Monday, June 12, 2023

Góc nhìn so sánh ngành điện Úc và VN

Nhân dịp khủng hoảng điện diễn ra ở miền Bắc VN, tôi điểm qua vài sự khác biệt, hay nói cách khác là các bước cách mạng của ngành điện Úc so với VN. Bài viết nặng tính so sánh, và không đề xuất hướng đi cho ngành điện VN.

Hoàn cảnh của tôi

Hiện tôi đang sống ở Sydney, Úc, nhà có solar panel và pin trữ điện Tesla Powerwall. Hiện tại chỉ phải trả rất ít, kể cả khi phải sạc cho chiếc xe Tesla Model 3.


Đâu đó khắp nước Úc, số lượng nhà có pin trữ điện cũng không nhỏ, còn nhà có solar panel thì còn nhiều hơn nữa. Tôi đọc ở đâu đó, bảo 30% nhà ở Úc là có solar panel, và xu hướng càng lúc càng tăng nhanh.

Trung bình, nếu không có pin trữ điện, thì solar panel sẽ gánh được 1/2 nhu cầu điện của gia đình, mặc dù nắng chỉ có vào ban ngày. Nếu có pin trữ điện thì rất ít khi xài điện từ điện lưới, cả ngày lẫn đêm.

Khi mới bắt đầu tìm hiểu, tôi cũng ngạc nhiên là tại sao ở Úc lại có nhiều nhà cài solar panel, trong khi việc này ở VN là gần như không có. Muốn giải đáp, phải đi từ các khác biệt đầu tiên nhất.

1. Tư nhân hóa ngành điện

Mảng điện được chia ra làm 3 nhóm ngành: sản xuất điện, truyền tải điện và bán lẻ điện.

Trong đó, truyền tải điện là thứ được quy định chặt chẽ nhất từ chính quyền. Phương pháp tổng quan thì khá dễ hiểu: Khi mở một khu dân cư mới, chính quyền sẽ cho phép đấu thầu truyền tải điện. Thứ mà họ tranh nhau chính là tỷ suất lợi nhuận, thông qua daily supply charge và network cost.

Daily supply charge là mức tiền phải trả cho việc kết nối điện từ mỗi nhà vào điện lưới. Trừ khi bạn hoàn toàn off grid, bạn phải trả số tiền này.

Network cost được tính theo số Kwh sử dụng. Bạn sử dụng càng nhiều thì sẽ phải trả nhiều, bởi vì chính bạn gây nặng tải cho lưới điện.

Cả hai loại tiền này được dùng để trả lại cho bên truyền tải điện cho việc bảo trì lưới điện và các thiết bị cần thiết để dẫn điện về nhà người dân.

Mức lợi nhuận của công ty truyền tải điện là cố định, đi theo hợp đồng lúc đấu thầu, nhưng vẫn được điều chỉnh mỗi năm theo lạm phát và các yêu cầu nâng cấp từ chính quyền.

Bên sản xuất điện thì ít bị kềm chặt bởi chính quyền hơn nhưng họ phải có cam kết về mức sản xuất tối thiểu. Bù lại với cam kết đó là họ được quyền định giá cao hơn vào những lúc cao điểm, khi nhu cầu vượt quá mức cung ứng của hệ thống. Việc này kích thích bên sản xuất điện kiếm lời cao hơn vào giờ cao điểm.

Cuối cùng là bên bán lẻ điện, đứng trung gian giữa người dân và hệ thống sản xuất và phân phối điện. Họ gần như ít bị kiểm soát bởi chính quyền, nhưng họ bị kiểm soát bởi cạnh tranh và sự tự do lựa chọn của người dân. Thứ duy nhất mà họ phải tuân thủ là việc định mức giá tối đa do chính quyền quy định, họ không bao giờ vượt quá mức này, tiếng Anh gọi là Default market offer (DMO).

Thực tế mà nói, tôi chưa thấy công ty bán lẻ điện nào lại bán cho người dân ở mức DMO.

Các công ty bán lẻ phải gửi thông tin gói lên chính quyền, và chính quyền có một trang web so sánh giá điện cho từ nhà. Mỗi nhà, tùy nhu cầu khác nhau, mà sẽ có sự lựa chọn rẻ nhất từ các nhà bán lẻ khác nhau. Thậm chí giá bán lẻ còn thay đổi mỗi năm, khiến nhiều người cứ phải đổi nhà bán lẻ liên tục để đảm bảo mình nhận được giá rẻ nhất. Đó là sự tự do lựa chọn.

Tôi sẽ đề cập thêm về dòng tiền ở bên dưới.

2. Nâng cấp lưới điện để cho chạy 2 chiều

Đây là cái ngăn trở lớn nhất cho VN, trong việc khuyến khích người dân cài đặt solar panel.

Lưới điện, bao gồm cả các thiết bị biến thế và đồng hồ đo, ở VN là loại đi 1 chiều: từ nhà sản xuất đi lên lưới điện và đi xuống từng nhà dân.

Giả sử một người muốn lắp đặt solar panel, thì vào ban ngày khi điện mặt trời dư thừa quá mức nhà có thể sử dụng, thì điện sẽ đi về đâu? Câu trả lời là không đi đâu được cả, thế nên phải giảm công suất chuyển đổi từ quang sang điện (việc này làm được dễ dàng từ mấy cái converter). Nhưng như vậy là phí phạm và không có lợi cho người dân.

Ở Úc, điện dư thừa đó sẽ bán trở lại điện lưới. Tất nhiên giá rẻ hơn nhiều so với giá mua, nhưng có vẫn hơn không. Trung bình tiền bán điện sẽ bằng 1/4 tiền mua điện, điều đó có nghĩa là nếu bạn bán 4Kwh vào ban ngày, thì ban đêm bạn sử dụng 1 Kwh điện là bạn sẽ không trả xu nào cho bên bán lẻ điện. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng tính trung bình cả năm, nhà tôi bán trung bình 20Kwh mỗi ngày vào điện lưới, tức là đủ để bù khá nhiều điện sử dụng vào ban đêm.

VN mà muốn khuyến khích người dân lắp đặt solar panel, thứ họ cần là việc cải tổ lưới điện, để có thể cho phép mọi nhà dân bán điện.

Nói thêm một xíu, về mặt vật lý học, điện chỉ đơn giản là chạy từ nơi có điện thế cao đến nơi có điện thế thấp, nó không cần thiết phải chạy một chiều. Thứ mà khiến nó phải chạy một chiều là các thiết bị biến thế và đồng hồ đo điện, các loại đồng hồ cũ với cái bánh xe kim loại chỉ có thể chạy 1 chiều mà thôi, trong khi các đồng hồ đo điện tử thì hoàn toàn có thể chấp nhận đo cả 2 chiều.

Một điểm nữa cần lưu ý là đồng hồ đo điện tử ở Úc cũng hỗ trợ việc gửi dữ liệu lên hệ thống mỗi 30 phút. Điểm lợi của nó chính là cho phép 2 cuộc cách mạng tiếp theo mà tôi sẽ đề cập bên dưới, thông qua việc báo mức tiêu thụ mỗi gia đình "realtime" hơn là cách cử người đi ghi điện hàng tháng.

Việc gửi dữ liệu 30 phút một lần cũng cho phép lưới điện xác định nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình là ít hay nhiều, vào thời điểm nào, cung cấp một cơ chế khuyến khích người dân sử dụng điện vào giờ thấp điểm thông qua việc giảm giá tương ứng.

3. Thị trường commodity về điện

Tất cả những ai từng trading future market đều biết giá cả hầu hết các mặt hàng trên thế giới đều được định bởi thị trường future về commodity. Nó bao gồm từ giá xăng dầu, đến giá ngô gạo,...

Lấy ví dụ về giá xăng, thị trường future của nó được xác định bằng việc đặt cược giá xăng giao vào một lúc nào đó trong tương lai. Giả sử bạn là trader, bạn nghĩ giá xăng giao vào tháng sau sẽ tăng 2% so với giá ngày hôm nay, bạn sẽ mua một cái put order, để khi giá xăng lên cao đúng kế hoạch thì bạn sẽ bán cái put order đó để kiếm lời từ chênh lệch. Dĩ nhiên, nếu nó đi ngược kế hoạch thì bạn lỗ. Bởi vậy nên bạn cần nắm rõ các yếu tố khiến giá xăng tăng hay giảm, để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Việc buôn bán và định giá tại thị trường future này giúp xác định điểm trung bình, khi mà số lượng bên cược giá lên bằng với số lượng bên cược giá xuống. Điểm trung bình này chính là giá bán thực tế của xăng vào thời điểm đó. Và nó biến động liên tục.

Một điểm cần lưu ý nữa là thế giới trading future hiện nay không còn là người vs người nữa, mà phần lớn là máy vs máy. Mỗi máy từ một công ty/trader khác nhau sẽ có các quy tắc thu thập thông tin và đưa ra quyết định khác nhau, nhưng việc đặt lệnh mua bán (từ chuyên ngành là put order và call order) thực hiện liên tục và nhanh chóng, nhiều khi chênh lệch chỉ tầm vài micro giây.

Một cách tương tự, giá bán sỉ điện tại Úc cũng được quyết định bởi thị trường future, tuy nhiên giá được xác định theo khung thời gian rất ngắn: 5 phút. Tức là thiết bị trading của bạn phải phán đoán giá điện 5 phút tiếp theo sẽ lên hay xuống để đặt put hoặc call order. Quyết định của nó thường dựa trên phán đoán về nhu cầu sử dụng và khả năng cung cấp.

Giá bán sỉ này là giá điện bên bán lẻ sẽ phải trả cho bên phát điện theo lượng điện của người dùng.

Tức là cứ mỗi 30 phút, đồng hồ điện của bạn sẽ báo lượng điện sử dụng của bạn cho bên lưới điện. Số này sẽ được báo lại cho bên bán lẻ điện, để họ trả tiền cho bên sản xuất điện và lưới điện, sau khi thu tiền của bạn.

Nói thêm một xíu về dòng tiền.

Bạn trả tiền cho công ty bán lẻ điện, không phải theo từng block 30 phút, mà theo giá cố định. Giá cố định này được xác định bởi công ty bán lẻ điện, sau khi tính trung bình số tiền bạn phải trả, cộng thêm tiền lời của họ (tiếng Anh gọi là markup).

Lấy ví dụ cho dễ hiểu: Một ngày có 48 block 30 phút, trong đó giả sử có 40 block giá 20 xu/Kwh và 8 block giá 40 xu/Kwh, và giả sử bạn sử dụng điện đều đều cả ngày 0.25kwh/30 phút, khi đó giá tiền sử dụng ngày hôm đó của bạn là: 0.25 * (40 * 20 + 8 * 40) = 280 xu = $2.8. Đây là số tiền bạn công ty bán lẻ sẽ trả lại cho bên sản xuất và bên lưới điện. Tuy nhiên họ sẽ định giá bán lẻ điện cho bạn là 30 xu/Kwh, tức bạn phải trả: 0.25 * 48 * 30 = 360 xu = $3.6, và công ty bán lẻ sẽ lời $0.8 từ việc bán điện cho bạn ngày hôm đó.

Tất nhiên, sẽ có nhiều công ty khác bán với giá 27 xu/Kwh cho bạn, và họ chấp nhận chỉ lời $0.44 ngày hôm đó thôi, để bù lại bằng việc có lượng khách hàng lớn hơn, nhằm gia tăng lợi nhuận.

4. Khi người dân trở thành nhà cung cấp điện, cũng đồng thời là người sử dụng

Đây là bước tiến mới nhất trong hành trình khuyến khích người dân làm giảm tải lưới điện, bằng việc lắp đặt solar panel và pin trữ điện.

Có 2 phương pháp phổ biến: Thứ nhất là chương trình VPP (Virtual Power Plant), thứ hai là buôn bán điện giá sỉ. Nhưng cả hai thứ này chỉ có thể sử dụng nếu nhà bạn có pin trữ điện.

Chương trình VPP thì có rất nhiều công ty bán lẻ làm, theo đó, bạn cho phép công ty bán lẻ được sử dụng pin trữ điện của bạn trong việc lưu điện khi giá rẻ, và bán điện lúc giá lên cao. Càng nhiều người tham gia, thì lượng điện xuất ra từ pin trữ điện sẽ càng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm. Như vậy, bên bán lẻ điện có thể thu lại nhiều lợi nhuận hơn, cuối cùng họ sẽ trả lại tiền cho bạn.

Tuy nhiên, cá nhân tôi thử thì thấy cái lợi của nó không lớn bằng việc buôn bán điện giá sỉ. Hiện nay, ở Úc chỉ có mỗi Amber là làm việc này.

Amber luôn mua hay bán điện với giá sỉ, đổi lại bạn phải trả phí hàng tháng là $15. Đồng thời Amber cũng có hệ thống tự động dự đoán giá điện, nếu biết nó sẽ lên cao thì nó cho phép sạc đầy pin, để sau đó bán ra cho điện lưới và kiếm lời.

Nhiều lúc, tôi bán có 10 Kwh mà kiếm được đến $33. Mỗi tháng chỉ cần 1 lần như vậy là coi như khỏi lo trả xu nào trong tháng đó. Nếu 2 lần như vậy (vốn rất dễ xảy ra) là đảm bảo có lời.

Nhiều người còn nâng cấp cho nhà họ để có thể gia tăng tối đa lợi nhuận, kiếm mấy trăm đô mỗi tháng là bình thường. Nhưng đây là bài toán 2 chiều: Bạn phải bỏ ra kinh phí lớn khi lắp đặt lúc đầu, như vậy sẽ mất một thời gian khá lâu mới có thể bù lại.

Theo ước lượng cá nhân tôi, tôi dự kiến sẽ bù lại tiền đầu tư sau 10 năm nếu giá điện giữ nguyên như hiện tại. Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm điều chỉnh do lạm phát (khiến giá điện phải trả mỗi năm tăng lên), thì tôi chỉ cần 7-8 năm là bắt đầu kiếm lời ròng.

Ai ở Úc có thể tham gia bằng link này để chúng ta cùng được $30.

Tổng kết

Tôi biết được và tham gia những thứ trên là vì tôi ở Úc. Nếu còn ở VN, chắc chắn tôi chẳng ngu mà lắp đặt solar panel làm gì.

Vậy VN đang thiếu cái gì?

Câu trả lời nằm ở chỗ cái thứ đầu tiên: Tư nhân hóa ngành điện. Nhất là việc tách phần bán lẻ điện và sản xuất điện ra khỏi ngành truyền tải điện.

Hiện tại, EVN là thế lực kiểm soát gần như toàn bộ, từ sản xuất đến truyền tải và bán lẻ, nên rất khó kiểm soát lời lỗ, rất có thể dẫn đến tình trạng bên sản xuất điện siêu lợi nhuận nhưng bán lẻ thì lỗ. Do theo cơ chế, bán lẻ mà lỗ thì ráng chịu, nên EVN sẽ giảm giá phải trả cho lưới điện, giúp bên bán lẻ hết lỗ, nhưng chuyển lỗ về cho bên truyền tải điện. Và vì truyền tải điện là dưới quyền kiểm soát của chính quyền, nên EVN hoàn toàn có thể kêu lỗ, yêu cầu chính quyền nới lỏng các giới hạn, nhất là việc tăng giá điện.

Việc tư nhân hóa sẽ khó khăn, bởi nó chỉ thành công khi ép được EVN nhả toàn bộ tất cả các công ty con ra, chỉ được nắm duy nhất 1 mảng: truyền tải điện. Mà mảng này không dễ mang lại "siêu lợi nhuận", bởi vì đặc tính bị kiểm soát nghiêm ngặt và việc tăng giảm phí hoàn toàn dựa theo lạm phát.

Nhưng nếu thất bại trong việc tư nhân hóa và tách EVN ra, thì sẽ không có tiền để nâng cấp lưới điện (bởi EVN tiếp tục bù lỗ cho bên bán lẻ nên hết tiền ngay lập tức), như vậy cũng không thể thực hiện cuộc cách mạng thứ 2. Hơn nữa, đâu có động lực nào cho việc cạnh tranh giá điện, giữa bên bán lẻ và bên sản xuất điện? Như vậy cũng không có động lực nào cải tiến lưới điện.

Không làm được cái thứ hai là cái cản trở lớn cho 2 bước còn lại, bởi vì đó là điều kiện tiên quyết.

Yêu cầu tư nhân hóa ngành điện ở VN đã dấy lên từ lâu, đến nay cũng chẳng có bước tiến gì đáng kể. Giả sử mọi chuyện tiếp tục, và VN cuối cùng cũng tư nhân hóa thành công sau 15 năm nữa thì sao? Sau đó, mất thêm 20 năm để cải tổ toàn bộ hệ thống thiết bị của lưới điện. Rồi 10 năm nữa cho việc thay đổi cách tính tiền điện và thanh toán giữa bên bán lẻ, bên trading, bên truyền tải và bên sản xuất. Và thêm 10 năm nữa mới có thể có VPP hay các công ty kiếm lời bằng việc mua bán sỉ giá điện.

Tóm lại là lúc đó tôi đã xuống lỗ nằm rồi. Bởi vậy nên lúc đầu tôi mới bảo: Tôi chỉ so sánh mà không đề xuất cái gì. Đề xuất mà xa vời kiểu đó cũng chẳng được lợi gì.

No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *