Saturday, October 24, 2020

"Cách mạng công nghiệp 4.0" của VN đang đi về đâu?


Chỉ hơn một năm về trước, gần như toàn bộ hệ thống chính trị và báo chí ở VN hừng hực một khí thế về cuộc cách mạng công nghiệp mới, được gọi với tên mĩ miều là "Cách mạng Công nghiệp 4.0" (nhưng thường được báo chí ở VN hiểu sai là "Công nghệ 4.0" hoặc "Cách mạng 4.0").

Đã hơn 1 năm trôi qua, cuộc "cách mạng" này có vẻ chìm vào trong bóng tối, giống như bao trào lưu khác trên mạng xã hội. Cả mấy tháng qua, chẳng ai buồn nhắc tới "bốn-chấm-không" nữa.

Hôm trước, đọc được bài phân tích của Nikkei Asia, có liên quan đến khu vực ASEAN mới thoáng giật mình. Tựa đề: ASEAN đối mặt với chênh lệch về AI khi Việt Nam và Philippines tụt phía sau.

Ôi chao! Hóa ra hơn một năm phát động phong trào cả nước làm cách mạng công nghệ 4.0 thì kết quả (vẫn) là tụt lại phía sau? Mà là tụt lại phía sau so với chính khu vực Đông Nam Á, trong khi khu vực này (trừ Singapore) lại tụt rất xa so với Mỹ, Đức, Trung Quốc.

Bài viết của Nikkei Asia nói về chuyện đầu tư vào AI, vào năm 2019 (chính là năm VN hừng hực hào khí cách mạng "bốn-chấm-không"). Trong khi Singapore đầu tư $58 trên đầu người, thì các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines là dưới $1 trên đầu người. Việt Nam chỉ đầu tư 3 xu trên đầu người.

Nhiều người có thể nói do Việt Nam còn nghèo, nhưng GDP của Việt Nam ở mức 2715 USD/người cơ mà (tức tỷ lệ 0.7/100,000). Để so sánh, Indonesia đầu tư 0.2 USD vào AI trong khi GDP 4135 USD/người (tỷ lệ 4.8/100,000), Thái Lan đầu tư 0.38 USD vào AI với GDP 7808 USD/người (tỷ lệ vẫn 4.8/100,000).

Rõ ràng, Việt Nam không hề đầu tư nhiều vào AI, vào đúng thời điểm mà cả nước hừng hực khí thế nói về AI và "công nghệ 4.0" (năm 2019).

Liệu VN có phải là đang đánh võ mồm?

----

Số liệu GDP từ World Bank: https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD?locations=VN

Friday, October 23, 2020

Vì sao bàn phím hầu hết theo dạng QWERTY mà không theo thứ tự ABC?


Bàn phím QWERTY được phát minh rất lâu trước khi máy tính, vào những năm 1870, do Christopher Sholes, một nhà báo, phát minh ra nhằm mục đích tăng tốc độ đánh máy lên tối ưu. Ông cũng là một người được nêu tên trong những người phát minh ra máy đánh chữ hiện đại.

Phiên bản đầu tiên của Sholes vẫn có thứ tự ABC, và có 2 hàng nút giống như phím piano. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra nó không thuận lợi, nên bắt đầu thay đổi vị trí các phím. Cuối cùng ông dừng lại với bàn phím QWERTY.

Một trong những cái tối ưu nằm ở chỗ khi đánh thì liên tục chuyển tay. Tức là khi bạn đánh một chữ có vài ký tự, sẽ tối ưu nhất khi bạn đánh một ký tự bằng tay phải, rồi tới tay trái, rồi tới tay phải. Khi đó, ngay khi tay phải bạn đang nhấn xuống thì tay trái có thể di chuyển đến vị trí tiếp theo rồi, như vậy là tiết kiệm khoảng thời gian di chuyển bàn tay hoặc ngón tay.

Hiện nay, bố cục QWERTY được sử dụng rộng rãi trong các ngôn ngữ sử dụng chữ viết Latin, các ngôn ngữ khác đôi khi sử dụng lại, đôi khi có chút thay đổi. Mục tiêu vẫn như cũ: nhằm cải thiện tốc độ đánh máy.

Nếu bạn để ý, bạn có thể thấy hầu hết các nguyên âm đều ở hàng đầu (trừ 'A') và tất cả đều ở vị trí dễ bấm, vì được sử dụng rất nhiều. Ngược lại, những ký tự ít sử dụng trong tiếng Anh như 'Q', 'Z', 'X',... lại nằm ở vị trí khó bấm hơn.

Nói thêm một tý về bảng mã Telex của tiếng Việt, bạn cũng có thể thấy nó rất tối ưu cho việc bấm phím:
  • Bỏ qua dấu nón '^', vì được tạo thành từ nhấp đúp 'A', 'E', 'O', 'D' => 'Â', 'Ê', 'Ô', 'Đ'.
  • Dấu móc được tạo từ ký tự 'W' đằng sau 'U', 'O', và nó nằm ở 2 bên khác nhau, 'O' và 'U' luôn được đánh bằng tay phải còn 'W' thì tay trái.
  • Trường hợp chữ 'Ă' thì hơi đặc biệt xíu, vì 2 phím này gần nhau, nhưng không ảnh hưởng lắm, vì 'A' thường được đánh bằng ngón út và 'W' thì bằng ngón nhẫn, nên cũng khá tiết kiệm thời gian.
  • Cuối cùng là các dấu thanh: huyền (F) và sắc (S) là đối đầu nhau thông qua phím 'D', còn hỏi (R) và ngã (X) thì đối đầu nhau cũng thông qua 'D', chỉ có dấu nặng (J) là ở tay phía bên kia.

Chính vì cái tinh tế đó của bộ gõ VN telex nên tôi ngay từ nhỏ đã học và sử dụng nó. Tôi chả hiểu sao lại có người phát minh ra bộ gõ VNI nữa. Nên nhớ, bộ gõ VN telex được phát minh ra từ rất lâu so với VNI, thời còn xài máy đánh điện (tức máy telex), lúc đó bàn phím QWERTY đã được sử dụng phổ biến (trên máy đánh chữ). Bộ gõ VN telex được phát minh để tăng tốc độ đánh điện có dấu tiếng Việt. Thế rồi khi máy tính thịnh hành thì bộ gõ VNI lại xuất hiện, và đánh dấu bằng dãy số từ 1 đến 9. haha...


Wednesday, October 21, 2020

Bộ sách Cánh Buồm cho trẻ nhỏ

Nhân vụ "Cánh Diều" mới nói về bộ sách mở Cánh Buồm do Nhà giáo Phạm Toàn chủ biên.

Bộ sách này được đánh giá cao, được thực hiện bằng tâm huyết của Phạm Toàn và bạn bè, được thiết kế để trẻ em nắm bắt kiến thức tốt mà vẫn có nhiều thời gian để giải trí và vui sống.

Việc soạn sách cũng theo tinh thần tự nguyện của những người đã từng cống hiến lớn cho nền giáo dục nước nhà, nhiều thế hệ nhà giáo khác nhau, và họ khao khát nâng tầm giáo dục VN. Chính vì vậy, toàn bộ bộ sách là MIỄN PHÍ.

Còn hơn cả miễn phí, hầu hết nội dung là giấy phép mở, tức là cho phép tất cả mọi người lấy về, in và chia sẻ, mà không gặp vấn đề về bản quyền. Link tải ở đây: https://canhbuom.edu.vn/sachmo/

Tôi dự định sẽ dùng nó để dạy cho con nít nhà mình, vì ở Úc khó có điều kiện giáo dục tiếng Việt...

Nếu ai đó có ý định tự dạy con mình tại nhà, thì cũng nên cân nhắc xem bộ sách Cánh Buồm này.

Note: Nội dung sách thì miễn phí, nhưng nhà xuất bản có bán bản giấy với giá khá tốt, vì công in ấn này nọ.

------

Chuyện bên lề

Có nhiều người không biết Nhà giáo Phạm Toàn là ai, nên tôi cũng định nói sơ về ông.

Phạm Toàn là một nhà giáo rất có tiếng trong ngành giáo dục VN, đã từng giảng dạy và nghiên cứu giáo dục từ những năm 1967. Là chủ biên của rất nhiều bộ sách giáo khoa, cũng là người có cống hiến lớn. Thế nên mọi người thường gọi ông bằng danh xưng "Nhà giáo Phạm Toàn".

Ngoài thành lập nhóm Cánh Buồm, rồi chủ biên bộ sách Cánh Buồm, ông còn cùng với GS Nguyễn Huệ Chi, GS Nguyễn Thế Hùng thành lập trang Bauxite VN, cùng với GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn mở trang Học Thế Nào.

Nói về tiếng tăm của ông, GS Hồ Ngọc Đại (người nổi tiếng với chương trình Công nghệ Giáo dục cách đây vài năm) nhận xét đại khái như sau: Trong giới trí thức thì có 3 tầng lớp. Lớp thứ nhất là những người mà ai ai cũng biết tên, như Nguyễn Du hay Phan Chu Trinh. Lớp thứ hai là những người cũng rất tiếng tăm, và người ta vẫn gọi bằng tên như Phạm Toàn. Lớp thứ ba là không ai biết họ là ai, nên phải gọi kèm học hàm học vị, như Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại.

-----

Bài liên quan:

Wednesday, October 7, 2020

Lạm bàn về bất công xã hội

 

Hỏi: Có phải các quốc gia tồn tại thì luôn luôn có bất công xã hội?

Trả lời theo quan điểm và phân tích cá nhân:

Mình muốn làm rõ khái niệm trước.

Quốc gia gồm những gì? Thứ nhất là nhiều người cùng sống với nhau. Vậy điều gì ngăn cản người này giết người kia? Như vậy phải có luật pháp và kẻ xấu phải bị trừng trị. Vậy định nghĩa như thế nào là kẻ xấu? Như vậy lại cần một nhóm người đủ kiến thức để bàn ra luật pháp và cách thi hành. Nhóm người đó chính là chính quyền. Nhưng làm sao tất cả mọi người trong quốc gia lại nghe lời một đám người như thế? Như vậy đám chính quyền kia phải có một thứ đủ mạnh để trấn áp người dân: quân đội. Khi có quân đội, chắc chắn có người thống trị và kẻ bị trị.

Chung quy lại, quốc gia luôn tồn tại mối quan hệ thống trị-bị trị. Nếu không có mối quan hệ này thì quốc gia không thể tồn tại.

Hỏi tiếp: Bất công xảy ra khi nào? Khi một người không nhận được phần tương xứng với công sức của họ thì họ cảm thấy bất công. Vậy ai là kẻ quyết định phần thưởng cho mỗi người? Tất nhiên là một kẻ nào đó có quyền cao hơn người kia (sếp của công ty). Vậy điều gì khiến kẻ có quyền phải đối xử công bằng với tất cả? Có 2 thứ: luật pháp và cảm giác. Vâng, cảm giác thì luôn luôn thiên lệch (nhiều lúc sếp nghĩ công bằng nhưng nhân viên không cho là vậy), chỉ còn luật pháp. Vậy điều gì đảm bảo kẻ có quyền luôn làm theo luật? Chính bởi vì trên đó còn có kẻ có quyền cao hơn (tức chính quyền). Thế cái gì đảm bảo chính quyền không bị thiên lệch? Rất tiếc là không có cái gì cả.

Tức là: bất công không bao giờ biến mất khi còn tồn tại kẻ có quyền.

Nhưng kẻ có quyền luôn tồn tại nếu quốc gia tồn tại

Bây giờ là lựa chọn:

  1. Tạo ra hình thức quốc gia mới mà không tồn tại chính quyền, kẻ bị trị và thống trị => tôi không biết có khả thi không, nhưng nó phi thực tế.
  2. Luật pháp về công bằng quá mạnh, đến mức không ai có thể làm trái, bao gồm cả những người tạo ra luật => nếu vậy thì ai có thể làm người ra luật đây? Cũng không khả thi.
  3. Bỏ hệ thống các quốc gia và luật pháp, tất cả mọi người được tự do, kể cả tự do chém giết như mấy loài thú vật => nhưng mà vậy thì không còn xã hội loài người.
  4. Tiếp tục có quốc gia, luật pháp, và mọi người đều bị giới hạn tự do, giới hạn về bình đẳng (tức bất công tồn tại).

Nhìn kiểu gì tôi cũng thấy lựa chọn thứ tư là tốt hơn cả (trừ khi bậc thánh nhân nào đó làm được điều thứ nhất). Có nghĩa là "bất công là một điều không đến nỗi tệ", và chúng ta phải làm quen với nó, rồi giảm thiểu nó.

Cách giảm thiểu bất công thông thường là:

  • Luật pháp chặt chẽ, và áp dụng cho cả chính quyền.
  • Chính quyền không được can thiệp vào việc xử án theo luật.
  • Cho người dân có nhiều quyền hơn.

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *