Saturday, October 3, 2009

Đằng sau Chrome OS


Liệu Chrome OS có thay đổi thế giới HĐH?

Trong những năm gần đây, thị trường HĐH gần như bị bỏ ngỏ và thế giới PC gần như chỉ tồn tại lời độc thoại mang tên Windows. Rồi đùng một cái, Google đánh tiếng với giới công nghệ rằng “Google sẽ phát hành HĐH Chrome OS dành cho netbook trong năm 2010″. Và thế là cánh báo chí thêm một đề tài để bàn luận, người dùng thêm một lần để trông đợi một cái mới từ gã khổng lồ tìm kiếm… Nhưng, liệu Google có đi đúng hướng? Liệu Chrome OS có thay đổi thế giới HĐH? 

Bài toán của Chrome OS

Một trong những lý do khiến người dùng không chịu từ bỏ Windows XP để theo Windows Vista đó là tính dễ dùng và quen thuộc, cũng như tương tác tốt với các phần mềm hiện có.  Liệu Chome OS có bị “dính chưởng” y như vậy không? Theo tôi thì hoàn toàn có thể… Chrome OS mặc dù tiện lợi (nhất là khi dữ liệu được đưa lên “đám mây”, và có thể truy xuất “ở bất cứ đâu”), tuy nhiên với những người biết ít về máy tính họ sẽ gặp khó khăn khi sử dụng nó. Trong những người bạn mà tôi quen, có nhiều người thường lấy giấy ra viết từng bước những thứ mà tôi chỉ cho họ, thậm chí việc đơn giản chỉ là chỉnh sửa định dạng word; tiếp xúc một cái quá mới chỉ làm người ta choáng ngợp mà thôi.
Ngoài ra, một câu hỏi đặt ra là làm sao người dùng sử dụng máy tính nếu họ đang ở trên máy bay hay một nơi nào đó không có internet? Bởi vì Chrome OS với đặc tính gắn chặt vào “điện toán đám mây” (cloud computing), mọi dữ liệu sẽ không chỉ được lưu trên máy cá nhân của họ, mà còn dược lưu ở trên “đám mây”. Việc này sẽ khiến cho dữ liệu có thể được truy xuất ở bất cứ máy tính nào miễn là kết nối internet và đúng mật khẩu. Tuy nhiên, để mọi nơi trên trái đất đều có internet thì phải chờ hàng chục năm nữa…
Một vấn đề nữa là tính bảo mật, làm sao để “nói” với người dùng cuối rằng họ nên yên tâm về giải pháp bảo mật của Chrome OS, khi mọi thứ “trên netbook của họ” đều được lưu trữ trên “đám mây”? Những người biết ít thường nghĩ thông tin của mình được lưu ở một máy tính khác là không an toàn (họ không biết rằng có những giải thuật đảm bảo tính an toàn). Còn những người biết rõ về chuyện bảo mật cũng lo ngại rằng liệu dữ liệu trên “đám mây” có bị bên cung cấp dịch vụ sử dụng hay không?
Bỏ qua các vấn đề liên quan đến người sử dụng, hãy suy nghĩ thử xem liệu Chrome OS có “sống” nổi hay không?
Một trong những đối thủ trước mắt của Chrome OS đó chính là Linux. Mặc dù thời gian gần đây, Linux có vẻ trở nên yếu ớt và mệt mỏi trong cuộc chiến PC với Windows, nhưng không có nghĩa là cộng đồng Linux bỏ qua thị trường netbook “đầy triển vọng” (hoặc ít ra cũng là “hi vọng thế”), mà bằng chứng là việc họ cố gắng phát triển HĐH có tên Moblin (được một gã khổng lồ khác là Intel hậu thuẫn). Chrome OS phải qua mặt Linux (hoặc liên kết với Linux, hoặc giành khách hàng của Linux), thì mới có cơ hội chiến đấu với Windows. Ngược lại, Chrome OS sẽ bị bẹp dí bởi cuộc tấn công từ “những cánh cửa sổ”. Nhiều người hi vọng rằng Chrome OS sẽ kết hợp với cả Linux và Macintosh để phá vỡ thế độc quyền của Windows…
Điều quan trọng là Microsoft cũng hoàn toàn không có ý định để Google chiếm lấy lĩnh vực “ruột” của mình là HĐH. Tháng 7 vừa qua, Microsoft đã phát hành phiên bản online miễn phí của bộ phần mềm MS Office (cũng là một lĩnh vực “ruột” đã bị chia sẻ thị phần với Google Docs). Điều này chứng tỏ “bác Microsoft” quyết định “ăn chịu” với “cậu bé Google”, và do đó, không có gì đảm bảo rằng Microsoft phớt lờ hướng phát triển mới mà Google đang nhắm tới. Và biết đâu, ngay sau khi Google tung ra bản Chrome OS thì Microsoft cũng tung ra một HĐH “khởi động nhanh, dành cho netbook”. Khi đó, người dùng netbook sẽ phân vân rằng: Tôi sẽ nên đi theo trường phái lưu trữ cổ điển hay trường phái lưu trữ đám mây?
Tóm lại, bài toán lớn nhất của Chrome OS là “có cái gì tốt đến mức người dùng phải từ bỏ Windows không?” Nếu không, người dùng sẽ tự nhủ rằng “tôi rất vui vì có Chrome OS nhưng tôi hài lòng với Windows”.

Cơ hội cho Chrome OS?

Như tôi đã đề cập, chặng đường phía trước của Chrome OS có lẽ còn xa và hơi sớm để hi vọng. Tuy nhiên, không có nghĩa là không còn cơ hội cho Chrome OS.
Với những gì mà Google giới thiệu, “một hệ điều hành nhanh nhẹn hơn, nhẹ nhàng (tiêu tốn ít tài nguyên hệ thống) hơn, miễn nhiễm với virus và hoàn toàn miễn phí…“, cũng khiến cho “ông trùm” HĐH là Microsoft cũng phải lo sốt vó, nhất là khi uy tín của HĐH mới này gắn liền với tên tuổi của Google (một cái tên nổi tiếng và vẫn còn đang “nổi như cồn”). Giới công nghệ (vẫn còn bàng hoàng về Chrome OS vì quá bất ngờ) lập tức bàn luận sôi nổi và đánh giá nó như là “quả tên lửa tầm nhiệt” (theo Techradar) hay “quả bom nguyên tử” (theoTechCrunch) chuẩn bị “hạ cánh” vào đại bản doanh của Microsoft. Việc này cũng giống như là một lời cảnh báo cho Microsoft rằng, “nếu anh không chịu đầu tư vào netbook, thì chúng tôi sẽ đem ‘miếng bánh netbook’ đó về nhà chúng tôi đấy nhé”.
Nói là vậy, nhưng nếu như Chrome OS không đủ sức hấp dẫn thì người ta cũng chưa vội mà “chạy theo”. Do đó, Google cần phải cố gắng nhiều hơn, để mang Chrome OS thành một HĐH thực sự trong mắt người dùng, khiến cho người dùng xem việc sử dụng Chrome OS như là một nhu cầu thiết yếu của netbook. Để làm được điều đó, theo tôi nghĩ Chrome OS cần phải có những thứ như sau:
Đầu tiên, Chrome OS phải hỗ trợ những phương thức giao tiếp hệ thống bằng command line, GUI,… thậm chí cung cấp API cho ứng dụng web tương tác trực tiếp với Chrome OS. Có như vậy thì những ứng dụng web mới có thể được người dùng “kéo về và thả” trên màn hình desktop của mình. Khi đó, để gửi email qua Gmail, bạn chỉ cần một cú click, một trình soạn thảo email hiện ra và bạn chỉ cần gửi đi là xong, không cần phải mở trình duyệt, gõ địa chỉ, sau đó bấm Soạn thư… Một HĐH nhanh gọn đúng nghĩa phải thật sự tiết kiệm số lần click chuột của người dùng.
Thứ hai, một việc làm hiển nhiên của Google là kết hợp tốt với các ứng dụng hiện có của hãng như Docs, Blogger, Calendar, Bookmark,… Và cho phép người dùng truy xuất nó thật nhanh thông qua màn hình desktop hoặc trình đơn khởi động nhanh (Quick Launch). Cũng như việc kết hợp với Calendar để có một To Do List cho hôm nay… Dĩ nhiên còn nhiều thứ khác có thể kết hợp với Chrome OS mà Google và các hãng thứ ba muốn…
Thứ ba, Chrome OS phải hỗ trợ tốt với phần cứng. Cụ thể hơn, nó cần tương thích với mọi loại webcam để người dùng có thể chat hoặc conference. Và nó cần tương thích với mọi chủng loại loa và headphone để người dùng giải trí và nói chuyện. Thậm chí hỗ trợ mọi chuẩn card và network… Đảm bảo rằng người dùng chỉ cần cài đặt là có thể sử dụng được một cách dễ dàng.
Thứ tư là một vấn đề “tế nhị”: Làm sao để gỡ bỏ Chrome OS? Nghe có vẻ buồn cười, nhưng không phải là không có ích gì… Bạn hãy thử nghĩ về một quảng cáo như sau thử xem: “Hãy thử cài đặt Chrome OS, bạn sẽ được trải nghiệm những tính năng độc đáo, và nếu bạn không thích thì có thể gỡ bỏ hoàn toàn như không có gì xảy ra”. Tâm lý chung của người dùng khi nghe một phần mềm mới là muốn dùng thử, nếu không thích thì gỡ bỏ… Trong khi cả Linux và Windows hiện nay đều khó gõ bỏ nếu không format ổ đĩa và gặp “một tí” rắc rối.
Còn nhiều vấn đề nữa mà tôi không tiện nêu ra ở đây… Tuy nhiên, xin được quay lại vấn đề “Cơ hội cho Chrome OS”…
Đến nay, theo thông tin từ Google thì các hãng chế tạo chip như Qualcom, Texas Instrument; các nhà sản xuất máy tính như Acer, HP và các nhà phát triển phần mềm như Adobe đang hợp tác thiết kế và xây dựng các thiết bị hoạt động trên Chrome OS (Lưu ý với độc giả là thông tin này chỉ do Google nói, còn các hãng liên quan không có bình luận gì cũng như không có thông báo chính thức). Sức mạnh của Chrome OS đã được cất cánh nhờ danh tiếng của Google. Nếu như các hãng “không dám” (hoặc “không muốn”) cài Linux sẵn trong laptop, mà thay vào đó là “Optional” (giữa Windows dùng thử và Linux); thì rồi đây, các hãng sẽ quảng cáo “Bạn sẽ chọn mua netbook đắt tiền có HĐH của Microsoft nổi tiếng, hay là netbook rẻ hơn nhiều và có HĐH của Google nổi tiếng?”, và các hãng sẵn sàng cài sẵn Chrome OS vào từng chiếc netbook. Nếu Google kiếm được nhiều hợp đồng như vậy, chắc chắn con đường của Chrome OS sẽ không chỉ có toàn “chông và gai”…

Liệu Google có đi đúng hướng?

Tất cả mọi người đều biết, Google giàu lên nhờ quảng cáo và… bán “xu hướng truy cập của người dùng”. Thế nhưng, gần đây Google liên tiếp tung ra những sản phẩm miễn phí không có quảng cáo, lại đầu tư vào những hợp đồng (mà chỉ Google bỏ tiền ra) để đưa sản phẩm đó đến với người dùng. Vậy, liệu Google có đi chệch hướng? Hoặc liệu Google có thể… phá sản không?
Liệu Chrome OS có kiếm được tiền cho Google?Liệu Chrome OS có kiếm được tiền cho Google?
Câu trả lời là “không hề”, Google làm như thế bởi vì Google là một công ty “chịu chơi”.
Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này, xoay quanh Chrome OS của hãng…
Theo công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch, trên toàn thế giới, sản lượng máy tính xách tay vài năm qua bị bão hòa trong khi doanh số netbook tăng trưởng tới 260% trong cùng thời gian. Do đó, việc Google (cũng như các công ty khác) xông thẳng vào phân khúc netbook là điều dễ hiểu…
Với Microsoft, họ sẽ kiếm tiền bằng việc bán bản quyền HĐH được cài trên netbook. Còn Google thì không thế, vì Chrome OS của họ được cung cấp miễn phí. Vậy liệu Chrome OS có mang lại lợi nhuận cho Google hay không? Và bằng cách nào?
Như mọi người đều biết, Google cung cấp một loạt API cho các ứng dụng web mà mọi người có thể tìm hiểu chi tiết qua trang Google Code. Và Google cũng cung cấp rất nhiều thứ Google Docs, Google Calendar, Google Maps,… để mọi người có thể sử dụng, và kết nối với các ứng dụng web của mình. Sau cùng, bằng một đoạn code đơn giản, các nhà phát triển ứng dụng có thể đặt quảng cáo của Google lên ứng dụng và kiếm tiền từ đó. Ý đồ của Google như vậy là rõ ràng… Công ty này cung cấp tất cả những thứ cần thiết để các nhà phát triển viết ứng dụng, và bán quảng cáo trên các ứng dụng đó.
Hơn thế nữa, như tôi đã đề cập ở đầu mục này, Google có thể đánh giá xu hướng truy cập của rất nhiều người dùng trên thế giới, và bán nó cho các công ty cần (Bạn có thể xem những “xu hướng truy cập” của bạn trong Google Trends). Nhưng nếu chỉ với công cụ tìm kiếm, Google chỉ có thể đánh giá xu hướng truy cập thông qua việc tìm kiếm, như vậy thì “món hời” không nhiều. Trong khi với những ứng dụng khác như Google Desktop, Google Chrome, và nhất là Chrome OS mà chúng ta đang đề cập, Google không chỉ có thống kê về xu hướng tìm kiếm, mà còn thống kê xu hướng sử dụng những ứng dụng khác. Từ đó, Google sẽ có được bản đánh giá chính xác hơn về xu hướng của mọi người. Dĩ nhiên, chất lượng được nâng cao thì cái giá cho các bản đánh giá cũng phải được nâng cao hơn…
Như vậy, rõ ràng Google không hề lỗ trong các phi vụ của mình. Thậm chí kể cả khi cái tên Chrome OS xuất hiện trong… “giấy chứng tử”, thì những quảng cáo từ AdWords đã đến được những ứng dụng web mới nhất rồi.

Người dùng – “ngư ông” hay “con cá”?

Trong “cuộc chiến cò vạc” giữa Microsoft và Google, thật khó mà xác định vai trò của người dùng. Một mặt họ sẽ được tiếp nhận những cải tiến mới nhất của cả Windows và Chrome OS, để việc sử dụng và bảo vệ chính họ được tốt hơn. Mặt khác, việc tồn tại 2 thế giới khác nhau sẽ khiến cho họ mệt hơn khi phải quyết định lựa chọn. Hơn thế nữa, đối với những nhà phát triển ứng dụng, họ sẽ phải tìm cách để ứng dụng của mình chạy tốt trên cả hai HĐH, nếu 2 HĐH này khác nhau “một trời một vực”.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, chính giới báo chí công nghệ sẽ có thêm một đề tài để khai thác. Và ở đâu đó trên thế giới, có 2 người đang bàn với nhau về chuyện “Liệu Chrome OS có đánh bại được Microsoft không?”…
KimKha
———
Bài viết này có sử dụng một số thông tin từ PC World.

No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *