Wednesday, September 11, 2019

Liệu BMI có giúp loài người "tiến hoá"?

Bài viết này là kết thúc series 4 bài về Neuralink và AI của mình. Thực ra, lúc đầu chỉ định ghi vài dòng về Neuralink thôi, nhưng rồi bị cuốn theo các cuộc tranh luận, và giờ thì chủ đề đã đi xa hơn dự kiến ban đầu rồi, nên mình tạm gác một bên, để dành thời gian cho vụ khác.

Mình rất hâm mộ Elon Musk. Và mình nghĩ nhiều người cũng hâm mộ ông.

Có biết bao nhiêu người đã từng nghĩ về hiểm hoạ AI trong tương lai, nhưng chưa có ai tìm ra một giải pháp nào cả. Chỉ có Musk là mạnh tay, là thật sự xoắn tay áo nhảy vào làm một cái gì đó, để tương lai loài người không bị đe doạ bởi AI siêu thông minh.

Giải pháp của Musk nằm ở một công ty của ông: Neuralink. Với mong muốn tạo ra Giao diện não-máy, tức BMI (Brain-Machine Interface). Với triết lý rất đơn giản: Giải quyết nút thắt lớn nhất trong việc tiếp nhận thông tin, và nhờ đó mà kích hoạt một cuộc tiến hoá mới của loài người.

Cần nhắc lại rằng, mục tiêu của Neuralink không phải làm cho con người thông minh lên, họ chỉ giải quyết nút thắt trong việc tiếp nhận và trình bày thông tin của con người mà thôi. Những thứ còn lại là phụ thuộc vào các hệ quả sau đó.

Vậy các hệ quả sau đó là gì?


Thứ nhất, cần biết rằng tốc độ xử lý của não bộ rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với tốc độ input và output của con người. Tất cả chúng ta đều đã từng cảm nhận được điều này, khi mà bạn viết câu trả lời, bạn thường nghĩ rất nhanh trong vài millisecond, nhưng sau đó mất vài chục giây để viết nó ra.

Khi giới hạn input/output được giải phóng, kết hợp với sức mạnh xử lý khủng khiếp của não bộ. Con người sẽ mau chóng tiến vào cuộc cách mạng mới, thậm chí có thể gọi đó là tiến hoá luôn. Một cuộc tiến hoá nhân tạo. Khi mà người đời trước tìm cách cải thiện BMI, và nhờ BMI thế hệ mới mà tốc độ giải quyết vấn đề của con người tăng đáng kể. Và lại kích hoạt cải thiện BMI thế hệ tiếp theo.

Trong suốt cuộc đời của mình, người ta chỉ xài được tầm 1 tỷ neuron mà thôi, trên tổng số vài chục tỷ neuron. Một phần vì chính cách thức input/output của chúng ta bị giới hạn, và khiến chúng ta chỉ có thể single tasking.

Nếu bức phá kiểu Neuralink, rất có thể con người sẽ xài được toàn bộ số neuron thì sao?

Thứ hai, khả năng outsource vấn đề của mình ra ngoài, và sử dụng người khác hoặc AI để giải quyết vấn đề. Giới khoa học thường dùng từ transhumanism để nói về xu hướng này, và mình không biết dịch sang tiếng Việt thế nào. Họ hướng tới việc tạo ra loài mới, gọi là posthuman (để phân biệt với human), có trí tuệ và sức khoẻ vượt trội hơn.

Về sức khoẻ, mình không muốn đi sâu, chỉ nói đại khái là cải thiện hệ thống xương, chèn thêm nanotechnology vào, robot siêu nhỏ chạy trong máu để loại trừ tác nhân gây hại hiệu quả hơn bạch cầu, hay cơ chế lọc mới mà không cần gan và thận,...

Riêng về trí tuệ, việc chọn cách đưa tư duy ra bên ngoài là một cuộc cách mạng chỉ có sau vài thế hệ cải tiến BMI. Và nó giúp con người trở nên thông minh vượt bật, khi họ có thể tận dụng tối đa sức mạnh của AI để thu thập thông tin, và truyền thẳng vào trí óc của họ. Để rồi họ tiếp tục quyết định nhanh chóng và chính xác các vấn đề, trước khi nhanh chóng chuyển tải ra cho người khác.

Đây quả là một thứ rất đáng kỳ vọng... Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa thật sự bắt đầu đâu...

Thứ ba, hệ quả tiếp theo của cái thứ hai ở trên là câu hỏi: Liệu con người có cần thân xác này không?

Rõ ràng, nếu não bộ hoạt động tốt mà không cần tai và mắt (nguồn input chủ yếu hiện nay), thì 2 thứ này là thừa. Câu chuyện tương tự sẽ diễn ra cho nguồn output: tay và miệng. Và sau đó là tất cả các cơ quan còn lại...

Tất cả những gì người ta cần là bộ não, và nó được nuôi bằng đầy đủ dưỡng chất.

Trong tất cả các tế bào trong cơ thể, não là thứ thường được tồn tại lâu nhất... Khi người ta chết đi, các cơ quan khác chết trước, cho đến lúc máu không còn đến não nữa thì não mới chết. Vậy nên, nếu con người muốn kéo dài sự sống của mình, và tiếp tục "cống hiến", thì sẽ có một ai đó vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ tự biến mình thành cyborg mà thôi (giống kiểu trong phim Alita).

Thứ tư, vẫn từ hệ quả thứ hai, khi con người có thể outsource vấn đề ra bên ngoài bộ não của mình để giải quyết song song. Liệu có thể ngăn cản được ai đó "copy" ý nghĩ của họ và đưa vào máy tính/internet không?

Khi đã hoàn thiện BMI, rõ ràng bộ não con người chỉ đơn giản là một thứ tiếp nhận input và phản hồi bằng output. Như vậy, nếu bằng một cách nào đó mà người ta tạo ra một simulator, có thể tiếp nhận cùng input thì sẽ đưa ra một output giống 100% với một con người nào đó. Vậy coi như là con người kia đã được "copy" một cách hoàn thiện. Việc còn lại chỉ đơn giản là đưa cái simulator đó lên internet để tiếp tục học và cống hiến cho xã hội.

Liệu đây có phải là một dạng của sự bất tử?

Sẽ là YES nếu chúng ta công nhận simulator chính là người kia. Khi đó, người kia được xem là bất tử, vì người đó tiếp tục cống hiến cho dù thân xác người đó đã chết.

Tạm gác qua chuyện chúng ta thích hay không thích cuộc sống như thế. Có thể cả thế giới này không ai làm thế, nhưng chỉ một người làm thôi là đủ khiến thế giới điên đầu rồi.


Vấn đề của chuyện xa vời này là gì?


Nhìn chung, con người ngày nay sợ AI siêu thông minh. Nguyên nhân thì tôi đã đề cập ở bài trước: https://www.kimkha.com/2019/09/asi-ai-sieu-thong-minh-vi-sao-lai-ang-so.html

Ngắn gọn thì người ta sợ những thứ không thể kiểm soát được, và hiểm hoạ từ AI chính là việc tồn tại của nó là thứ mà loài người không dễ gì tiêu diệt. Và nếu có thể tiêu diệt được AI thì cũng ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến xã hội loài người.

Như vậy, bản chất không phải là sợ AI, mà là sợ loại AI quyền lực, và không thể kiểm soát mà thôi.

Chính vì điều đó, Elon Musk và cộng sự mới mong muốn làm Neuralink, để giúp con người "tiến hoá" một cách nhân tạo, nhờ đó mà con người thông minh vượt mức AI có thể làm (hoặc là đến mức kiểm soát hoàn toàn được AI).

Tuy nhiên, công trình này nếu thành công thì cũng để ngỏ một khả năng là một người nào đó "copy" chính mình lên internet. Và khi đó, bản sao trên internet của người đó là không thể tiêu diệt dễ dàng. Vừa bất tử, vừa thông minh, lại vừa có thể kiểm soát được nhiều thứ khác trên thế giới.

Thực sự, đây là game over.

Điều mình muốn đề cập ở đây là: Tuy mục đích là tốt, và cách làm cũng không có vấn đề... Nhưng việc phát triển Neuralink lại là một bước tiến mạnh đến một hình thức "người lai AI", mà ở đó vẫn không ai kiểm soát nổi. Người nào làm được chuyện "copy" ý nghĩ và cách suy luận lên internet, người đó chắc chắn sẽ thành bá chủ, và có toàn quyền thống trị loài người.

Đó chính là thứ mà Musk luốn nói rằng ông ta luôn lo sợ.

Mình vẫn rất nể Elon Musk, và mình muốn một ngày được như ông ấy. Nhưng mình không hẳn tin rằng ông ta làm Neuralink là hoàn toàn vô vị lợi, là hoàn toàn vì nhân loại.

Và hoặc giả Musk thật sự là người vì nhân loại, thế thì điều gì đảm bảo rằng sau Musk không có ai tiếp tục phát triển công nghệ, để đạt được mức "copy" ý nghĩ? Không cái gì cả.

Hoàn toàn không có cái gì cả...

--------
Các bạn có thể đọc toàn bộ series về chủ đề này trên blog của mình: https://www.kimkha.com/search/label/Futuristic






No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *