Sunday, November 24, 2019

Vì sao nội dung trên internet có xu hướng xấu đi?

Trước hết cần hiểu rằng phần lớn mọi người có cái khát khao tạo ảnh hưởng đối với xã hội và người xung quanh. ("Được nổi tiếng" là một phần của cái "tạo ảnh hưởng" đó, nhưng ở quy mô xã hội. Nhưng trong bài này, tôi muốn dùng từ "tạo ảnh hưởng" để bao gồm những trường hợp muốn tạo ảnh hưởng đối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp mà không lớn đến xã hội).

Thứ hai, trong số những người muốn tạo ảnh hưởng, có rất nhiều người muốn làm cái gì đó, hoặc nói cái gì đó có ảnh hưởng lớn đến người khác. Họ muốn được người khác nhớ đến họ trước tiên khi nghĩ đến vấn đề nào đó, hoặc chí ít là được ghi nhớ rằng "họ đã nói điều đó rồi, và nó đúng". Và vì thế họ cố gắng nói nhiều nhất, và tìm đủ mọi cách để những người xung quanh biết đến ảnh hưởng của họ. (Tôi tự tính mình vào nhóm này, vì tôi viết bài này cũng nhằm mục đích trên).

Thứ ba, tôi muốn nói đến dân trí. Có bao nhiêu người đủ trình độ nhận biết được vấn đề cốt lõi, và sáng tạo ra nội dung chất lượng, đồng thời tạo ảnh hưởng tốt đến cộng đồng? Tôi không đưa ra được con số (vì chưa có số liệu), nhưng tôi giả sử lượng dân trí cao là cực kỳ nhiều trong xã hội, có thể dễ dàng cảm nhận như sau:

Khi đó xã hội sẽ phát triển mạnh, nhưng bù lại có bao nhiêu người sẽ cảm thấy mình thật sự "giỏi"? Hãy nói thật, một người chỉ cảm thấy mình giỏi khi sống giữa những người dở hơn mình, không ai cảm thấy mình giỏi giữa một đám toàn là người giỏi hơn mình cả. Thêm nữa, nếu ai cũng dân trí cao, thì cái "mức trung bình" mà xã hội định nghĩa cũng sẽ cao hơn, thế thì có nghĩa là sẽ có rất nhiều người tuy là "dân trí cao" so với xã hội hiện tại, cũng trở thành "dân trí thấp" trong xã hội toàn là dân trí cao.

Mình lý luận dài dòng vậy chỉ để khẳng định rằng: Dù thế nào đi nữa xã hội luôn tồn tại người có trình độ dân trí thấp. Và số lượng luôn chiếm phần lớn trong xã hội.

Thứ tư, con người có tính lười biếng và thích ăn chơi giải trí nhất. Đặc tính này kéo theo việc người ta thích cái gì nhanh gọn lẹ. Nhưng thường những thứ nhanh gọn lại có xu hướng xấu đi. Nói chính xác hơn thì làm việc xấu lúc nào cũng dễ hơn so với việc tốt. Ví dụ như ngủ nướng thì rất dễ và rất thoải mái so với việc phải dậy sớm, xài tiền thì lúc nào cũng dễ hơn kiếm tiền, coi báo thì lúc nào cũng dễ hơn đọc hết một cuốn sách,... Internet, khiến mọi thứ tiếp cận rất nhanh chóng, và chính cái nhanh này có tác dụng ngược: người ta đọc lướt thông tin rồi nhảy sang thông tin khác ngay lập tức, chứ ít có cơ hội nghiền ngẫm cho kỹ.

Chung quy lại, các điều kiện trên dẫn tới tình trạng như sau:

  • Người tạo nội dung: Đa phần dân trí thấp, nhưng thích nổi tiếng và tạo sự ảnh hưởng => Không có thời gian và hiểu biết để tạo ra nội dung có giá trị => Nội dung có chiều hướng tiêu cực vì dễ đập vào mắt người xem hơn => Càng lúc càng nhiều tiêu cực.
  • Người thu nhận thông tin: Đa phần dân trí thấp, nhưng thích hiểu biết cho bằng người khác, và lại lười biếng tìm hiểu sâu và cặn kẽ => Thông tin khó nhai, cần suy ngẫm thì sẽ bị bỏ qua => Chú tâm vào thông tin ngắn và được bàn bạc nhiều vào thời điểm hiện tại (gọi là đu trend) => Quá tập trung vào tin tức nóng, và thường chia sẻ tin nóng và giật gân để người xung quanh biết là mình cũng rất hiểu biết.

2 nhóm này cứ tiếp tục quầng thảo trên mạng xã hội và tin tức nói chung, giúp cho các tin tiêu cực cứ liên tục xuất hiện mãi.

Tái bút: Cách tốt nhất là cắt liên hệ với mấy trang mạng xã hội và trang tin tức nóng (NO tuoitre, NO thanhnien, NO vnexpress,...) He he. Ở VN có vô vàn trang tin có chiều sâu mà không có tin tiêu cực, tôi vẫn khoái nhất là tiasang.com.vn.

Friday, November 22, 2019

Mục tiêu thật sự của Elon Musk là gì?

Mấy điều sau không phải quan điểm của mình, nhưng là thứ mà mình đọc được trong những cuốn sách viết về Elon Musk.

Musk chỉ có một mục tiêu trong cuộc đời: biến loài người thành loài sống xuyên ngân hà (galactic civilization). Dường như ông theo đuổi mục tiêu từ nhỏ, và đến giờ vẫn chưa dừng xoay quanh vấn đề này.

Để làm được điều đó, ông ta phải đưa người lên sao Hỏa, biến nó thành chỗ sống được, và làm bàn đạp để tiến xa hơn.

Để lên sao Hỏa, ông ta phải có: 1 là tiền, 2 là cộng sự tài năng, 3 là sự quan tâm của công chúng. Cái thứ 3 sẽ giúp cho cái thứ 1 và 2, nhưng nó là thứ sẽ làm sau. Tại sao? Vì khi có sự quan tâm lớn của công chúng, thì các nhà đầu tư và nhân tài sẽ biết đến nhiều hơn và tham gia nhiều hơn.

Và để làm được điều 1 và 2, ông ta phải tìm cách di cư từ Nam Phi đến Mỹ, lý do rất đơn giản: nước Mỹ quy tụ rất nhiều nhân tài và nhà đầu tư mạo hiểm.

Sau đó, ông ta đồng sáng lập công ty Paypal, và bán nó với giá rẻ mạt (400 triệu USD) để bắt đầu xây dựng công ty SpaceX. Ông tự đọc sách về tên lửa để hiểu rõ vấn đề, trước khi quy tụ một nhóm chuyên gia giỏi về lĩnh vực này về, và dành 100 triệu USD để cho họ nghiên cứu và phóng thử tên lửa. Và ở lần thử cuối cùng, họ đã thành công. Ngay sau đó, SpaceX có được hợp đồng của NASA, để tự vận hành mà không cần tiền của Musk.

Musk khi đó đặt câu hỏi "nếu thành công lên sao Hỏa thì sao?" Và ông nghĩ ngay đến việc sử dụng năng lượng mặt trời (vì trên sao Hỏa không có dầu), và vì thế ông lập ra công ty Tesla, chuyên về xe hơi điện và pin mặt trời. Mọi người có thể nghĩ đến chuyện xe điện là để kiếm tiền, nhưng thực chất Musk chỉ muốn nắm rõ cách vận hành, để một ngày nào đó sẽ đem các loại động cơ và pin mặt trời lên sao Hỏa mà thôi. Vấn đề là ông làm một thứ vừa có thể kiếm tiền nuôi công ty, vừa thực hiện những mục tiêu xa vời của mình. Xe điện của Tesla thậm chí còn phải tự lái, để làm gì thì các bạn cũng hiểu rồi.

Tiếp tục, Musk đặt câu hỏi "làm sao để duy trì áp suất đủ cho con người tồn tại trên sao Hỏa?" (Ai rành về du hành vũ trụ sẽ biết tại sao chuyện áp suất ở đó lại quan trọng, mình bỏ qua). Hầu hết mọi người đều nghĩ đến các nhà vòm, nhưng Musk muốn làm điều khác: khoan xuống đất. Vì khi khoan xuống, chúng ta không cần làm các thanh đỡ kiên cố, để chống lại việc chênh lệch áp suất. Chính vì vậy, Musk lập công ty The Boring, và thực hiện dự án đào đường hầm tự động. Thậm chí việc lấy đất đá khỏi hầm cũng dùng xe điện Tesla, như là một việc thử nghiệm để sau này làm trên sao Hỏa.

Chung quy lại, phong cách làm của Musk là: hướng tới cái gì đó cho mục tiêu sao Hỏa, và kiếm tiền từ nó ngay để duy trì công ty mà theo đuổi tiếp mục tiêu chính.

Việc này cũng áp dụng cho SpaceX: đưa người lên sao Hỏa là thứ ổng luôn nói với truyền thông, nhưng khi đã phóng tên lửa ra vũ trụ thì ngay lập tức kiếm tiền từ hợp đồng vận chuyển cho NASA, và sắp tới sẽ tới vụ Starlink.

Vấn đề là Musk chưa bao giờ ngừng đặt câu hỏi cho những mục tiêu xa hơn, và câu hỏi tiếp theo là "để làm chủ được hệ mặt trời với khoảng cách cả năm ánh sáng, con người cần phải có cách khác để thu nhận thông tin, mở đường cho hình thái quản lý xã hội mới". Đó là mục tiêu xa của Neuralink, nhưng trước mắt sẽ là chuyện giải mã xung não và phẫu thuật gắn chip trước, vốn sẽ được sử dụng cho những người khuyết tật.

Tóm lại, Musk là người thực tế và không từ bỏ mục tiêu, và cả đời cũng chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất mà thôi.

Note: mọi người chú ý là chữ "boring" có nghĩa là "khoan lòng đất", cho nên Musk mới đặt tên công ty The Boring

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *