Monday, August 9, 2010

Liệu thành lập công ty công nghệ tại VN có thành công?

Câu trả lời dĩ nhiên là có, nhưng chuyện đáng bàn là có bao nhiêu khả năng thành công? Việc thành công hay không, thiết nghĩ, phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu của công ty và sự đón nhận của cộng đồng đối với mục tiêu đó. Một thực tế đáng buồn là ở VN chưa có một mô hình công ty thành công nào đáng để các doanh nhân công nghệ tương lai noi theo.
Chúng ta cùng điểm qua một số hướng tại VN hiện nay:

Từ niềm đam mê đến sản phẩm

Một sinh viên mới ra trường, với đầy nhiệt huyết trong tim… Họ suy tưởng, họ động não, họ tìm kiếm,… cố gắng để tìm lấy một hướng đi cho mình, để mình trở thành một người giàu có hoặc nổi tiếng giống như họ đã từng nghe về Bill Gates, Linus Torvalds, Sergen Brin và Larry Page, Steve Jobs,… Kết quả là chúng ta có được một sản phẩm mà-họ-cho-là-có-giá-trị. Đôi khi họ có được sự nổi tiếng – tham dự và chiến thắng ở các cuộc thi, và đôi khi họ có được ít tiền từ sản phẩm đó. Và hết.
Sự thật thì cái họ làm ra rất hay, rất tuyệt, và có thể có ích – theo một cách hiểu nào đấy. Nhưng nó không được đón nhận bởi công chúng, hay cụ thể hơn, không được đón nhận bởi những nhà đầu tư “cỡ bự”. Lấy một ví dụ: Có rất nhiều người làm game cho di động, nghe rất thú vị, nhưng một thực tế là thị trường này đang trở nên khó khăn hơn, khi những “ông lớn” (công ty lớn cũng làm về lĩnh vực này) liên tục đầu tư cho lĩnh vực này. Thử hỏi làm sao có thể chen chân nếu các sản phẩm của các “ông lớn” đó luôn đẹp mắt hơn, cập nhật liên tục?
Một chuyện nữa liên quan đến lợi nhuận: Các sản phẩm đó có thể kiếm tiền từ đâu? Từ việc mua sản phẩm ư? Làm sao chúng ta có đủ uy tín và độ tin cậy để bán sản phẩm phần mềm? Hay là từ việc kiếm tiền từ quảng cáo? Nói đến đây làm tôi nhớ đến một chuyện… Theo thông tin tôi đọc được ở đâu đó, nếu coi tổng lợi nhuận thu được từ mạng internet là 100%, thì các nhà cung cấp dịch vụ internet chiếm mất hơn 60%, tiếp đến là 20% cho những người bán sản phẩm của họ thông qua rao vặt hay tiền từ game, 10% là của các nhà cung cấp dịch vụ khác như hosting hay các trang rao vặt (ăn thông qua phần trăm sản phẩm), 10% còn lại là từ quảng cáo, nhưng các dịch vụ cung cấp quảng cáo lại chiếm phần lớn số đó… Nói tóm lại, số tiền thu được từ quảng cáo chỉ đủ chi trả cho dịch vụ hosting và một lượng tiền lương nhỏ để đảm bảo trang web còn hoạt động được, mà hoàn toàn không có lợi nhuận.
Con đường phía trước quả là chông gai… Bởi họ phải tìm được đầu ra cho thứ mà họ đã bỏ nhiều công sức để hiện thực nó.

Xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp khác

Tôi vẫn nghĩ đây là một cách thức đi đến thành công, nhưng không phải ai cũng làm được. Đầu tiên, họ phải nằm bắt những nhu cầu từ các nhóm doanh nghiệp nào đó, những nhu cầu hiện tại cũng như tương lai. Sau đó đánh giá khả năng cung ứng nhu cầu đó (tức khả năng công nghệ có thể đáp ứng), và cân nhắc giữa lợi nhuận và chi phí. Tiếp đến là cố gắng thuyết phục khách hàng (các doanh nghiệp khác) chấp nhận bỏ tiền ra mua nó. Cuối cùng là hiện thực nó với độ uyển chuyển cao nhất. Sở dĩ cần độ uyển chuyển là vì chúng ta luôn muốn một sản phẩm được tạo ra có thể bán nhiều công ty nhất có thể… Lợi nhuận, vì thế cũng tăng theo thời gian. Vấn đề còn lại là việc sales và marketing.
Cái khó ở đây chính là nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Rõ ràng, nếu chỉ tính nhu cầu hiện tại thì rất nhiều nhưng không đủ để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới có tính cách mạng sâu sắc, bởi vì chính các doanh nghiệp đó cũng không biết chính xác họ cần gì, hoặc những gì họ cần thì không thấy có gì cách mạng cả. Chính vì vậy nên trên thị trường, những doanh nghiệp IT lớn đã hiện thực hết và sẵn sàng bán cho họ. Như vậy, chỉ có một con đường dành cho các doanh nhân trẻ lập nghiệp, đó là khai thác những nhu cầu ở tương lai.
Như thế nào là “nhu cầu ở tương lai”? Nói một cách đơn giản, đó là những nhu cầu mà chính các doanh nghiệp sử dụng cũng không biết, nhưng các doanh nghiệp IT phải nhận ra nó, rằng các nhu cầu này nếu có sẽ tiết kiệm hoặc mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp, thậm chí cần vẽ ra một viễn cảnh tương lai hoàn hảo và khiến cho các doanh nghiệp kia thích thú (lại một nghệ thuật marketing). Lấy một ví dụ, trước khi có giao diện đồ họa Windows, người ta chỉ nghĩ đến việc có những máy tính lớn làm hoàn hảo các công việc tính toán và càng nhanh càng tốt; nhưng khi Windows 3.1 ra đời, và sau đó là Windows 98, thật sự dấy lên phong trào mua sắm PC và kích thích sự phát triển các phần mềm ứng dụng, mọi doanh nghiệp đều có lợi và muốn mua nó.
Tóm lại, dường như chỉ có một cách để bước đi vững chắc cho các doanh nhân công nghệ trẻ muốn thành công: Tìm kiếm các nhu cầu ở tương lai của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở đây có thể là doanh nghiệp không chuyên IT hay các doanh nghiệp IT (trường hợp này có vẻ giống outsourcing).

Đi lên từ dịch vụ

Đây là cách khá phổ biến, và được Vinagame áp dụng thành công. Tuy nhiên, giới công nghệ lại không cho rằng nó là một công ty công nghệ thông tin đúng nghĩa, nhưng chúng ta tạm gác chuyện này sang một bên, cái chúng ta quan tâm là lợi nhuận từ đâu ra và những khó khăn nào sẽ gặp phải.
Có một chuyện thú vị là đến 57% số người được hỏi nói rằng họ đã từng trả tiền cho game online, dĩ nhiên con số này không phải ở VN, nhưng nó cũng phần nào phản ảnh được việc người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để chơi game. Lý do có lẽ thuộc lĩnh vực… tâm lý: Có rất nhiều người, ở ngoài đời không được tôn trọng, nhưng trong game họ là minh chủ, là dũng sĩ thượng hạng,… và họ trả tiền để thể hiện đẳng cấp của mình và để mình được ngưỡng mộ.
Khúc mắc lớn nhất là làm sao có game hay và thu hút? Ở VN, hầu như chỉ là Việt hóa các game nước ngoài và mua bản quyền phát hành mà thôi. Và muốn làm được chuyện này, họ cần phải có nguồn đầu tư lớn, mà thiết nghĩ, chỉ có những “đại gia” mới có thể chi ra. Do đó, việc thành lập một công ty, chỉ là tìm một đại gia đỡ đầu và kiếm một game nào đó hay ho. Vấn đề lớn nhất là kiếm một “đại gia” như thế, và thường người kiếm được cũng phải là “đại gia” mà VTC là một điển hình.
Ngược lại, hầu hết người VN chơi game miễn phí. Tức là họ chấp nhận bỏ nhiều thời gian để sống với nó hơn, để “thể hiện đẳng cấp” hơn là bỏ tiền để nâng cấp đồ vật. Chuyện này làm tôi nghĩ đến chuyện Nhà nước bắt các nhà cung cấp game online giới hạn giờ chơi theo hướng có lợi cho nhà cung cấp game online: Nếu anh muốn tăng cấp, anh hãy trả tiền, chứ anh không thể lên cấp bằng chơi game ngày đêm vì chúng ta có luật giới hạn giờ chơi. Đằng nào thì các nhà cung cấp game online cũng có lợi.
Nhưng kinh doanh game online chỉ là một phần, người ta có thể có nhiều dịch vụ khác để kinh doanh, ví dụ đơn giản chỉ là cung cấp dịch vụ hosting hay dịch vụ nghe nhạc trực tuyến chẳng hạn. Nói chung, mọi dịch vụ có thể thành công bằng cách khôn khéo thu lợi từ người dùng cuối. Vấn đề chỉ là có vốn ban đầu hay không và cách thu lợi có hiệu quả hay không mà thôi.

Biến VN thành bước đệm cho bước “toàn cầu”

Muốn trở thành nổi tiếng thế giới, và kiếm được khoản lợi kếch sù giống như Google, Microsoft hay Facebook? Dường như đó là mong muốn của dân công nghệ muốn “rủng rỉnh”, hay đơn giản chỉ là vì muốn rời bỏ VN, nơi “nông dân” thì nhiều mà “ruộng cày” thì ít. Bước đi “global” là một bước đi quan trọng cho những người muốn “bùng nổ” và khiến cho giới công nghệ chạy theo mình. Thật sự, VN thiếu những doanh nghiệp định hướng global ngay từ đầu và kiên quyết thực hiện nó, tuy nhiên đó lại là câu chuyện khác, ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự thành công hay không của những doanh nhân trẻ muốn đi “toàn cầu”.
Bước đầu tiên là tạo ra sản phẩm định hướng “toàn cầu”, nhưng cũng cần xác định nhu cầu tại VN, tức là tạo một sản phẩm cho người VN sử dụng. Sau một thời gian “thử nghiệm” tại VN, họ sẽ đúc kết những kinh nghiệm về sales, marketing, quảng cáo, hay đơn giản là lấy ý kiến từ người sử dụng VN,… phân tích và cải tiến sản phẩm theo hướng tốt nhất. Khi có một số lượng người dùng nhất định, họ bắt tay vào bước đi toàn cầu, bắt đầu bằng hành động nghiên cứu thị trường và thị hiếu người dùng. Sau đó hướng sản phẩm đến các thị trường mới, và mở rộng dần dần.
Đa số các công ty mới thành lập, các doanh nhân công nghệ trẻ đều suy nghĩ đến một công ty toàn cầu hiệu quả, nhưng đa số là dần dần từ bỏ ước mơ, bởi cuộc chiến tại thị trường VN cũng đã là không đơn giản, huống hồ “nước biển” khác với “nước sông”. Nhân tố để có được thành công nhỏ ở VN đó là chiến dịch quảng cáo và sales hiệu quả, có thể chấp nhận không có lợi nhuận tại VN luôn, vì bước đi “global” mà. Nhưng về mặt công nghệ thì sản phẩm phải thật tốt và có thể khai thác từ nhiều cách khác nhau (thậm chí có những cách khai thác dữ liệu mà chưa được biết đến cũng cần được tính đến), nói vậy có nghĩa là sản phẩm vừa có tính khả chuyển cao, lại vừa giúp doanh nghiệp thu thập và khai thác những thông tin truy xuất có giá trị.
Chỉ khi nào có những thành công “vừa đủ” (như thế nào là vừa đủ thì tùy chiến lược của mỗi doanh nghiệp) tại VN, thì bước đi “global” mới vững chắc. Giai đoạn tiếp theo, tiếp cận thị trường nước ngoài, cũng không hề đơn giản, bởi họ cần một đội ngũ tiếp thị mạnh ở nước ngoài và có thể cạnh tranh được các công ty tương tự ở các nước đó. Do đó, họ cần một đội ngũ thật giỏi, là người bản xứ càng tốt, và hoàn toàn hiểu được mục tiêu của công ty. Lưu ý, đội ngũ này có thể là tình nguyện viên giống như các công ty sản xuất phần mềm nguồn mở đã có.
Điểm yếu của hướng đi này đó là: Chúng ta có đủ thời gian, kiên nhẫn và nguồn lực để thực hiện tới cùng không?

… và vẫn chưa kết thúc…

Chúng ta vừa lướt qua một số loại hình doanh nghiệp công nghệ thông tin, và có thể nói với các doanh nhân công nghệ trẻ rằng: Cửa đã mở, anh có chịu tranh giành mà vào hay không?
Một công ty. Nó chỉ đơn giản là một công ty của bạn. Và bạn làm bất cứ thứ gì bạn muốn và đem lại lợi ích cho bạn. Có điều, thành công của một công ty không phụ thuộc vào ước muốn của bạn, mà nó phụ thuộc vào tầm nhìn và khả năng của bạn.
Thực tế, có rất nhiều người bước vào đời với bàn tay trắng và họ có thể trở thành doanh nhân lớn, cũng có rất nhiều người chỉ là dân lập trình nhưng cũng đủ để họ trở nên giàu có… Quan trọng là bạn muốn làm cái gì? Và bạn định hướng tương lai tới đâu…
—————
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tôi, hiện là sinh viên sắp ra trường.

No comments:

Post a Comment

Biểu mẫu liên hệ

Name

Email *

Message *