Wednesday, April 7, 2021

Về câu chuyện huy động vốn cá nhân của CTCK

Tôi viết bài này ngay sau khi đọc và bức xúc bài viết "Công ty chứng khoán biến tướng huy động vốn" của báo Thanh Niên. Tôi không nói bài viết đó sai, tôi chỉ muốn nói đến cái quy định ngặt nghèo của VN làm ngăn cản sự phát triển thị trường tài chính mở thế nào.

Vài nét chính về margin

Margin là điểm nhấn chính của câu chuyện này. Vậy margin nghĩa là gì? Tôi lấy một ví dụ đơn giản:

Tôi có 10 USD và muốn mua cổ phiếu ABC vì tin chắc rằng nó sẽ lên trong thời gian ngắn. Nhưng thay vì dùng 10 USD để mua cổ phiếu ABC, tôi vay thêm 90 USD từ người khác và do vậy tôi có thể mua cổ phiếu ABC bằng số tiền 100 USD.

Giả sử sau đó cổ phiếu ABC lên 10%, khi đó tôi bán ra và thu về 110 USD, tôi trả 90 USD cho người đã vay cộng thêm 1 USD tiền hoa hồng cho họ, để rồi tôi lấy về túi riêng 19 USD. Nghĩa là bằng việc margin, tôi đã biến 10 USD thành 19 USD, lợi tức thu về cao hơn nhiều so với việc mua có 10 USD và nhận về 11 USD.

Giả sử cổ phiếu ABC bị sụt giảm 9%, sàn giao dịch sẽ thanh lý tài sản của tôi, bán cổ phiếu ABC ngay lập tức và lấy lại 91 USD rồi trả lại cho người đã cho vay. Tôi mất trọn 10 USD, trong khi người cho vay cũng vẫn nhận được 1 USD mà không mất đi vốn gốc.

Chính vì hoạt động margin cần sự can thiệp khi thị trường đi theo hướng không có lợi, nên nó thường được các công ty chứng khoán thực hiện, mà không phải từ phía ngân hàng. Khi đó, công ty chứng khoán đóng vai trò trung gian giữa người cho vay và người vay, cũng đồng thời là bên mua hộ cổ phiếu cho người vay. Khi người vay muốn bán cổ phiếu đã vay mua (hoặc người mua bị ép phải thanh lý), CTCK sẽ bán hộ thu tiền, sau đó trả cho người cho vay trước khi đưa phần còn lại về cho người vay.

Các quy định xung quanh vấn đề này?

Thứ nhất, cần hiểu tại sao cần các quy định. Hoạt động vay và cho vay liên quan đến margin này là hoạt động rủi ro. Cái rủi ro lớn nhất là CTCK làm ăn gian dối, khiến người tham gia mất tiền. Vậy ai có thể giám sát các CTCK?

Okay, có rất nhiều bên giám sát, nhưng vẫn là câu hỏi cũ: Liệu các công ty giám sát có thông đồng với CTCK không? Đối với ngân hàng thì ngân hàng nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ, và họ dựa vào báo cáo của các ngân hàng nộp về mỗi quý. Với CTCK, hoạt động cho vay này diễn ra rất nhanh và rất nhiều, khiến việc giám sát không hề dễ dàng. Không quản được thì hạn chế. Chính quyền mau chóng ra quy định hạn chế việc cho vay.

Thông thường các hạn chế nằm ở chỗ chỉ cho những người có tài sản lớn mới được cho vay (tức là ủng hộ người giàu càng giàu mà không làm gì) hoặc là các quỹ đầu tư lớn. Như vậy hạn chế số lượng người tham gia, và giúp số lượng giao dịch giảm xuống đến mức có thể kiểm soát được.

Như vậy, từ vấn đề "không thể giám sát hiệu quả" người ta đã đánh sang vấn đề "chỉ cho người giàu được cho vay".

Vậy vấn đề ở đây là gì?

Bởi vì chỉ những bên có vốn lớn mới được cho vay, nên người ta cho phép các quỹ này được định ra lãi suất mà họ chấp nhận được. Người vay có thể tùy thời điểm mà chọn bên cho vay để tối ưu lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc này kéo theo cuộc cạnh tranh lose-lose, khi các bên cho vay liên tiếp hạ lãi suất để được bên vay chấp nhận. Cuộc cạnh tranh này chỉ làm lãi suất giảm xuống không phanh.

Trong kịch bản ngược lại, khi người vay muốn vay thêm để giúp họ không bị thanh lý, các bên cho vay có thể làm giá để ép người vay phải chấp nhận lãi cao.

Tất nhiên, ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường của thị trường, của quy luật cung-cầu. Nhưng có một cách giảm thiểu vấn đề trên, đó là cung cấp margin pool.

Margin pool là sao?

Các bên muốn cho vay, thay vì họ tự đưa ra mức cho vay độc lập, thì họ được gom nhóm lại thành một cái pool lớn hơn, với số tiền sẵn sàng cho vay nhiều hơn. Mức lãi cho vay cũng cố định ngay từ lúc đầu tạo pool để ai cũng biết. Đây là bước đầu tiên của sự minh bạch.

Thứ hai, khi một người vay tiền từ pool rồi trả lại. Số tiền được trích ra ban đầu là từ pool, và chi trả lãi cũng là cho cả pool. Nghĩa là mỗi bên tham gia pool đều có lợi ích ngang nhau, nhiều hay ít gì thì tỷ lệ phần trăm tăng lên mỗi năm đều giống nhau hết. Và con số này hoàn toàn có thể tính ra được một cách dễ dàng. Như vậy là thêm một bước minh bạch nữa.

Điểm thú vị của pool là giúp cho những cá nhân với số vốn nhỏ lẻ liên kết lại tạo ra một pool khổng lồ, để từ đó đi cho vay như là các bên lớn khác. Tức là tạo cơ hội cho các cá nhân thu lợi bằng đúng cách của bọn nhà giàu hay làm.

Trong khi đó, nó giúp giải quyết vấn đề "khó giám sát" bằng cách đơn giản hóa quá trình giám sát. Theo đó, chỉ cần giám sát bên phía người vay tiền từ pool là hoàn toàn minh bạch, bởi vì cái đầu cho vay đã rõ ràng ngay từ đầu rồi.

Và cũng giống như chuyện margin, cái margin pool này cũng thường được quản lý bởi các CTCK bởi tính linh động của họ, và cũng vì họ kiểm soát cả bên vay tiền để có thể thanh lý tài sản khi cần thiết.

Hình thức hoạt động như thế nào?

Đây mới là điểm tranh cãi: Để người dùng cá nhân dễ hiểu, thông thường các CTCK nói về nó như là hình thức gửi tiền và nhận lãi cố định.

Bài báo tôi trích dẫn nói rất đúng, rằng margin thì không thể kéo dài hơn 15 đến 30 ngày, còn cho vay dài hạn như kiểu của ngân hàng thì không thể lãi cao như vậy. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng với margin pool.

Với margin pool, trong vòng 3 tháng hoặc hơn thì có thể có rất nhiều lệnh margin được mở và đóng, mỗi lệnh margin cũng chỉ kéo dài vài ngày, nhưng với số lượng lệnh vượt trội có thể giúp duy trì mức lãi suất trong thời gian dài. Đây chính là mấu chốt của sự khác biệt của nó với 2 hình thức còn lại.

Vướng vào vấn đề pháp lý?

Hình thức này như là một cuộc cách mạng. Nhưng cũng chính vì nó quá mới, nên các quy định về nó không theo kịp, bởi nó yêu cầu một phương pháp mới trong việc giám sát từ phía chính quyền, nó cũng cần một hình thức bảo vệ mới cho người tham gia.

Vấn đề là liệu phía chính quyền có thay đổi quy định về giám sát để thích ứng tình hình mà vẫn để cho hình thái mới này hoạt động, hay là chính quyền sẽ ôm khư khư quy định hiện hành mà loại bỏ hình thái mới. Bài viết trên báo Thanh Niên kia gợi ý hướng thứ hai: Cần loại bỏ hình thức margin pool kiểu này.

Tất nhiên, tôi không ưa quan điểm đó, bởi vì việc loại bỏ hình thức này chỉ giúp cho phe nhà giàu nghiễm nhiên giàu thêm bằng cách lũng đoạn thị trường cho vay margin. Tôi thích nhìn hình thức margin pool này thách thức phe nhà giàu trong cuộc cạnh tranh thị phần này. Cũng bởi lời kêu gọi cách đây gần 150 năm: Vô sản các nước, đoàn kết lại!

No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *