Tuesday, April 13, 2021

Giải thích ngắn gọn về DeFi

DeFi viết tắt của Decentralized Finance, có thể dịch thành dịch vụ tài chính phi tập trung. Dịch vụ tài chính thường được đa số hiểu là những gì liên quan đến mua bán cổ phiếu, trao đổi tín dụng, vay mượn. Còn phi tập trung ngày nay được hiểu là liên quan đến tiền mã hóa (cryptocurrency). Hình thức phi tập trung (decentralized) là một cuộc cách mạng, không nó không cần một bên uy tín đứng ra bảo lãnh giao dịch, thông thường đó là sàn giao dịch, do vậy nó mang lại sự tự chủ cho các bên liên quan đến hoạt động tài chính mà thôi.

Bài này không đi sâu vào giải thích cái lợi và hại của Decentralized và Centralized, mà chỉ tập trung vào các hình thức tài chính được xây dựng trên hệ phi tập trung, cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến giá crypto tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Trading

Nói sơ về cái này trước khi bắt đầu. Trading là hoạt động mua bán một cái gì đó, trong crypto trading, cái này thường là các token hay cryptocurrency như Bitcoin, Ethereum,... Hoạt động trading do các sàn nắm giữ, và họ cần có sổ lệnh (order book).

Một người muốn mua, họ sẽ tìm một lệnh bán của một người khác trong sổ lệnh, và khớp lệnh, tức chuyển tiền và token từ người này sang người kia. Giao dịch diễn ra như vậy sẽ có phí giao dịch, và sàn sẽ thu phí giao dịch đó để hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động trading này phần lớn là dạng centralized, thuộc quyền quản lý của các sàn như Binance, Coinbase, KuCoin,... Khi đó người dùng phụ thuộc vào sàn, nếu sàn bị hack hoặc sàn ôm tiền bỏ trốn thì người dùng sẽ mất tiền luôn.

Swap

Cái này là thứ đầu tiên trong chuỗi liên quan đến DeFi. Swap, nghĩa là đổi chác, cũng gần giống như việc mua bán, nhưng lại dựa vào hệ thống phi tập trung. Nổi tiếng nhất có lẽ là UniSwap.

Người ta có thể đổi bất cứ token nào để lấy một token khác, chỉ cần có người chấp nhận. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết phải dùng USD để mua ETH hay BTC, mà có thể dùng BTC để đổi lấy ETH.

Mặc khác, ví dụ một người đang giữ USDT (một loại token có giá trị tương đương với USD) dùng nó để đổi lấy ETH. Có thể nói người đó đã mua ETH bằng USDT, và giao dịch swap này cũng giống y hệt như trade, khác biệt duy nhất có lẽ là không có sự xuất hiện của người bán và sổ lệnh. Chính vì không cần sự xuất hiện của người bán mà hoạt động này diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lấy đâu ra số ETH để người ta đổi?

Liquidity pool

Để giải quyết bài toán lấy đâu ra ETH ở trên, người ta mới lập ra các kho lưu giữ gọi là liquidity pool.

Hiểu đơn giản, có những người tin vào giá trị của ETH về dài hạn cũng như sự ổn định của USDT, họ sẽ tạo ra một liquidity pool giữa 2 token này, cho phép bất cứ ai đổi qua lại giữa chúng. Họ làm vậy là để ăn phí giao dịch swap. Do đó, giúp họ gia tăng số USDT và ETH trong tương lai.

Cần lưu ý là các liquidity pool thường được giữ ở mức cân bằng. Tức là giả sử giá ETH là 1000 USDT, thì trong pool số lượng USDT sẽ gấp 1000 lần ETH (giả sử 1000 ETH và 1 triệu USD), giúp pool ở thế cân bằng, tạo điều kiện cho mọi người swap khi muốn.

Nếu bị mất cân bằng, ví dụ 1 triệu USDT nhưng có tới 1100 ETH, nghĩa là tỷ lệ swap là 1.1 ETH ăn 1000 USDT. Khi đó sẽ có một ai đó bỏ vào 50 nghìn USDT để đổi lấy 55 ETH, người đó đem ra ngoài đổi lấy 55 nghìn USDT theo giá thị trường, tức là đã làm lời 5000 USDT. Ngược lại, số còn lại trong pool sẽ là 1.050.000 USDT và 1045 ETH, một tỷ lệ khá là tương đương với giá thị trường. (Nếu có người cho rằng nó không tương đương thì họ sẽ swap tiếp để khiến nó tương đương).

Đó là lý do khiến liquidity pool thường là dạng cân bằng động. Cân bằng này có thể rất dễ phá hủy, nhưng nếu có sự mất cân bằng lớn, quá trình điều chỉnh sẽ diễn ra.

Liquidity provider

Dành riêng một phần để nói về những người muốn cung cấp liquidity, tức là những người đưa token vào pool cho người khác swap.

Tại sao họ lại cung cấp liquidity? Như đã nói ở trên, họ làm vậy để thu lợi từ phí giao dịch. Khác với các sàn giao dịch tập trung truyền thống, chính sàn là nơi thu lợi nhiều nhất từ giao dịch mua bán của người trade, volume giao dịch mỗi ngày của các sàn rất lớn lên đến hàng trăm tỷ USD và chỉ cần sàn lấy phí 0.1% cũng đã thu về hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Trong hệ thống phi tập trung, phần lớn phí giao dịch rơi vào tay những người cung cấp liquidity.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của họ chính là impermanent loss. Nói đơn giản, khi giá ETH xuống so với USDT, các nhà cung cấp liquidity sẽ nhận nhiều ETH hơn là USDT, và vì giá ETH thấp nên giá trị ước tính của họ dựa trên USDT sẽ bị giảm, mà giảm còn nhanh hơn số lượng phí giao dịch thu được. Trong chiều ngược lại, nếu giá ETH tăng, các liquidity provider sẽ nhận nhiều USDT và ít ETH hơn, do đó giá trị ước lượng "nếu họ không tham gia cung cấp liquidity" sẽ cao hơn giá trị hiện tại của họ. Nói nôm na, giá lên thì giàu chậm, giá xuống thì cũng nghèo từ từ. Nhưng, nếu giá cứ dao động lên xuống liên tục, tiền phí giao dịch sẽ tăng đáng kể trong khi giá trị của ETH gần như không đổi so với USDT, kịch bản này khiến họ giàu nhanh hơn giới trader (hoặc là swapper).

Yield farming

Tới phần thú vị rồi đây! Hiện nay, có rất nhiều bên làm liquidity pool, và lợi nhuận từng bên có thể khác nhau, tùy từng thời điểm. Có lúc bên này lợi nhuận đến 300% trong khi bên khác có 10% trong cùng một cặp liquidity. Và thế là câu chuyện về các bên buôn lậu bắt đầu ("buôn lậu" là từ mình nói, chứ ngoài kia người ta gọi mĩ miều là "yield farming" tức là "cày lợi tức"). Nổi tiếng nhất chắc là Yearn.finance.

Việc "cày lợi tức" này khá đơn giản: Khi một liquidity pool nào đó có lợi tức quá cao so với một pool khác, những "nông dân" (farmer) sẽ rút bớt liquidity từ bên ít lợi chuyển sang bên lợi nhiều hơn, và ngay lập tức ăn khoảng chênh lệch lãi suất.

Muốn làm được điều đó, các farmer phải có sẵn liquidity ở cả 2 bên. Nếu một người tự làm thì cũng okay, nhưng lưu lượng sẽ không nhiều và không tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng nếu có một pool do các farmer liên kết lại với nhau, farmer này có liquidity bên pool này, farmer khác lại có liquidity bên pool khác, giờ họ liên kết lại trong một chương trình tự động, để khi có chênh lệch thì liquidity sẽ từ bên này chuyển qua bên kia. Lợi nhuận từ việc farming chung tất nhiên sẽ chia đều.

Việc dồn liquidity vào một pool đang có lãi cao sẽ khiến lãi của nó bị rớt dần xuống, trong khi pool còn lại do bị thiếu hụt liquidity sẽ gây ra trạng thái lãi tăng lên trở lại. Đến khi cân bằng thì chương trình farming sẽ tự cân bằng lại, và chờ kèo farming tiếp theo.

Leveraged yield farming

Giờ tiếp tục với cái vụ yield farming ở trên, rõ ràng là các farmer cần một lượng lớn liquidity ở nhiều liquidity pool khác nhau, để thời cơ đến là chộp ngay. Thêm nữa, nếu có điều kiện, họ còn mong muốn tăng lượng cung cấp lên, bởi hoạt động cung cấp pool này chỉ có lời không có lỗ, nếu bỏ qua impermanent loss. Tức là nếu tìm được một ai đó sẵn sàng ôm một loại token nào đó, bất kể giá của token đó lên xuống thế nào, thì farmer có thể giúp gia tăng số lượng token đó bằng cách đưa cho farmer và chờ lấy lãi.

Bằng cách mượn thêm nhiều token và tiền, farmer có thể tăng volume chuyển qua lại giữa các pool, tạo ra lợi nhuận lớn hơn số lượng tiền và token mà họ đang giữ. Vụ này cũng giống như margin trade trong chứng khoán, khi người chơi mượn tiền và cổ phiếu để tạo ra đòn bẩy giao dịch. Khác biệt chính là hình thức yield farming này không phải mua bán vốn rất rủi ro, mà chỉ là tìm cách cân bằng lợi nhuận giữa các nhà cung cấp liquidity vốn có rủi ro thấp hơn nhiều.

Leverage yield lending

Muốn mượn tiền hay token, chắc chắn phải có người cung cấp. Nổi tiếng nhất trên sân chơi mới này có lẽ là Alpaca.finance. Những người cung cấp sẽ bỏ tiền hoặc token vào một lending pool, khi có một ai đó mượn để farm thì farmer sau đó phải trả lại cả vốn lẫn lãi, và phần lãi sẽ được phân bổ đều cho mọi người trong lending pool.

Càng nhiều người mượn, lãi suất càng tăng, và khi càng nhiều người cung cấp, lãi suất càng giảm.

Sự khác biệt lớn nhất giữa yield lending và liquidity pool chính là mức độ chắc ăn. Trong khi người cung cấp liquidity pool có thể gặp impermanent loss, khi mà số token có thể bị giảm khi giá tăng, thì người cung cấp yield lending không gặp vấn đề đó. Nguyên nhân nằm ở chỗ nếu token đã mượn bị giảm số lượng, thì người mượn (tức farmer) sẽ bị thanh lý tài sản để trả lại token cho người cung cấp.

Thay lời kết

"Đường còn dài, gian nguy còn nhiều" (và cơ hội cũng vậy). Có một điều chắc chắn: DeFi đã là một cuộc cách mạng về tài chính. Thay vì cơ hội trở nên thịnh vượng chỉ dành cho tầng lớp có nhiều tiền, thì giờ cơ hội lại được trao cho tất cả mọi người. Tất nhiên, người giàu sẽ càng giàu thêm, nhưng người có vốn ít vẫn có cơ hội.

Tất cả những gì chúng ta cần làm đó là tham gia vào mạng lưới này. Ai bảo tham gia lĩnh vực tiền mã hóa là rủi ro cao nữa cơ chứ? Chỉ cần không đặt chân vào lĩnh vực rủi ro như trading hay swapping hay leveraged thì vẫn còn có quá nhiều con đường để nhận lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng

----------

Từ chối trách nhiệm: Tham gia hay không là quyền của mỗi người, và ai tham gia phải tự chịu trách nhiệm. Tác giả có tham gia tiền mã hóa, bao gồm ôm coin lâu dài (HODL), trading, margin & future trading, swapping, cung cấp liquidity pool, cung cấp leveraged yield lending. Bài viết hoàn toàn là hiểu biết cá nhân trong quá trình sử dụng, và rất có thể không áp dụng cho mọi trường hợp.

Tái bút: Thực tình thì cũng không khuyên mọi người tham gia mấy vụ chắc ăn như liquidity pool hay leveraged yield lending, bởi vì càng nhiều người cung cấp thì lợi nhuận càng giảm. Hehehe.



Wednesday, April 7, 2021

Về câu chuyện huy động vốn cá nhân của CTCK

Tôi viết bài này ngay sau khi đọc và bức xúc bài viết "Công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn" của báo Thanh Niên. Tôi không nói bài viết đó sai, tôi chỉ muốn nói đến cái quy định ngặt nghèo của VN làm ngăn cản sự phát triển thị trường tài chính mở thế nào.

Vài nét chính về margin

Margin là điểm nhấn chính của câu chuyện này. Vậy margin nghĩa là gì? Tôi lấy một ví dụ đơn giản:

Tôi có 10 USD và muốn mua cổ phiếu ABC vì tin chắc rằng nó sẽ lên trong thời gian ngắn. Nhưng thay vì dùng 10 USD để mua cổ phiếu ABC, tôi vay thêm 90 USD từ người khác và do vậy tôi có thể mua cổ phiếu ABC bằng số tiền 100 USD.

Giả sử sau đó cổ phiếu ABC lên 10%, khi đó tôi bán ra và thu về 110 USD, tôi trả 90 USD cho người đã vay cộng thêm 1 USD tiền hoa hồng cho họ, để rồi tôi lấy về túi riêng 19 USD. Nghĩa là bằng việc margin, tôi đã biến 10 USD thành 19 USD, lợi tức thu về cao hơn nhiều so với việc mua có 10 USD và nhận về 11 USD.

Giả sử cổ phiếu ABC bị sụt giảm 9%, sàn giao dịch sẽ thanh lý tài sản của tôi, bán cổ phiếu ABC ngay lập tức và lấy lại 91 USD rồi trả lại cho người đã cho vay. Tôi mất trọn 10 USD, trong khi người cho vay cũng vẫn nhận được 1 USD mà không mất đi vốn gốc.

Chính vì hoạt động margin cần sự can thiệp khi thị trường đi theo hướng không có lợi, nên nó thường được các công ty chứng khoán thực hiện, mà không phải từ phía ngân hàng. Khi đó, công ty chứng khoán đóng vai trò trung gian giữa người cho vay và người vay, cũng đồng thời là bên mua hộ cổ phiếu cho người vay. Khi người vay muốn bán cổ phiếu đã vay mua (hoặc người mua bị ép phải thanh lý), CTCK sẽ bán hộ thu tiền, sau đó trả cho người cho vay trước khi đưa phần còn lại về cho người vay.

Các quy định xung quanh vấn đề này?

Thứ nhất, cần hiểu tại sao cần các quy định. Hoạt động vay và cho vay liên quan đến margin này là hoạt động rủi ro. Cái rủi ro lớn nhất là CTCK làm ăn gian dối, khiến người tham gia mất tiền. Vậy ai có thể giám sát các CTCK?

Okay, có rất nhiều bên giám sát, nhưng vẫn là câu hỏi cũ: Liệu các công ty giám sát có thông đồng với CTCK không? Đối với ngân hàng thì ngân hàng nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ, và họ dựa vào báo cáo của các ngân hàng nộp về mỗi quý. Với CTCK, hoạt động cho vay này diễn ra rất nhanh và rất nhiều, khiến việc giám sát không hề dễ dàng. Không quản được thì hạn chế. Chính quyền mau chóng ra quy định hạn chế việc cho vay.

Thông thường các hạn chế nằm ở chỗ chỉ cho những người có tài sản lớn mới được cho vay (tức là ủng hộ người giàu càng giàu mà không làm gì) hoặc là các quỹ đầu tư lớn. Như vậy hạn chế số lượng người tham gia, và giúp số lượng giao dịch giảm xuống đến mức có thể kiểm soát được.

Như vậy, từ vấn đề "không thể giám sát hiệu quả" người ta đã đánh sang vấn đề "chỉ cho người giàu được cho vay".

Vậy vấn đề ở đây là gì?

Bởi vì chỉ những bên có vốn lớn mới được cho vay, nên người ta cho phép các quỹ này được định ra lãi suất mà họ chấp nhận được. Người vay có thể tùy thời điểm mà chọn bên cho vay để tối ưu lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc này kéo theo cuộc cạnh tranh lose-lose, khi các bên cho vay liên tiếp hạ lãi suất để được bên vay chấp nhận. Cuộc cạnh tranh này chỉ làm lãi suất giảm xuống không phanh.

Trong kịch bản ngược lại, khi người vay muốn vay thêm để giúp họ không bị thanh lý, các bên cho vay có thể làm giá để ép người vay phải chấp nhận lãi cao.

Tất nhiên, ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường của thị trường, của quy luật cung-cầu. Nhưng có một cách giảm thiểu vấn đề trên, đó là cung cấp margin pool.

Margin pool là sao?

Các bên muốn cho vay, thay vì họ tự đưa ra mức cho vay độc lập, thì họ được gom nhóm lại thành một cái pool lớn hơn, với số tiền sẵn sàng cho vay nhiều hơn. Mức lãi cho vay cũng cố định ngay từ lúc đầu tạo pool để ai cũng biết. Đây là bước đầu tiên của sự minh bạch.

Thứ hai, khi một người vay tiền từ pool rồi trả lại. Số tiền được trích ra ban đầu là từ pool, và chi trả lãi cũng là cho cả pool. Nghĩa là mỗi bên tham gia pool đều có lợi ích ngang nhau, nhiều hay ít gì thì tỷ lệ phần trăm tăng lên mỗi năm đều giống nhau hết. Và con số này hoàn toàn có thể tính ra được một cách dễ dàng. Như vậy là thêm một bước minh bạch nữa.

Điểm thú vị của pool là giúp cho những cá nhân với số vốn nhỏ lẻ liên kết lại tạo ra một pool khổng lồ, để từ đó đi cho vay như là các bên lớn khác. Tức là tạo cơ hội cho các cá nhân thu lợi bằng đúng cách của bọn nhà giàu hay làm.

Trong khi đó, nó giúp giải quyết vấn đề "khó giám sát" bằng cách đơn giản hóa quá trình giám sát. Theo đó, chỉ cần giám sát bên phía người vay tiền từ pool là hoàn toàn minh bạch, bởi vì cái đầu cho vay đã rõ ràng ngay từ đầu rồi.

Và cũng giống như chuyện margin, cái margin pool này cũng thường được quản lý bởi các CTCK bởi tính linh động của họ, và cũng vì họ kiểm soát cả bên vay tiền để có thể thanh lý tài sản khi cần thiết.

Hình thức hoạt động như thế nào?

Đây mới là điểm tranh cãi: Để người dùng cá nhân dễ hiểu, thông thường các CTCK nói về nó như là hình thức gửi tiền và nhận lãi cố định.

Bài báo tôi trích dẫn nói rất đúng, rằng margin thì không thể kéo dài hơn 15 đến 30 ngày, còn cho vay dài hạn như kiểu của ngân hàng thì không thể lãi cao như vậy. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với margin pool.

Với margin pool, trong vòng 3 tháng hoặc hơn thì có thể có rất nhiều lệnh margin được mở và đóng, mỗi lệnh margin cũng chỉ kéo dài vài ngày, nhưng với số lượng lệnh vượt trội có thể giúp duy trì mức lãi suất trong thời gian dài. Đây chính là mấu chốt của sự khác biệt của nó với 2 hình thức còn lại.

Vướng vào vấn đề pháp lý?

Hình thức này như là một cuộc cách mạng. Nhưng cũng chính vì nó quá mới, nên các quy định về nó không theo kịp, bởi nó yêu cầu một phương pháp mới trong việc giám sát từ phía chính quyền, nó cũng cần một hình thức bảo vệ mới cho người tham gia.

Vấn đề là liệu phía chính quyền có thay đổi quy định về giám sát để thích ứng tình hình mà vẫn để cho hình thái mới này hoạt động, hay là chính quyền sẽ ôm khư khư quy định hiện hành mà loại bỏ hình thái mới. Bài viết trên báo Thanh Niên kia gợi ý hướng thứ hai: Cần loại bỏ hình thức margin pool kiểu này.

Tất nhiên, tôi không ưa quan điểm đó, bởi vì việc loại bỏ hình thức này chỉ giúp cho phe nhà giàu nghiễm nhiên giàu thêm bằng cách lũng đoạn thị trường cho vay margin. Tôi thích nhìn hình thức margin pool này thách thức phe nhà giàu trong cuộc cạnh tranh thị phần này. Cũng bởi lời kêu gọi cách đây gần 150 năm: Vô sản các nước, đoàn kết lại!

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *