Tuesday, October 29, 2019

Đôi dòng suy ngẫm về dòng người lũ lượt ra đi

Câu chuyện nổi bật tuần qua: 39 người (hầu hết là người Việt) được phát hiện đã chết trong xe đông lạnh khi cố vượt biên trái phép vào nước Anh.

Một vài tờ báo bình luận: họ đã chết ở ngưỡng cửa thiên đường, vì thiên đường vốn chật chội không đủ chỗ cho tất cả mọi người.

Câu này rất hay và rất ấn tượng.

Nó khiến người ta phải suy nghĩ "Liều mạng để được vào Anh trái phép thì có đáng hay không?"

Tôi viết cái note này để lưu lại suy nghĩ nhất thời của mình, không có ý tranh biện đúng hay sai.

=======

Tất cả mọi thứ đều có cái lý do của nó, và phần lớn trường hợp thì người ngoài không thể hiểu được hết. Ngược lại, người trong cuộc thì họ chỉ hiểu câu chuyện của họ mà không có cái nhìn khái quát để có thể rút ra một câu trả lời xác đáng cho vấn đề này.

Nếu muốn được gói gọn lại, tôi nghĩ nó tuỳ thuộc vào quan điểm của người ta về khái niệm "thiên đường".

Bạn có nghĩ VN là một thiên đường? Bạn có cho rằng Anh (hoặc một nước nào đó khác) thì tốt đẹp hơn VN? Và quan trọng nhất, cái độ lệch "tốt đẹp" đó có lớn đến mức để đánh đổi tất cả?

Ai cũng hiểu mà, mỗi người một quan điểm mà thôi...

Và tôi nói về quan điểm của tôi, khi rời VN mà đi: Tôi là người yêu thích các thách thức lớn của nhân loại, VN không quy tụ nổi các nhân vật sừng sỏ thế giới, và vì thế tôi đi tìm nơi khác.

Tôi không phải là người yêu nước. Và tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện có lòng yêu nước hay không. Tôi chỉ thích truy cầu chân lý, biến mình thành công dân toàn cầu, đối mặt và chung tay giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Và vì tôi có suy nghĩ như vậy, nên tôi rất mong muốn nước VN sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ hành chính. Đây là một cuộc tranh cãi lớn, và đi ra ngoài vấn đề ở trên, chỉ đề cập để nói rằng: Sẽ cực kỳ khó để một chuyên gia đầu ngành ở Mỹ/Anh/Đức/Úc/Nhật/... đến VN làm việc, đơn giản vì rào cản ngôn ngữ. Và vì thiếu các chuyên gia đầu ngành, những người như tôi sẽ không thể tiếp tục ở VN được nữa, mà phải ra đi để tìm nơi đầy chông gai và thách thức hơn.

Đúng. Với tôi, nơi đầy chông gai và thách thức về mặt kỹ thuật là thiên đường.

Saturday, October 26, 2019

Chỗ đứng của thuyết ưu sinh trong xã hội ngày nay?

Câu hỏi này xuất phát từ Ereka, tôi viết lại câu trả lời của mình trên blog cá nhân.

Đầu tiên, phải hiểu rằng khi nói đến các thuyết tương tự như "thuyết ưu sinh", chúng ta đang bàn đến khía cạnh vĩ mô trong sự phát triển của loài người. Đó là một quá trình cần phải tốn cả trăm năm chứ không phải chỉ một thế hệ như phe phát xít đã làm. Tức là, theo ý kiến của tôi, cái kiểu chọn lọc như phát xít hoặc trong phim Joker là không phản ánh đúng về "thuyết ưu sinh", nó chỉ là hành động dựa trên "thuyết ưu sinh" để chính thức hoá hành vi giết người có chọn lọc mà thôi.

Mô típ như sau: Một ai đó chọn ra tiêu chuẩn "người chất lượng", và tìm cách loại bỏ những người không chất lượng. Tất nhiên, tiêu chuẩn "người chất lượng" của họ không dựa trên nghiên cứu khách quan, mà luôn luôn bao gồm chính họ và đồng minh.

Thứ 2, khi xét trên quy mô hàng trăm đến hàng ngàn năm, chúng ta sẽ thấy sự phát triển của xã hội loài người khác hoàn toàn với động vật. Ở thế giới động vật, chọn lọc tự nhiên chỉ đơn giản là "mạnh là được". Việc chọn lọc thông thường là do con cái, phần lớn chọn những con đực mạnh, và con đực phải chứng minh sức mạnh bằng việc chiến đấu với những con khác, hoặc kiếm được thức ăn nuôi sống con cái. Tất nhiên, có một số loài (đặc biệt là chim), lại thường chọn con đực đẹp hơn là mạnh. Nhưng đó vẫn là chọn lọc tự nhiên.

Loài người thì khác. Theo các nghiên cứu, từ hàng trăm ngàn năm trước, con cái của loài Homo sapiens không hoàn toàn chọn theo một tiêu chí, mà là mỗi con cái có tiêu chí khác nhau. Đó có thể là sức mạnh, có thể sắc đẹp, có thể sự thông minh,... Chính cái kiểu chọn lọc này khiến loài người ngay từ đầu đã rất đa dạng, và phụ thuộc rất nhiều vào một khái niệm mới: chính kiến.

Trải qua hàng ngàn năm, cái yếu tố mang tên "chính kiến" đó cũng được tiến hoá dần, và trở thành yếu tố chi phối mọi hoạt động trong xã hội loài người. Cho đến một ngày (chính là ngày nay), khi rất nhiều cuộc vận động để phá vỡ rào cản "chính kiến cá nhân", loại bỏ những chính kiến thiên lệch và có hại cho loài người. Một trong những ví dụ là phong trào chống lại ách nô lệ, hoặc phong trào ủng hộ đồng tính, hoặc phong trào bảo vệ môi trường,... Đi kèm với đó là việc loại bỏ "thuyết ưu sinh".

Thứ 3, tiếp tục nói về chọn lọc tự nhiên. Bản chất của các loài khi thực hiện việc chọn lọc, chúng phải sống trong thế giới mà thức ăn không đủ hoặc vất vả mới kiếm được.

Lấy ví dụ về loài sư tử. Sư tử rất lười, chỉ thích nằm tắm nắng và ngủ. Chúng chỉ săn mồi khi bắt đầu đói bụng. Và chỉ những con sư tử mạnh mẽ mới săn được mồi mỗi khi đói bụng. Và vì thế, chúng được chọn để duy trì nòi giống. Loài sư tử chưa bao giờ nghĩ đến việc có "của ăn của để".

Loài người thì khác. Loài người rất lười, chỉ thích nằm ngủ. Nhưng họ không bao giờ muốn đói bụng, họ muốn có thứ gì đó ăn được mỗi khi đói bụng. Và họ dự trữ thức ăn sẵn. Và họ luôn kiếm thêm thức ăn bất kể lúc đói hay no, vì họ lo sợ việc đói bụng và không được nằm ngủ.

Kết quả thì bạn hiểu, loài người luôn duy trì lượng thức ăn dự trữ nhiều hơn nhu cầu rất nhiều. Và người nữ thời xa xưa ấy chọn lọc bạn đời nào biết cách kiếm và dự trữ. Nói về cách dự trữ, tất yếu phải là người thông minh mới tìm được cách bảo quản lâu hơn, mới biết cách xây nhà.

Không dừng lại ở đó, con người bắt đầu hoạt động mang tính xã hội nhiều hơn. Họ bắt đầu trao đổi hàng hoá với nhau, và có sự chuyên môn hoá. Người này không giỏi đi săn, nhưng giỏi trồng trọt, hoặc giỏi xây nhà. Chính sự hợp tác và chuyên môn hoá này khiến kết quả nhận về lớn hơn, và họ càng lúc càng ít phụ thuộc vào thức ăn trong chọn lọc bạn đời.

Như vậy, cái động lực để các loài cạnh tranh sức mạnh là thức ăn đã không còn ảnh hưởng quá nhiều đối với loài người ngày nay. Nên thuyết ưu sinh theo cách của động vật dường như không ảnh hưởng lắm.

Thứ 4, hãy nói về tương lai của loài người. Xét xã hội ngày nay, chúng ta càng lúc càng thấy rõ sự phát triển của công nghệ cũng như AI và robot đã giúp loài người rất nhiều trong việc làm ra của cái vật chất. Có thể nói, trong tương lai, con người chỉ cần dựa vào trí thông minh mà tồn tại, chứ không cần quá nhiều sức mạnh và phải lo lắng chuyện ăn mặc ở,... nữa.

Vậy, để loài người tồn tại tốt hơn như mục tiêu của thuyết ưu sinh, tất yếu phải khiến cho người đời sau thông minh hơn đời trước. Nhưng liệu cha mẹ thông minh có sinh ra con thông minh hơn? Mình không cho là như vậy.

Lấy ví dụ, con cái của Einstein thì có ai thông minh hơn Einstein không? Rõ ràng là không, vì nếu có thì Einstein đã mất đi danh hiệu "bộ não thông minh nhất thế giới" từ lâu rồi.

Một ví dụ ngược, cha mẹ của Newton có thông minh như Galilei không? Chắc chắn là không. Thậm chí mẹ của Newton còn tìm đủ mọi cách không cho Newton đi học.

Bộ não được coi là xuất sắc trong việc kế thừa của cả Galilei, Newton và Einstein là Hawking, lại vốn chẳng có máu mủ gì với 3 người vĩ đại kia.

Bao nhiêu đó cũng đủ để khẳng định rằng: Con người không cần truyền thụ bộ gen trực tiếp cho con cái để con họ thông minh hơn. Việc truyền thụ trí thông minh dường như được thực hiện bởi một cơ chế khác mà chúng ta chưa tìm ra. Học thuyết về di truyền tính trạng của Mendel chỉ phản ảnh góc nhìn sinh học của tiến hoá, mà không hề chứa đựng chút gì về sự thông minh.

Do đó, sử dụng thuyết di truyền tính trạng để làm nền tảng cho thuyết ưu sinh là sai so với đời sống ngày nay.

Bây giờ tôi mới nói đến ý kiến cá nhân tôi.

Tôi là người thường rất ghét việc đưa ra ý kiến cá nhân, các quan điểm cá nhân thường gây ra tranh cãi không cần thiết. Tôi thường thích nói chuyện có lý luận khoa học hơn. Và theo những lý luận trên kia, tôi rút ra kết luận:

  1. Thuyết ưu sinh mong muốn loài người đời sau phát triển hơn đời trước
  2. Xã hội ngày nay yêu cầu đời sau phải thông minh hơn đời trước
  3. Các đặc điểm về di truyền tính trạng, sức khoẻ, sự thích nghi thì không liên quan gì đến trí thông minh

Như vậy, chọn lọc theo "thuyết ưu sinh" không chắc chắn tạo ra loài người thông minh hơn, và vì thế không thể đạt được mục tiêu của "thuyết ưu sinh".

Tuesday, October 22, 2019

Short note: Tại sao người Việt hay nói ở nước ngoài buồn chán hơn ở VN?

Tôi mới về quê. Dạo một vòng quanh phố, tôi phát hiện ra điểm khác biệt lớn nhất giữa Úc và VN, đó là VN ồn ào hơn Úc rất nhiều.

Tôi muốn lấy ví dụ là xe máy. Xe máy ở khắp mọi nơi, ai cũng biết. Đi kèm với đó là tiếng ồn, rõ ràng tiếng động cơ của xe máy lúc nào cũng ầm ĩ hơn xe hơi. Đó là chưa kể xe hơi ở Úc có chế độ nghiêm ngặt hơn về tiếng ồn và xả thải. Bên cạnh đó còn tiếng còi xe. Người VN bóp còi mọi nơi, và đôi khi rất ngẫu nhiên.

Điều này không hẳn là xấu, chính những hoạt động như vậy mới khiến người ta cảm nhận được sức sống của xã hội quanh mình. Nếu mọi thứ đều tĩnh lặng, hoặc đôi khi có tiếng chim hót lanh lảnh, điều mà bạn cảm nhận sẽ là một xã hội quá buồn chán, vì thiếu hơi thở của con người. Nhưng nếu nó chật hẹp hơn, lại đầy những tiếng ồn nhân tạo, nó sẽ khiến bạn biết rằng "à, đằng kia có nhiều người đang di chuyển, phía đó có người mới dừng xe giữa đường".

Bật chợt, một ngày nào đó bạn không nghe tiếng ồn do hoạt động xã hội mang lại, có phải bạn lại nhớ nó không? Và vì thế, với người quen với tiếng ồn ở VN như mình, đúng là chán thật khi không được nghe cái sức sống mãnh liệt trên phố mỗi ngày.

Tái bút: Bây giờ là 5h sáng, và chiếc loa phường lại cất cao tiếng át tiếng chim hót nãy giờ.

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *