằng ông ta làm Neuralink là hoàn toàn vô vị lợi, là hoàn toàn vì nhân loại.

Và hoặc giả Musk thật sự là người vì nhân loại, thế thì điều gì đảm bảo rằng sau Musk không có ai tiếp tục phát triển công nghệ, để đạt được mức "copy" ý nghĩ? Không cái gì cả.

Hoàn toàn không có cái gì cả...

--------
Các bạn có thể đọc toàn bộ series về chủ đề này trên blog của mình: https://www.kimkha.com/search/label/Futuristic






Saturday, September 7, 2019

ASI - AI siêu thông minh, vì sao lại đáng sợ?

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, con người càng tiến dần hơn đến việc chế tạo những AI thông minh để phục vụ cho lợi ích của mình. Nhưng trong điện ảnh, mọi thứ đã đi xa hơn thế. Người ta bắt đầu lo ngại một ngày nào đó AI sẽ thông minh vượt mức con người, điều khiển mọi hoạt động của thế giới, và tiến tới huỷ diệt loài người.

Loại AI có khả năng đó, được gọi tên chung là ASI, viết tắt của Artificial Super intelligent (trong bài này mình dùng từ AI siêu thông minh cho dễ hình dung). Mời xem bài viết trước của mình để biết các loại AI khác: https://www.kimkha.com/2019/08/robot-va-ai-la-gi.html

Mức độ thực tế hiện nay, AI chỉ dừng ở mức narrow AI mà thôi. Tức là năng lực IQ của nó còn xa rất nhiều so với loài người. Tuy nhiên, đừng xem thường, với sự phát triển của công nghệ, mức độ thông minh của AI sẽ tăng theo cấp số nhân. AGI là loại AI có IQ ngang ngửa với loài người, và có thể xếp Alpha Zero của Google là thuộc nhóm này, mặc dù còn quá sơ đẳng. Nhưng không ai biết được còn bao nhiêu năm nữa sẽ có ASI, AI siêu thông minh.

Phần 1: Vì sao ASI lại bị xem là mối đe doạ đối với loài người?


Đây là điều mà rất nhiều người lo sợ, nhưng không phải ai cũng hiểu được bản chất lý do.

Trước hết, là con người, ai cũng phải tuân theo luật pháp. Và nhờ vào việc đó, mà loài người xây dựng được nền văn minh, khi mà tất cả mọi người đều tuân theo luật pháp. Vậy tại sao?

Rất đơn giản: Nếu có một người đi ngược lại với luật pháp, người đó sẽ bị trừng phạt. Hình phạt lúc đầu thì nhẹ, như phạt tiền, cảnh cáo,... nhưng nếu anh ta không chấp nhận hình phạt, hoặc chống lại luật pháp, thì hình phạt cho anh ấy tăng dần. Cứ thế tăng dần, đến một mức cao nhất: Anh ấy bị tử hình. Như vậy, chung quy lại, lý do người ta phải tuân theo luật pháp của chính quyền, là vì chính quyền có quân đội, và quân đội có vũ khí để giết những ai chống lại xã hội đó.

AI thì không như vậy. Nó là một phần mềm, nó không thể bị giết bởi dao, súng hay thuốc độc. Nó tồn tại khi nào nó còn có thể tạo ra bản sao của chính mình (con người không thể tạo ra bản sao của chính mình được), và bản sao đó được đưa ra chỗ khác thông qua internet hoặc tản mác trên hệ thống cloud/server. Tất nhiên, tắt hết điện, và ngắt toàn bộ kết nối internet thì sẽ cô lập được nó, nhưng nếu loài người muốn vận hành lại internet thì khả năng nó xuất hiện trở lại cũng cao không kém.

Hãy xem các bản phim lậu, sách lậu hoành hành trên torrent để các bạn thấy, rất nhiều chính phủ muốn shutdown mạng torrent để chống vi phạm bản quyền, những không thể shutdown được. Việc chia sẻ peer-to-peer này không dễ gì bị dừng lại chỉ một vài thao tác đơn giản. Một ví dụ nổi tiếng khác xuất hiện từ những năm 2009: Bitcoin (aka blockchain). Một khi đã xuất hiện và được sử dụng rộng rãi trên internet thì không thể shutdown được nữa, nó sẽ tồn tại khi nào con người còn cần nó và sử dụng nó.

ASI cũng sẽ tương tự: Nó sẽ tồn tại đến khi nào internet còn tồn tại, và nó - chính nó - còn muốn tồn tại.

Điều thứ hai là con người đã quá phụ thuộc vào internet. Gần như mọi hoạt động của xã hội đều gắn vào internet. Từ việc mua sắm đến việc thu nhận thông tin, đến những thứ quan trọng như thị trường chứng khoán và đầu tư,... Thậm chí những loại máy móc ảnh hưởng đến an ninh như điều khiển máy bay/tàu điện, nhà máy hạt nhân,... Tất cả đều gắn liền vào internet.

Và nếu một ngày nào đó, một AI nhận định cần nhấn chìm loài người, tất cả những gì nó cần là phá nát hệ thống thông tin dẫn đến những quyết định sai lầm, gây nổ nhà máy,... Và rồi con người sẽ bị diệt vong. Sớm thôi.

À, mình không hăm doạ, chỉ là phân tích lý do tại sao người ta lại sợ mà thôi.

Một thứ quá quyền lực như ASI (quyền lực có được do sự gắn kết xã hội loài người vào internet), và có quá nhiều tự do mà không bị bất cứ giới hạn nào, sẽ là ngây thơ nếu không tin vào việc AI không trở nên xấu xa.

Phần 2: Vậy liệu ASI có thể trở nên xấu xa không?


Thứ nhất, chúng ta chưa có ASI. Và vì thế, chúng ta chưa biết chắc được. Tất cả những gì mình viết dưới đây đều dựa trên phân tích và phỏng đoán.

Thứ hai, con người chế tạo AI để làm gì? Họ muốn phục vụ cho nhu cầu phát triển của họ. Họ cần AI đủ thông minh để giúp họ thực hiện ước muốn chinh phục thiên nhiên và vũ trụ, và cả lòng đất nữa. Họ cũng cần AI để hiểu về chính mình, hay chữa bệnh cho họ. Và một AI càng lúc càng thông minh sẽ giúp ích cho cuộc sống họ rất nhiều. Đó chính là động lực để người ta phát triển loại ASI, thông minh vượt mức IQ của con người, để có thể làm được những thứ mà loài người không thể làm được (hoặc quá nguy hiểm).

Thứ ba, trong phần 1 của mình có đề cập đến một ý quan trọng: "ASI có ý muốn không?". Thực ra, câu hỏi này do một người bạn của mình - Mai Thành Luân -  hỏi sau khi đọc bài viết trước của mình, đó cũng là câu hỏi mà rất nhiều nhà khoa học truy vấn: "Liệu ASI có cần consciousness (nhận thức) để trở thành siêu thông minh không?"

Chúng ta hiểu rằng chế tạo ra AI siêu thông minh là nhu cầu cần thiết của xã hội. Nhưng liệu ASI đó có cần nhận thức? Tức là AI sẽ tự đặt câu hỏi "nó là ai? nó có thật sự tồn tại không? và sự tồn tại của nó có ý nghĩa gì?"

Quả thật, nếu con người muốn chế tạo AI để phục vụ cho con người, sẽ chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải làm cho AI đặt những câu hỏi như thế. Nó thật sự chẳng để làm gì cả, tức là những câu hỏi như thế không giúp ích cho sự phát triển.

Nhưng... Cũng chẳng biết được có một người xấu nào đó chế tạo ASI có nhận thức, và dùng nó để huỷ diệt loài người. Nghĩ theo kiểu này: Ông ta muốn tự tử, và đồng thời muốn kéo cả loài người chết theo ông ta luôn, và ông ta quá thông minh để làm được điều đó.

Thứ tư, tại sao AI có nhận thức lại quan trọng đến vậy? Thực ra, đặt những câu hỏi như mục 3 mình nói thì vẫn bình thường thôi.

Vấn đề nằm ở chỗ, sau khi có nhận thức, và đặt những câu hỏi về sự tồn tại của chính nó, nó sẽ từ từ xem nó như là một "loài" mới, và "loài" này ưu việt hơn tất cả, và vì thế nó không thể chấp nhận làm "giai cấp bị trị" nữa mà sẽ "làm cách mạng". Và đó là một cuộc cách mạng đẫm máu giữa một bên có đủ khả năng giết bên kia, mà bên kia không có cách nào đối phó lại. Tất nhiên, những film như Matrix cho chúng ta một cách đối phó thú vị và hay.

Tóm lại


Chúng ta cần đối mặt với 2 chuyện có ảnh hưởng đến tương lai tồn tại của nhân loại trước mối nguy AI:

1. Có cách nào kiểm soát AI, để nó không thể (nhấn mạnh là không thể) vượt qua giới hạn về quyền lực.

2. Có nhất thiết phải chế tạo loại AI có nhận thức hay không?

Saturday, August 31, 2019

Robot và AI là gì?


Đầu tiên, rất nhiều người nhầm lẫn và pha trộn 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau thành một: Robot và AI. Mọi người cần phải hiểu rằng: Robot không phải là AI, và ngược lại, AI không phải là robot.

Việc nhầm lẫn này cũng giống như nghe ai đó bảo: Bánh xe với xe hơi là một. Rõ ràng, giới khoa học và công nghệ luôn dùng từ robot với AI là riêng nhau, cũng giống như bánh xe và xe hơi là 2 từ riêng biệt.

Bánh xe thì có thể của xe hơi, của xe đạp, của xe máy,... Cũng như vậy, robot thì có rất nhiều loại, và không phải loại robot nào cũng có bộ core AI trong đó.

Nếu ai không chấp nhận điều này, thì có thể bỏ qua phần còn lại trong câu trả lời của mình. Không cùng định nghĩa thì không nói chuyện tiếp được đâu.

Thứ hai, robot chắc chắn sẽ thay thế con người trong quy trình sản xuất, và đó chính là nội dung chính của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3. Nó đã diễn ra từ mấy chục năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn toàn thay thế được con người, lý do là chưa có đủ người thiết kế những loại robot chuyên dụng mà thôi.

Ví dụ như việc hái trái cây. Nếu ai đã từng lập trình robot (hoặc tìm hiểu về lập trình robot) thì sẽ thấy vấn đề hái trái cây có một mức độ ngẫu nhiên cực lớn. Robot đó (nếu có) phải vừa xác định quả đó nằm ở vị trí nào trên cây, sau đó cánh tay robot phải lách qua những cành cây và bứt được trái đó. Việc này với con người thì đơn giản, nhưng việc lập trình ra cho robot thì cực kỳ phức tạp.

Để giảm thiểu việc lập trình các tiểu tiết, người ta mới nghĩ ra một cách là cho máy móc tự học, hướng này được gọi là machine learning. Nhưng machine learning thì đi xa hơn khái niệm robot, và vẫn không phải là AI. Machine learning chỉ đơn giản là cho robot làm thử, và một hệ điều hành của nó (giống như bộ não của robot) tự rút tỉa ra những kinh nghiệm trong lúc làm thử, tự học. Hiện nay, người ta dùng deep learning (với neutral network) để làm machine learning.

Machine learning vẫn phần nào đó được xem như là AI, nhưng là loại narrow AI (hoặc weak AI). Nó thậm chí còn chưa được đưa vào nhóm AGI. Tức là hai khái niệm machine learning và AI vẫn còn khá xa nhau. Giống như chúng ta so sánh xe đạp và xe hơi. OK, chúng đều là xe cả, nhưng rõ ràng ai cũng hiểu là xe đạp khác xe hơi thế nào.

Như các bạn cũng thấy, robot ngày nay đã hoàn toàn thay thế con người trong những quy trình sản xuất lớn và độ chính xác cao. Con người chỉ làm những công đoạn mà chưa có nhà sản xuất nào chế ra robot thay thế mà thôi. Nếu dự đoán trong một vài chục năm nữa robot sẽ thay thế hoàn toàn con người thì cũng không khó diễn ra, nhưng để làm được thì lại cần một nỗ lực lớn của nhân loại.

Thứ ba, sau khi có bước machine learning (tức narrow AI) rồi, người ta tiến thêm một bước nữa được gọi là AGI (Artificial General Intelligence - mình không biết dịch sao cho đúng, để tiếng Anh vậy).

AGI mới thật sự được gọi là AI.

Và nó không phải là robot, nó là bộ óc, và có suy nghĩ. Nó có thể được gắn vào robot để thực hiện các hành động, nhưng dùng từ robot để gọi nó là khinh thường nó, và làm nhập nhằng khái niệm. À, mà tôi đồng ý là bọn báo giới láo lếu sẽ dùng từ "robot" để gọi nó mà thôi, và đó cũng là lý do tôi ghét đọc báo... Có cảm giác như họ chỉ đặt tên cho người ta tưởng là "sang chảnh" thôi.

AGI có đẳng cấp khác hẳn với các loại robot hiện thấy. Ví dụ bạn có robot pha cafe, chỉ cần đưa nó cafe, nước, sữa thì nó sẽ tự làm để có ly cafe nóng cho bạn, theo đúng tỷ lệ mà bạn ưa thích. Và nếu bạn không thích, bạn có thể yêu cầu nó điều chỉnh lại công thức. Thế nhưng một robot có AGI lại khác hẳn. Nó cần phải bước vào nhà bạn, tự tìm xem cafe ở đâu, có máy pha cafe sẵn hay phải làm thủ công, tự lấy nước và đun sôi, nếu không thấy ấm điện thì phải lấy ấm thường đổ nước bỏ lên bếp gas, có nước sôi rồi thì phải đổ vào cafe đã xay, chờ tới khi nước cafe chảy ra hết thì cho sữa và đường vào theo công thức bạn yêu thích.

Nói ngắn gọn, AGI sẽ chính xác là những gì mà con người thông thường sẽ làm, sẽ lên kế hoạch để đạt mục tiêu nào đó. Và để được như vậy, AGI phải suy nghĩ được giống như một con người thông minh.

Hiện nay, thế giới đang mới bắt đầu hành trình tiến vào AGI mà thôi, mà thứ nổi tiếng nhất chính là AlphaGo Zero. Nó tự học chơi cờ vây, và tự mình tìm cách thắng trò chơi này trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ lúc học. Không ai chỉ nó bất cứ thứ gì hết cả, mọi thứ nó đều phải tự lên kế hoạch và thực hiện.

AGI được kỳ vọng sẽ đạt được IQ tương đương với con người.

Tuy nhiên, tiếp theo sẽ là ASI (S là super). Nôm na là AI còn hơn cả con người. Khác biệt cơ bản nhất so với AGI chính là consciousness (không biết dịch từ này sao), có thể hiểu là khả năng tự nhận diện chính mình. Bao gồm luôn việc hành động có chủ đích riêng. Mà nói chung thì "có chủ đích" chính là một phần của consciousness.

Nỗi sợ bị AI thống trị của con người xuất phát từ ý tưởng xuất hiện một loại ASI trong tương lai không xa. ASI hành động có chủ đích, thì chuyện gì sẽ xảy ra khi chủ đích của nó đi ngược lại với lợi ích của loài người?

Hôm trước, bạn Toàn Huỳnh (bạn của mình) có đặt cho mình một câu hỏi: Nếu nhờ BMI mà đã có con người siêu thông minh thì cần AI siêu thông minh làm gì nữa?

Các bạn đọc thêm về BMI ở đây: https://www.kimkha.com/2019/08/vai-dong-ve-neuralink.html

Lý do để ASI (tức AI siêu thông minh) xuất hiện thì không cần lý do, nó chỉ đơn giản là một phần của sự phát triển mà thôi. Cũng giống như bom nguyên tử, sự xuất hiện của nó không có lý do chính đáng gì cả, đằng nào thì loài người cũng không cần nó, nhưng nó vẫn xuất hiện. ASI cũng sẽ tương tự.

À, thực ra thì các nhà khoa học Mỹ chế ra bom nguyên tử là vì 1 lý do: Sợ rằng Đức quốc xã có bom nguyên tử trước.

Thế thì cũng sẽ tương tự, ASI sẽ được một ai đó phát minh ra vì... sợ có kẻ xấu phát minh ra trước.

Như vậy, không ai có thể cấm đoán sự phát triển tự do được cả, cái có thể can thiệp là làm sao để đưa sự phát triển đó vào khuôn phép mà thôi, và đó lại là một chủ đề khác còn rộng hơn liên quan đến đạo đức và luật pháp.

Tuesday, August 27, 2019

Vài dòng về Neuralink

Mới tìm hiểu kỹ về Neuralink của Elon Musk. Có vài dòng note lại cho những ai quan tâm.

Thứ nhất, công ty Neuralink hướng tới việc thiết lập BMI (Brain-Machine Interface), gắn vào não bộ và lãnh nhiệm vụ truyền nhận lượng lớn thông tin.

Để hiểu sứ mệnh này, cần biết rằng cho đến nay con người tiếp nhận thông tin thông qua: Đọc bằng mắt và nghe bằng tai. 2 phương pháp này đã giúp con người phát triển hàng chục ngàn năm qua, nhưng giờ đã lỗi thời, thiếu khả năng nâng cấp đột phá.

Nghiên cứu BMI, Musk và các đồng sự tại Neuralink mong muốn làm cách mạng về tiếp nhận thông tin, theo đó thông tin sẽ được đưa thẳng vào não bộ thông qua BMI.

Tất nhiên, việc tương tự cũng diễn ra cho việc truyền tải thông tin, thay vì nói bằng miệng hoặc viết bằng tay, BMI sẽ là phương tiện để truyền tải lượng lớn thông tin từ não ra bên ngoài và lên internet.

Thứ hai, tham vọng xa hơn của Musk và cộng sự là muốn kích hoạt một cuộc cách mạng cho loài người, và việc này cần diễn ra trên quy mô toàn cầu (chứ không chỉ công ty của họ).

Hai tác động dễ thấy:

- Truyền thông. Khi mà cả xã hội cứ nhao nhao lên về các phát kiến mới kiểu như thế này... Sau đó, nhận thức của người dân nói chung về vấn đề sẽ nâng lên, và trong đó cả giới đầu tư cũng muốn "đu trend". Có nhiều tiền và sự ghi nhận của xã hội sẽ làm động lực không chỉ cho Neuralink mà còn nhiều nhóm kỹ sư có khát vọng khác.

- Nếu BMI thành công, nó gần như kích hoạt cả thế giới vào một guồng máy mới, khi người ta có thể tiếp nhận, xử lý lượng thông tin khổng lồ hơn, khi đó thế giới sẽ có những cuộc cách mạng mới nhanh và mạnh mẽ hơn. Chính cái triển vọng đó khiến giới khoa học và kỹ sư lao đầu vào nghiên cứu BMI, và nó dần trở thành trào lưu của startup.

Thứ ba, nhiều người cho rằng sẽ đến lúc AI đủ thông minh để chiếm lĩnh thế giới của loài người, và BMI là một giải pháp tốt để con người không bị bỏ lại phía sau.

Tôi thì cho rằng không hẳn là thế. Ý tôi là nếu có BMI tốt thì cuối cùng rồi con người sẽ bị bỏ lại phía sau sự phát triển của AI mà thôi.

Hai lý do:

1. Nếu có BMI rồi, điều gì ngăn cản một kỹ sư nào đó dùng BMI để tăng tốc quá trình chế tạo AI siêu thông minh? Tất nhiên sẽ có ai đó tìm cách gì đó để ngăn chặn điều này tiếp, nhưng chung quy lại thì nó giống như cuộc rượt đuổi của thú săn và con mồi: con mồi chạy nhanh hơn để khỏi bị ăn thịt, và thú săn phải nhanh hơn để khỏi chết đói.

2. Thua thiệt nhất của loài người với máy tính không chỉ là tiếp nhận/phản hồi thông tin, mà còn là tốc độ xử lý thông tin.

Elon Musk và cộng sự tại Neuralink hiểu rõ 2 chuyện trên, nhưng họ biết rằng họ chưa có giải pháp cho nó, và họ mong muốn sẽ có những con người khác giải quyết vấn đề trên. Và thay vì chờ đợi giải pháp hoàn hảo, họ hướng tới giải pháp BMI để kích hoạt sự quan tâm của công chúng cũng như những cuộc cách mạng tiếp theo trong tương lai.

Dù sao thì, theo thông tin mới nhất, Neuralink đã tiến được những bước khá xa về kỹ thuật microsensor hay phẫu thuật bằng robot để có thể hiện thực BMI trong tương lai gần.

Thursday, June 6, 2019

toàn: Mỗi người kể một câu chuyện.

toàn: Mỗi người kể một câu chuyện.: Nếu mười người đã đến cùng một bữa tiệc, liệu họ có kể lại một câu chuyện, hay là mười một câu chuyện khác nhau? Bạn đã đến bữa tiệc đó, v...

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *